Dựa trên kết quả kiểm phiếu phổ thông sơ bộ, ứng cử viên Joe Biden được dự đoán chiến thắng và trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ kể từ tháng 1/2021.
Thật không may, ông phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, từ việc đảng Dân chủ không chiếm đa số ở Thượng viện đến thực trạng lộn xộn của "nền kinh tế Internet", nơi có những hệ thống sinh thái bị chi phối bởi các tập đoàn siêu cường.
Chống độc quyền
Ngay trước kỳ bầu cử, Bộ trưởng Tư pháp dưới thời ông Donald Trump đã kiện Google về vấn đề độc quyền. Vụ việc chưa đi đến hồi kết, vì vậy chính phủ mới sẽ phải tiếp tục xử lý.
Chính phủ mới phải xử lý hậu quả của các vụ kiện chống độc quyền từ thời Donald Trump. Ảnh: NYT. |
Các nhà bình luận công nghệ lo lắng về động cơ đằng sau vụ việc. Những chuyên gia chống độc quyền, bao gồm người có xu hướng tự do, hoan nghênh động thái của Bộ Tư pháp, nhưng rõ ràng chính quyền dưới thời Biden không dễ giải quyết hậu quả để lại.
Sau đó, họ sẽ ứng xử thế nào với những cái tên còn lại. Facebook hay Amazon đều có chính sách củng cố vị thế của mình bằng cách mua bán, sáp nhập các đối thủ tiềm năng.
Hành động pháp lý rất khó thực hiện khi cơ quan lập pháp liên bang do phe bảo thủ chiếm đa số và tiền lệ cho thấy chính phủ ít dành được phần thắng trong các vụ kiện chống độc quyền.
Bên cạnh Bộ Tư pháp, một cơ quan khác có ảnh hưởng trong vấn đề này là Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC). Không cần Quốc hội chấp thuận, FTC cũng có thể ban hành các quy tắc. Chẳng hạn như cấm cạnh tranh không lành mạnh, điều khoản ràng buộc trong thỏa thuận người dùng hoặc các hợp đồng độc quyền.
Tuy nhiên, vấn đề là các ủy viên của FTC có nhiệm kỳ đến 7 năm và không thể bị sa thải vô lý. Hiện tại ủy ban này có 3 thành viên đảng Cộng hòa và 2 người thuộc phe Dân chủ. Tất cả đều bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2018.
Như vậy, ông Biden có thể không thực hiện được chính sách của mình trước khi một đảng viên Cộng hòa nghỉ hưu hoặc quay lại làm việc cho khu vực tư nhân.
Câu hỏi lớn hơn là tổng thống mới có quan điểm như thế nào về việc này. Biden không nói nhiều về chống độc quyền trong chiến dịch tranh cử.
Mạng lưới cố vấn ông bao gồm cả những người có tư tưởng chống độc quyền và những người bảo vệ các đại gia công nghệ. Chưa rõ bên nào thắng thế trong chính quyền mới.
Luật về quyền riêng tư
Vào năm 2019, dự luật về bảo mật và quyền riêng tư được đệ trình lên Quốc hội Mỹ. Ban đầu, có vẻ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều tán đồng.
Nhưng 2 bên không tìm được tiếng nói chung trong một số điểm mấu chốt: người dùng có thể kiện công ty vi phạm hay không và luật có ngăn chặn quy định chặt chẽ hơn của các tiểu bang trong vấn đề này.
Cơ quan lập pháp Mỹ vẫn chia rẻ trong vấn đề quy định quyền riêng tư. Ảnh: FT. |
Tuy nhiên, khi quốc hội nhiệm kỳ 117 bắt đầu hoạt động vào năm tới, sẽ có một số đề xuất lập pháp phù hợp được đưa ra bàn bạc. Chưa rõ các nghị sĩ có đạt được đồng thuận sau cuộc bầu cử tổng thống kéo dài và nhiều diễn biến phức tạp hay không.
Ngoài ra, Đạo luật Quyền riêng tư của California là một áp lực khác. Quy định vừa được thông qua của tiểu bang này mạnh tay hơn luật riêng tư hiện hành. Một khi hiệu lực, nó có thể trở thành tiêu chuẩn quốc gia vì trên thực tế, California có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế Mỹ nói chung và trong lĩnh vực công nghệ nói riêng.
Kiểm duyệt nội dung
Ngay cả khi không có gì xảy ra ở cấp độ lập pháp, việc Donald Trump rời Nhà Trắng vẫn là một cơn địa chấn đối với các nền tảng trong vấn đề kiểm duyệt nội dung.
Trump đặt ra một câu hỏi nan giải cho mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Twitter, những nền tảng ông thường xuyên sử dụng: Làm thế nào để thực thi nhất quán các quy tắc kiểm soát thông tin sai lệch khi Tổng thống Mỹ lại là nguồn phát tán lớn?
Trong những năm đầu nhiệm kỳ Donald Trump, có vẻ các công ty nhún nhường. Vì vậy, họ hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nhà hoạt động tự do và giới phê bình công nghệ. Tuy nhiên thời gian gần đây điều đó dần cải thiện.
Ông Trump khiến các nền tảng mạng xã hội khó xử với những thông điệp gây tranh cãi. Ảnh: NYT. |
Biden lại khác. Ông ấy là một chính trị gia Mỹ điển hình, một người không tung tin đồn về gian lận bầu cử lên mạng xã hội vào lúc 3 giờ sáng. Điều đó có nghĩa là công việc của các nền tảng sắp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Tin giả và sai lệch không lập tức biến mất, nhưng nó cũng không còn liên hệ chặt chẽ với người đứng đầu Nhà Trắng. Vì vậy, các nền tảng có thể đưa ra quyết định xử lý dễ dàng hơn, không căng thẳng về mặt chính trị.
Do đó, ngay cả khi các công ty không thay đổi bất cứ điều gì sau, vấn đề thông tin sai lệch có vẻ không còn trầm trọng như trước.
Phân hóa trong lĩnh vực công nghệ
Bất bình đẳng trong sử dụng Internet băng thông rộng là vấn đề đáng xấu hổ của Mỹ, một điều mà ngay cả chương trình mang tên “Tuần lễ Cơ sở hạ tầng” của Trump cũng không giải quyết được.
Biden đã biến băng thông rộng ở nông thôn trở thành một phần khá lớn trong chiến dịch tranh cử của mình. Đó cũng là ưu tiên trong nhiều năm qua của Đảng Dân chủ.
Tổng thống mới có thể không thực hiện được tất cả lời hứa về băng thông rộng nếu không có sự ủng hộ của Thượng viện, ít nhất là trong vấn đề tăng ngân sách liên bang. Nhưng nếu đó thực sự là ưu tiên, chính quyền sẽ làm nhiều việc để cố gắng đạt được.
Một lý do khiến truy cập băng thông rộng thiếu và giá quá cao là sự độc quyền trong việc cung cấp. Sử dụng sức mạnh chống độc quyền, tạo ra cạnh tranh nhiều hơn là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, khi đặt bên cạnh những khủng hoảng nghiêm trọng khác mà Biden phải giải quyết, gồm đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, tình hình kinh tế… Internet băng thông rộng nông thôn chỉ là một vấn đề thứ yếu.