Gói cứu trợ bao gồm hơn 400 tỷ USD để trực tiếp đối phó với dịch bệnh, cho những việc như đẩy nhanh triển khai vaccine và mở lại trường học một cách an toàn trong vòng 100 ngày sau khi được thông qua.
Gói cứu trợ cũng bao gồm 350 tỷ USD để giúp chính quyền các tiểu bang và địa phương bù đắp thâm hụt ngân sách.
Mỗi người lao động và gia đình sẽ được hỗ trợ thêm với số tiền 1.400 USD chuyển trực tiếp.
Các trợ cấp thất nghiệp, ngày nghỉ có lương và trợ cấp cho chi phí chăm sóc trẻ cũng được mở rộng, theo New York Times.
Gói cứu trợ khổng lồ là bước đi quan trọng và táo bạo của ông Biden giữa thời điểm khủng hoảng của nước Mỹ, cũng là lúc ông cần phải nắm thế chủ động để vạch ra nghị trình của chính quyền mới ngay từ những ngày đầu.
Nhưng kế hoạch của ông trước mắt sẽ vấp phải thách thức ở Quốc hội, khi tổng thống sắp mãn nhiệm vừa bị Hạ viện luận tội và Thượng viện sẽ phải dành thời gian xét xử ông Trump.
Ông Joe Biden sắp đề xuất 1.900 tỷ USD. Ảnh: New York Times. |
Hiện chưa rõ gói cứu trợ của ông Biden có thể dễ dàng được thông qua hay không.
Sau hai chiến thắng của đảng Dân chủ ở các cuộc bầu cử Thượng viện bang Georgia ngày 5/1, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có 50 ghế.
Như vậy, phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, với vai trò chủ tịch Thượng viện, có thể bỏ phiếu cho phía Dân chủ.
Nhưng ông Biden có thể không có đủ phiếu nếu một nghị sĩ Dân chủ trung dung nào đó không ủng hộ, với lý do gói cứu trợ tương đối lớn.
Các cố vấn của ông Biden cho rằng quy mô cuộc khủng hoảng hiện tại buộc ông phải vạch ra một gói cứu trợ lớn hơn khoảng 50% (đã điều chỉnh theo lạm phát) so với gói cứu trợ của cựu Tổng thống Obama khi lên nắm quyền giữa suy thoái năm 2009.
Trong một buổi trao đổi với báo chí, một quan chức của ông Biden nói thêm rằng cơ sở hạ tầng hiện tại cho việc tiêm phòng và xét nghiệm diện rộng kém xa so với những gì họ dự tính.
Ông Biden sẽ chính thức công bố gói cứu trợ này, có tên “Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ”, trong một diễn văn ở bang Delaware.
Dù 20/1 mới là ngày nhậm chức, diễn văn được xem như tiếng còi khai mạc cho nhiệm kỳ tổng thống, đặt ông Biden vào tâm điểm của mọi chú ý, theo New York Times.
Ông Biden sẽ phát biểu giữa lúc nước Mỹ ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, khi số ca tử vong ở vào ngưỡng 3.000-4.000 ca mỗi ngày, hàng triệu người lao động mất việc, và đang chia rẽ gay gắt.
Không chỉ vậy, các quan chức liên bang cảnh báo lễ nhậm chức ngày 20/1 sẽ trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan, da trắng thượng đẳng có vũ trang.
Phó tổng thống Mike Pence đã gặp giám đốc FBI Chris Wray để bàn kế hoạch bảo vệ buổi lễ ngày 20/1. Chính phủ dự kiến điều hơn 20.000 lính Vệ binh từ 13 bang.