Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ chính thức nhậm chức vào ngày mai 20/1. Nhiều người tin rằng ông sẽ nhanh chóng ban hành các lệnh hành pháp, xoá bỏ những quyết định mà người tiền nhiệm Donald Trump trước đó đã ký, một trong số đó là hạn chế với Huawei, công ty công nghệ lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà phân tích Dan Ives thuộc công ty tài chính Wedbush Securities, có trụ sở tại Los Angeles, lại không nghĩ như vậy. Dan tin rằng Biden cần thêm thời gian để đảo ngược lệnh cấm do chính quyền Trump đưa ra, vốn đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Huawei.
"Chúng tôi không mong đợi chính quyền Biden sẽ nhanh chóng thay đổi các hạn chế hiện tại đối với Huawei hay SMIC nhưng tin rằng tổng thống mới sẽ không ban hành thêm các điều khoản bổ sung nhằm vào những công ty công nghệ Trung Quốc. Lệnh hạn chế với SMIC hay Huawei nhiều khả năng cuối cùng cũng sẽ được nới lỏng", Dan viết.
Mặc dù chính quyền Biden không muốn thể hiện quá rõ sự nhân nhượng với Huawei bằng việc đảo chiều các chính sách hiện tại ngay lập tức, nhiều người vẫn tin rằng tài sản trí tuệ sẽ là nội dung chính trong cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Biden lên nắm quyền, và Huawei cuối cùng sẽ trở lại.
Biden được mong đợi sẽ nhẹ tay với Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc. Ảnh: Global Times. |
Chính quyền mới cũng sẽ dễ dàng hơn khi giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ thay vì các cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia trước đó. Thực tế, chưa từng có bằng chứng cụ thể cho thấy Huawei đang thu thập thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc.
Lần vi phạm gần nhất của hãng này chỉ là hành vi trộm cắp bất hợp pháp các bộ phận và phần mềm của robot kiểm tra điện thoại Tappy, sở hữu bởi nhà mạng T-Mobile. Huawei khi đó đã phải bồi thường cho T-Mobile 4,8 triệu USD.
Hồi tháng 2/2020, Mỹ cáo buộc hình sự đối với Huawei liên quan đến Tappy. Bộ Tư pháp Mỹ tố cáo Huawei và các công ty chi nhánh đã đánh cắp bí mật thương mại từ sáu công ty Mỹ. Thông tin bị đánh cắp bao gồm mã nguồn và các hướng dẫn sử dụng công nghệ không dây.
Sáu công ty nói trên bao gồm T-Mobile, Cisco Systems, Motorola Solutions, Fujitsue, CNEX Labs và Quintel Technology. Trong một thông cáo báo chí, Bộ Tư pháp cho biết: "Đây là cáo buộc cho những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Huawei và một số công ty con của họ, ở cả Mỹ và Trung Quốc, nhằm chiếm đoạt tài sản trí tuệ từ sáu công ty công nghệ Mỹ, cho mục đích phát triển kinh doanh của Huawei".
Huawei (màu đỏ) đứng thứ 2 sau Samsung về thị phần trong Q2/2020. Ảnh: Counterpoint Research. |
Cuối năm 2020, Huawei đạt được mục tiêu dài hạn của mình, trở thành top các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, dù vẫn chịu nhiều lệnh hạn chế từ chính quyền Trump.
Tuy nhiên, với việc bán thương hiệu con Honor của mình trong một hợp đồng trị giá 15 tỷ USD, Huawei được dự đoán sẽ rơi từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ bảy trong năm 2021 và Honor sẽ ở vị trí thứ tám trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới.