Khi bố còn thơ là tập hợp những câu chuyện được nhà văn Alexander Raskin kể lại cho con gái của mình nghe mỗi khi cô bé ốm. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Nga năm 1961, gây tiếng vang lớn và trở thành cuốn sách kinh điển trong dòng sách cho thiếu nhi, bởi sự trong sáng và tính giáo dục cao.
Sách Khi bố còn thơ. Ảnh: Phanbook. |
Cuốn sách gắn với nhiều thế hệ
Ở Việt Nam, Khi bố còn thơ xuất bản lần đầu năm 1987 do Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng ấn hành. Đây là một trong những cuốn sách đầu đời, nhiều kỷ niệm với nhiều người, nhất là thế hệ 7X.
Nếu bạn search từ khóa “Khi bố còn thơ”, sẽ thấy nhiều người mở blog viết các mẩu chuyện tương tự. Nó cho thấy cuốn sách có sự gợi nguồn cảm hứng đặc biệt với người đọc Việt Nam.
Mới đây, Phanbook và NXB Văn hóa Văn nghệ đã ấn hành bản Khi Bố Còn Thơ mới nhất. Ngoài những câu chuyện được in trong bản cũ, cuốn sách có bổ sung một số truyện mới do Y Khương và Đỗ Tư Nghĩa dịch từ bản tiếng Anh When daddy was a little boy.
Bản dịch mới mang âm hưởng tuổi thơ, lối dịch mới mẻ, dễ thương, rất thật và gần gũi tâm hồn Việt. Những câu chuyện tuổi thơ của một người cha ở nước Nga xa xôi bỗng trở nên thật gần gũi với thiếu nhi Việt, bởi những trùng hợp lạ lùng trong những câu chuyện.
Sách còn được in màu với phần minh họa sinh động của Hồng Nguyên, người được ưa thích trên báo chí Mỹ trong thời gian gần đây.
“Cuốn sách đơn giản mà ông bố nào cũng có thể viết”
Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Ông bố nào cũng từng là cậu bé" diễn ra tối 1/6, thạc sĩ tâm lý Trần Đình Dũng đưa ra nhiều nhận định về Khi bố còn thơ của Alexander Raskin.
Tác giả Alexander Raskin. Ảnh: Geni. |
Theo ông, Khi bố còn thơ là những mẩu chuyện đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn.
Đó là những câu chuyện vụn vặt về những trò nghịch dại hay phạm lỗi mà bất kỳ cậu bé nào cũng từng trải qua. Thậm chí, ông cho rằng các ông bố Việt sẽ còn có những câu chuyện hay hơn nữa để kể cho con.
Những câu chuyện của chúng ta có thật, đời và gần gũi với con hơn, bởi đó là đời sống, văn hóa Việt Nam rất quen thuộc với lũ trẻ.
Tác giả, thay vì mượn những nguyên liệu đâu đó, đã chọn chính nguyên liệu mình sẵn có, tuổi thơ của mình, kể cho con nghe với giọng điệu rất trẻ con, tếu táo, đơn giản nhưng lại có sức mạnh kết nối cha và con gần nhau hơn.
Ai cũng có thể viết được cho con mình cuốn sách như thế này. Ai cũng có nguyên liệu để kể, nhiều người cũng có khả năng để viết.
Điều đặc biệt của cuốn sách này chính là câu chuyện kết nối các thế hệ trong gia đình. Ông bố, khi kể chuyện cho con mình nghe, luôn bắt đầu bằng “Ngày xưa ông nội con…”. Vô hình trung, trong câu chuyện kể đó, có cả câu chuyện về ông bà nội khi bố còn thơ.
Những điều nho nhỏ này làm cho khoảng cách thế hệ rút ngắn lại. Đồng thời, đứa trẻ sẽ hiểu ra rằng bố của mình không phải là một siêu nhân hay một anh hùng. Bố từng là cậu bé, nghịch phá ra sao, kênh kiệu với bạn bè thế nào, rồi bị tẽn tò ra sao.
Người cha nào cũng từng là cậu bé
Chúng ta đang sống trong một xã hội bận rộn, nhiều bậc cha mẹ không thể dành thời gian cho con, vì tư duy kiếm tiền để lo cho con ngôi trường tốt, tương lai tốt hay cuốn sổ tiết kiệm, dựng vợ gả chồng cho con. Cách nghĩ đó đúng nhưng chưa đủ trong thời đại này.
Thạc sĩ Trần Đình Dũng. Ảnh: Phanbook. |
Thế giới con trẻ rất nhiều màu sắc, chúng cho ta đặc ân được chơi với chúng. Ta phải biết cách thu vén thời gian công việc để dành thời gian cho con.
Dù là ai trong cuộc đời, dù có bao nhiêu tiền, ta không dành thời gian cho con, chúng sẽ tìm ở những nơi khác. Và cũng đừng đòi hỏi cuốn sách này phải trở thành cẩm nang hướng dẫn những ông bố phải làm gì. Nó chỉ là cuốn sách rất đơn giản, kể cho con mình nghe chuyện lúc còn bé.
Có chăng, nó chỉ khơi gợi cho chúng ta hào hứng làm bạn với con. Hãy trò chuyện với chúng mỗi ngày, thay vì hỏi điểm số. Hãy kể cho con nghe chuyện của chúng ta khi còn nhỏ. Với chúng, đó là kho tàng cổ tích quý nhất thế gian.
“Ở vị trí một ông bố, tôi biết điều xác tín là chúng ta đều yêu thương con mình. Khi chúng ta có đứa con đầu tiên, không ai dạy chúng ta làm cha, chúng ta cóp nhặt những điều đó từ cha mẹ. Nhưng cách dạy đó có thể bị lỗi thời, bởi giữa các thế hệ luôn có một khoảng cách", thạc sĩ Trần Đình Dũng nói.
Ông chia sẻ: "Như một dòng sông, chúng ta không thể san lấp con sông để không còn ngăn cách. Điều quan trọng là phải biết bắc cầu nối hai bờ. Đôi khi, chúng ta phải chậm lại, để lắng nghe con và để biết con cần mình. Đừng quên, mỗi ông bố từng là một cậu bé”.