Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Biden sẽ tìm cách ghi điểm bằng kho vaccine cho thế giới

Sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan kết thúc trong thảm họa với chiến dịch di tản hỗn loạn, Tổng thống Joe Biden đối mặt với thách thức lấy lại thể diện cho nước Mỹ.

Làn sóng dịch bệnh mới do biến chủng Delta gây ra đang mang lại cơ hội để chính quyền Tổng thống Joe Biden chứng tỏ rằng nước Mỹ vẫn ở vị thế lãnh đạo thế giới và đẩy lùi sức ép từ sự cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc, ít nhất trong lĩnh vực y tế toàn cầu.

Giọt nước giữa đại dương

Kể từ tháng 4, hàng loạt quốc gia đối mặt làn sóng dịch bệnh mới do biến chủng Delta. Đây là lời nhắc nhở đau đớn rằng nhân loại còn lâu mới có thể chế ngự được virus SARS-CoV-2.

Đến nay, nỗ lực quốc tế do Mỹ lãnh đạo nhằm cung cấp vaccine cho các nước nghèo vẫn bị đánh giá là thiếu sót.

Khi vaccine Covid-19 lần đầu được ra mắt cuối năm ngoái, các nước giàu tranh nhau đặt mua, khiến nguồn cung mau chóng cạn kiệt. Điều này dù không hay nhưng có thể hiểu được, bởi xét cho cùng các nhà lãnh đạo phải đặt quyền lợi của người dân nước mình lên trên hết.

Dù vậy, có một thực tế gần như tất cả đều công nhận rằng dịch bệnh chỉ có thể bị chặn đứng khi làn sóng lây nhiễm được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu.

"Ngăn chặn sự lây lan của virus trên khắp thế giới sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và nền kinh tế của chúng ta ở quê nhà", Jeffrey Zients, điều phối viên nhóm công tác Covid-19 của Tổng thống Biden, cho biết.

Mỹ và các quốc gia sản xuất vaccine từng cam kết sẽ bảo đảm phần còn lại của thế giới có thể tiếp cận vaccine, qua đó giúp tăng tỷ lệ miễn dịch của người dân các nước nghèo sớm nhất có thể.

vaccine covid-19 my anh 1

Vaccine Covid-19 do Mỹ viện trợ được đưa đến Malaysia. Ảnh: Straits Times.

Nhưng lời hứa này đến nay vẫn chưa được thực hiện.

"Chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến sự bất bình đẳng đáng sợ trong tiếp cận vaccine", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tuần trước.

Tới nay, hơn 5,4 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên khắp thế giới. Hơn 50% trong số đó được sử dụng ở 10 quốc gia thu nhập cao và Trung Quốc.

Để thấy được sự tương phản, tại Mỹ 58% người dân đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, con số này ở Pháp là 68%. Trong khi đó, quốc gia đông dân nhất châu Phi là Nigeria mới chỉ tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 1,5% dân số.

Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, phải đến cuối năm 2022 tức 3 năm sau ngày đại dịch bùng phát, phần lớn dân số thế giới mới được tiếp cận vaccine.

Trong khoảng thời gian ấy, virus sẽ tiếp tục có thêm không gian và cơ hội để lây lan, đột biến, sản sinh ra những biến chủng mới, có nguy cơ nguy hiểm hơn trước.

Đây là hiểm họa mà Washington, London hay Bắc Kinh đều hiểu rõ.

"Từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, tôi có một mục tiêu dứt khoát rằng chúng ta cần tấn công virus này trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ giới hạn ở trong nước, bởi đây là lợi ích của chính nước Mỹ. Chúng ta sẽ trở thành kho vaccine của thế giới để chiến thắng đại dịch, như cái cách chúng ta từng là kho đạn dược giúp chiến thắng Chiến tranh Thế giới 2", ông Biden nói hồi tháng 8.

Thế nhưng, Nhà Trắng đến nay vẫn chưa làm được như những gì mà Tổng thống Biden tuyên bố.

Mỹ đã viện trợ 130 triệu liều vaccine tới các nước nghèo, nhiều hơn tất cả quốc gia khác trên thế giới cộng lại. Tổng thống Biden cam kết sẽ viện trợ thêm 500 triệu liều vaccine nữa.

Dẫu đây là con số không nhỏ, nó chỉ tương đương khoảng 5% nhu cầu vaccine của thế giới.

