Trong những dấu ấn sau 4 năm cầm quyền, việc kiềm chế nền công nghệ Trung Quốc được coi là một thành tựu lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Liệu người kế nhiệm của ông, Tổng thống đắc cử Joe Biden có tiếp tục làm khó Trung Quốc?
"Chúng tôi chờ đợi chính quyền của ông Biden có cách đối xử cứng rắn với Trung Quốc", Rob Strayer, Phó chủ tịch ủy ban công nghệ Mỹ nói với Wall Street Journal. Ủy ban này đại diện cho quyền lợi của nhiều công ty công nghệ như Apple, Intel và Microsoft.
Hạn chế các công ty Trung Quốc là một trong những "di sản công nghệ" lớn nhất thời ông Trump. Ảnh: Bloomberg. |
Giải thích rõ hơn, ông Strayer cho rằng chính quyền mới sẽ tiếp tục hạn chế các hành vi yêu cầu nhượng quyền, đòi hỏi dữ liệu và ép buộc chuyển giao công nghệ của Trung Quốc.
Công nghệ Trung Quốc vẫn sẽ bị kiềm tỏa?
Những chính sách được đưa ra trong vài năm qua, như hạn chế xuất khẩu công nghệ cho Huawei Technologies hay đánh thuế cao với hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc, sẽ được tiếp tục duy trì với chính quyền mới.
Wall Street Journal nhận định hạn chế sự phát triển của công nghệ Trung Quốc là quyết tâm đồng nhất của cả 2 đảng lớn tại Mỹ. Các chính trị gia của 2 đảng đều cho rằng Trung Quốc hỗ trợ cho các công ty nước này, tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.
Những nghị sĩ của cả 2 đảng đều đồng ý rằng Huawei là một mối nguy hại tới an ninh quốc gia Mỹ, và những hạn chế đối với công ty này đều dựa trên lo ngại đó.
Ông Joe Biden từng nhiều lần nói về các lo ngại với công nghệ Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: New York Times. |
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden từng cho biết ông lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ để tăng sự kiểm soát của nhà nước, thay vì trao quyền cho công dân.
Những nhà tư vấn của ông Biden đã nhiều lần nói về cách đối phó với lợi thế 5G và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc. Trong chiến dịch của mình, ông Biden từng cho biết ông lo ngại khi TikTok có thể truy cập dữ liệu của người trẻ Mỹ quá dễ dàng.
TikTok là ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng của công ty Trung Quốc ByteDance, và cũng là đối tượng bị hạn chế giao dịch trong sắc lệnh hành pháp của chính quyền ông Trump vào tháng 8.
Đâu là ưu tiên của chính quyền mới?
Dựa trên những phát biểu từ chiến dịch tranh cử, có thể dự đoán chính quyền mới của ông Biden sẽ đưa ra nhiều biện pháp để phát triển công nghệ trong nước. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và 5G sẽ được ưu tiên.
Nhiều công ty trong ngành bán dẫn của Mỹ đang vận động hành lang để chính phủ đầu tư vào xây dựng nhà máy, chi phí nghiên cứu cho phát triển bán dẫn trong nước. Những nỗ lực này nhận được nhiều sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ.
"Chúng ta sản xuất bán dẫn trong nước chưa đủ", John Neuffer, Giám đốc hiệp hội bán dẫn Mỹ cho biết. Theo số liệu gần đây, các nhà máy đặt tại Mỹ chỉ sản xuất khoảng 12% số chip, còn gần 75% được làm tại châu Á.
Tuy nhiên, những biện pháp hạn chế với Huawei cũng gây tranh cãi. Một số công ty cho rằng việc không cho phép bán hàng tới Huawei và nhiều công ty Trung Quốc sẽ khiến doanh số của họ bị ảnh hưởng, từ đó ngân sách dành cho nghiên cứu, phát triển cũng phải giảm đi.
Huawei có thể vẫn bị hạn chế dưới thời chính quyền Biden. Ảnh: AP. |
Ở chiều ngược lại, nhiều công ty phát triển thiết bị viễn thông lại cho rằng các biện pháp sẽ giúp giảm bớt những lợi thế cạnh tranh của Huawei.
Dù chính quyền ông Biden đưa ra những biện pháp gì, các công ty công nghệ đều sẽ thận trọng hơn với những kinh nghiệm từ thời ông Trump. Nhiều biện pháp được Tổng thống Mỹ đương nhiệm đưa ra khiến các công ty bất ngờ và không phản ứng kịp thời.
Do vậy, nhiều lãnh đạo công nghệ mong rằng chính quyền sẽ tôn trọng ý kiến từ các công ty trong ngành hơn.
"Chính quyền mới vẫn sẽ cảnh giác với Trung Quốc, nhưng các biện pháp có thể sẽ không giống như thời ông Trump", Ajit Manocha, CEO của hiệp hội ngành sản xuất công nghệ SEMI chia sẻ.