Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thông báo kế hoạch nói trên vào lúc 22h15 ngày 11/3 (giờ Việt Nam), Reuters dẫn lời một nguồn thạo tin.
Nếu kế hoạch trên được thông qua, Nga sẽ không còn được Mỹ cho hưởng chế độ đãi ngộ “tối huệ quốc” trong lĩnh vực thương mại.
Tổng thống Biden sẽ phối hợp với Quốc hội Mỹ để hủy quan hệ thương mại thông thường với Nga. Ảnh: Bloomberg. |
“Tối huệ quốc” là nguyên tắc then chốt của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Theo nguyên tắc này, một thành viên WTO cần phải đảm bảo đối xử công bằng với các nước khác về phương diện thuế quan và quy định pháp lý.
Mất đi đãi ngộ “tối huệ quốc” đồng nghĩa với việc một số hàng hóa nhập khẩu từ Nga sẽ chịu mức thuế cao hơn cả mức mà Mỹ đang áp đặt lên Triều Tiên và Cuba.
Chẳng hạn, thuế suất của Mỹ đối với cá hồi Nga sẽ tăng từ 15% lên 30%. Từ chỗ được miễn thuế, mặt hàng gỗ dán và rượu vodka sẽ bị đánh thuế lần lượt là 30% và 1,78 USD/lít.
Động thái của Mỹ sẽ được đưa ra với sự phối hợp với EU và các nước thuộc nhóm G7, nhằm tăng cường trừng phạt kinh tế đối với Nga về vấn đề Ukraine.
“Các nước sẽ thay đổi trạng thái quan hệ giao thương với Nga theo quy trình riêng của mỗi nước”, một nguồn tin nói với Wall Street Journal.
Tại Mỹ, động thái này cần được quốc hội thông qua. Từ trước, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều thể hiện thái độ ủng hộ biện pháp trên.
Tuần trước, Canada đã áp dụng biện pháp này và áp mức thuế 35% lên mọi mặt hàng nhập khẩu từ Nga và Belarus. EU cũng đang cân nhắc động thái tương tự.
Hôm 10/3, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể phản tác dụng khi giá năng lượng và lương thực tăng cao.
Đến ngày 11/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Pankin cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể tác động tới nền kinh tế thế giới, vì Nga là một bên quan trọng trong quan hệ kinh tế toàn cầu.
Các lệnh trừng phạt vào Nga sẽ “làm gián đoạn hậu cần, thương mại và chuỗi cung ứng công nghiệp”, ông Pankin nói. “Giá lương thực và giá một số mặt hàng khác đã tăng cao khắp thế giới”.