"Đó chỉ là một giọt nước giữa đại dương. Cuộc khủng hoảng vaccine là thất bại đạo đức lớn nhất mà đã rất lâu rồi chúng ta mới được chứng kiến", Lawrence Gostin, chuyên gia y tế toàn cầu của Đại học Georgetown, nói.

Mỹ có tận dụng được thời cơ?

Lúc này, Tổng thống Biden đang có cơ hội lớn nếu có thể xoay chuyển tình thế cuộc khủng hoảng vaccine.

Cuối tháng 9, Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nhiều khả năng ông Biden sẽ nói về nỗ lực thúc đẩy phân phối vaccine toàn cầu, các quan chức Mỹ tiết lộ.

Vấn đề là Tổng thống Biden có sẵn sàng có hành động "lớn và táo bạo" hay không.

"Chỉ có ý định không thôi là chưa đủ", ông Gostin nói.

Theo ông Gostin, hành động có tác động lớn nhất mà Tổng thống Biden có thể làm được là gây sức ép lên các nhà sản xuất như Pfizer và Moderna chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine với các quốc gia khác.

"Viện trợ một liều vaccine sẽ giúp cứu một mạng người, nhưng nếu chia sẻ công nghệ vaccine, có thể cứu được cả một đất nước", ông Gostin nói.

Tuy nhiên, bước đi này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ các tập đoàn dược phẩm Mỹ bởi nó làm suy yếu vị thế kiểm soát công nghệ vaccine vốn giúp các tập đoàn này thu lợi nhuận khổng lồ.

vaccine covid-19 my anh 2

Nhiều quốc gia vẫn mòn mỏi chờ đợi vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters.

Nếu ông Biden không sẵn sàng buộc các công ty dược phẩm chia sẻ công nghệ vaccine, Washington sẽ phải đặt ra một mục tiêu sản xuất vaccine cho nhu cầu của toàn thế giới.

"Con số phù hợp là hơn 10 tỷ liều", ông Gostin nói.

Hiển nhiên, nước Mỹ sẽ thu được lợi ích từ việc phân phối vaccine cho thế giới, dù là theo hình thức mua - bán hay viện trợ.

Đầu tiên, càng nhiều người dân ở các quốc gia khác được tiêm chủng, nguy cơ virus đột biến, trở nên nguy hiểm hơn và quay trở lại nước Mỹ sẽ giảm xuống.

Thứ hai, đây là cơ hội để Tổng thống Biden cho cả thế giới thấy thiện chí, quyết tâm cũng như khả năng lãnh đạo thế giới của nước Mỹ, trong bối cảnh Washington đang đối mặt cạnh tranh chiến lược, địa chính trị khốc liệt từ Trung Quốc.

Bằng cách cung cấp vaccine cho các nước nghèo, Mỹ có thể củng cố vị thế của mình.

Và hiển nhiên, tại các cuộc gặp quốc tế tới đây khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhóm họp trở lại, viện trợ vaccine giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 chắc chắn là chủ đề mà Washington muốn đưa ra thảo luận, thay vì câu chuyện ở Afghanistan.

Người đàn ông có siêu kháng thể, tự khỏi bệnh Covid-19 John Hollis được phát hiện có "siêu kháng thể" trong máu giúp miễn dịch với Covid-19. Ngay cả khi pha loãng đến 10.000 lần, máu của ông vẫn có thể tiêu diệt được 90% virus.

Lễ hội trở lại ở Ấn Độ dù vẫn có 40.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày

Nhà chức trách Ấn Độ quyết định tiếp tục mở cửa hơn nữa các hoạt động kinh tế, xã hội, giáo dục, dù vẫn có khoảng 40.000 ca Covid-19 mỗi ngày cùng nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới.

Ngư dân Anh bắt được tôm hùm xanh hiếm gặp

Một ngư dân người Anh bắt được con tôm hùm xanh hiếm gặp ở ngoài khơi Aberdeen, Scotland. Cứ mỗi 2 triệu con tôm hùm mới xuất hiện một con tôm hùm xanh như vậy, theo BBC.

Taliban tung tin thành trì của lực lượng phản kháng đã thất thủ

Ba nguồn tin Taliban tuyên bố đã đánh bại lực lượng phản kháng và giành quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan. Tuy nhiên, quân kháng chiến bác bỏ thông tin này.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm