Wang Chenglu, trưởng bộ phận Phần mềm thuộc mảng Kinh doanh Tiêu dùng Huawei cho biết mục tiêu của công ty trong năm 2021 là cài đặt hệ điều hành Harmony trên hơn 200 triệu thiết bị của hãng và hơn 100 triệu thiết bị của các bên thứ ba.
“Nhìn chung, số lượng các sản phẩm chạy hệ điều hành Harmony OS sẽ đạt từ 300-400 triệu vào cuối năm nay", SCMP dẫn lời ông Wang.
Tất nhiên, rất khó để một hệ điều hành mới được người dùng chấp nhận một cách rộng rãi ngay lập tức. Harmony sẽ phải mất nhiều năm mới có thể chứng minh khả năng cạnh tranh với hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google.
Huawei ra mắt hệ điều hành Harmony vào tháng 8/2019, khoảng 3 tháng sau khi Mỹ đưa ra một số lệnh cấm vận về công nghệ đối với tập đoàn này. Mặc dù vậy, ông Wang phủ nhận Huawei phát triển hệ điều hành Harmony OS để tránh các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
“Có rất nhiều lời đồn đoán rằng Harmony OS ra đời nhằm tránh các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Tôi có thể khẳng định với các bạn điều này không đúng", ông Wang chia sẻ. Ngoài ra, ông nói thêm rằng hệ điều hành này bắt đầu được phát triển vào tháng 5/2016, khi Huawei tỏ ra lo ngại về việc tất cả các thiết bị của họ phải phụ thuộc vào một hệ điều hành khác.
Kể từ thời điểm Harmony OS ra mắt, nhiều nghi vấn đặt ra liệu hệ điều hành này có được phát triển độc lập, hay chỉ dựa trên một phiên bản Android. Mặc dù Huawei tuyên bố Harmony OS là hệ điều hành mã nguồn mở, công ty này chưa phát hành đủ mã nguồn để xác định liệu Harmony OS có phải là một hệ điều hành hoàn toàn độc lập hay không.
Ông Wang khẳng định rằng Harmony OS không phải là bản sao của Android hay iOS và mục tiêu của Harmony OS là kết nối các thiết bị Internet vạn vật (IoT) để có thể được sử dụng trên nhiều thiết bị mà không cần thay đổi các nền tảng khác nhau.
"Hệ điều hành Harmony OS được sinh ra dành cho kỷ nguyên IoT. Nó khác với hai hệ điều hành Android và iOS, vốn chỉ được thiết kế cho điện thoại thông minh", Ông Wang cho biết.
Hiện nay, Android vẫn là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới khi nắm giữ tới 72% thị phần của thị trường thiết bị điện tử tính đến tháng 10/2020, theo dữ liệu từ Statista. Cũng theo Statista, nếu chỉ tính riêng thị trường điện thoại di động, Android và iOS đã chiếm tới 99% thị phần trên toàn thế giới.
Vì vậy, Harmony OS sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu muốn phá vỡ vị thế độc tôn của hai hệ điều hành trên.
Sản phẩm đầu tiên chạy Harmony OS là một chiếc TV thông minh được ra mắt bởi thương hiệu giá rẻ trước đây của Huawei là Honor vào năm 2019. Tại buổi ra mắt Harmony OS 2.0 vào tháng 9/2020, trưởng bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei, Richard Yu Chengdong cho biết tất cả các điện thoại thông minh của hãng sẽ chạy trên nền tảng Harmony OS vào cuối năm 2021.
Công ty cũng có kế hoạch tích hợp hệ điều hành này trên các thiết bị khác của Huawei bao gồm loa, tai nghe và kính VR trong tương lai.
Smartphone Huawei có thể 'chia tay' Android
Tin đồn cho biết mẫu điện thoại cao cấp Huawei P50 có thể cài sẵn hệ điều hành Harmony OS do hãng tự phát triển.
Bị Mỹ cấm vận, Xiaomi có trở thành Huawei thứ 2?
Xiaomi bất ngờ nằm trong danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ dù họ chỉ là một công ty điện tử tiêu dùng thuần túy.
2021 sẽ là năm đầy thử thách cho smartphone Huawei
Hãng điện thoại Trung Quốc có thể ra khỏi top 6 công ty smartphone lớn nhất trong năm nay.