Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Biden nên đề cử bà Obama kế nhiệm ‘tượng đài’ Ginsburg?

Tờ The Hill nhận định bà Michelle Obama là ứng cử viên sáng giá nhất, có khả năng tiếp thêm sức mạnh cho chiến dịch của ông Biden nếu bà được đề cử kế nhiệm Thẩm phán Ginsburg.

Cuối tuần qua, cả nước Mỹ tôn vinh di sản của Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg, người vừa qua đời ở tuổi 87 hôm 19/9.

Theo nhận định của The Hill, chiến dịch tranh cử của cựu Phó tổng thống Joe Biden phải nắm bắt thời điểm này và đề xuất một ứng cử viên quan trọng để kế nhiệm vị thẩm phán được người dân yêu mến. Người được đề cử phải là người đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc và giới tính, đồng thời có thể dập tắt nỗ lực tìm kiếm người kế nhiệm vị trí này của đảng Cộng hòa.

Điều đó có nghĩa là chiến dịch tranh cử của ông Biden không thể chỉ đơn thuần đề cử một phụ nữ có trình độ cho Tòa án Tối cao. Nếu muốn làm nên lịch sử, ông Biden cần một người phụ nữ là hiện thân cho giấc mơ của phong trào dân quyền. Người đó là cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle LaVaughn Robinson Obama.

de nhat phu nhan Obama anh 1

Cựu Phó tổng thống Joe Biden và cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama tham dự một buổi lễ vào Ngày Cựu chiến binh tại Virginia hôm 11/11/2012. Ảnh: Getty.

Đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn kế nhiệm bà Ginsburg

Trong bối cảnh nước Mỹ vẫn vật lộn với các cuộc biểu tình đòi công bằng chủng tộc, bà Obama đang có vị thế thuận lợi nhất để trở thành biểu tượng cho người Mỹ gốc Phi.

Bà có trải nghiệm chân thực về cuộc đại di cư của người Mỹ gốc Phi từ vùng nông thôn miền Nam nước Mỹ tới các khu đô thị ở miền Bắc trong giai đoạn 1916-1970. Chính câu chuyện cá nhân này khiến bà có điểm tương đồng với những nhân vật tiên phong đấu tranh cho dân quyền như Mary McLeod Bethune.

Bà Bethune có xuất thân khiêm tốn từ một đồn điền trồng bông ở South Carolina. Về sau, bà thành lập Viện Bethune - Cookman ở Daytona Beach, bang Florida và trở thành cố vấn cho cựu Tổng thống Franklin Roosevelt trong thời kỳ Đại Suy thoái 1929 - 1930.

Với bà Obama, những người Mỹ bất an sẽ cảm thấy được an ủi bởi cựu đệ nhất phu nhân nổi tiếng có trí tuệ nhạy bén và cống hiến cho các mục tiêu công bằng, bình đẳng. Bà đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn để ngồi lên chiếc ghế kế thừa những lý tưởng của Thẩm phán Ginsburg.

Là đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Phi duy nhất, bà Obama đã góp phần xây dựng văn hóa Nhà Trắng hòa nhập và được hoan nghênh nhất trong lịch sử. Bà cũng thường xuyên nhân danh bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái để lên tiếng.

de nhat phu nhan Obama anh 2

Bà Obama là người khởi xướng nhiều chương trình cho phụ nữ và trẻ em Mỹ. Ảnh: Reuters.

Cựu đệ nhất phu nhân là người khởi xướng chương trình "Let’s Move" để ngăn chặn bệnh béo phì ở trẻ em, chương trình "Joining Forces" để huy động sự ủng hộ cho các gia đình quân nhân và "Reach Higher" - sáng kiến khuyến khích những người trẻ tuổi theo học nghề và vào đại học.

Hơn thế nữa, bà Obama mang đến cái nhìn sâu sắc với tư cách là một phụ nữ da đen đã đấu tranh để tự tin sống trong một xã hội vốn vẫn ưu tiên người da trắng.

Giống như Sojourner Truth, người theo chủ nghĩa bãi nô, bà đã học cách kiềm chế cảm xúc của mình để trở thành người đại diện cho bình đẳng chủng tộc và giới tính.

Đừng để lỡ mất thời khắc lịch sử

Không ai có thể coi bà Obama là người nhượng bộ người da trắng. Giới quan sát người Mỹ gốc Phi đều nhận ra rằng bà tự hào là đại diện cho tầng lớp trung lưu của Chicago. Trong lịch sử, đây là cộng đồng đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ, cho các giá trị của giáo dục, công nghiệp, tự lực và hợp tác lẫn nhau. Đây vẫn là cộng đồng người Mỹ gốc Phi thành công nhất cả nước cho tới khi giới chính trị mới nổi ở Georgia và Chicago xuất hiện gần đây.

Câu chuyện cuộc đời bà được nhiều người biết đến qua cuốn tự truyện nổi tiếng có tên "Becoming". Cựu đệ nhất phu nhân gốc Phi lớn lên ở South Side, thuộc thành phố Chicago, bang Illinois. Cha bà là người điều hành hệ thống máy bơm cho nhà máy nước. Ông mắc căn bệnh đa xơ cứng. Mẹ bà là một phụ nữ nội trợ, ở nhà nuôi dạy bà và anh trai Craig Robinson.

de nhat phu nhan Obama anh 3

Chân dung bà Michelle Robinson trong cuốn kỷ yếu của Đại học Princeton năm 1985. Ảnh: Splash News.

Bà tốt nghiệp trường công lập, sau đó theo học ngành xã hội học và người Mỹ gốc Phi tại Đại học Princeton. Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard năm 1988, bà gia nhập công ty luật Sidley & Austin ở Chicago, nơi bà gặp ông Barack Obama.

Bà tiếp tục làm trợ lý ủy viên quy hoạch và phát triển ở Tòa Thị chính và là giám đốc điều hành văn phòng Chicago của Public Allies, tổ chức phi lợi nhuận chủ trương khuyến khích giới trẻ tham gia các hoạt động xã hội do các cơ quan chính phủ hoặc các nhóm thiện nguyện điều hành. Năm 1996, bà gia nhập Đại học Chicago với tư cách phó chủ nhiệm vụ sinh viên, cân bằng giữa công việc và việc làm mẹ.

Chiến dịch tranh cử của ông Biden cần phải coi trọng việc đề cử bà Michelle Obama cho vị trí kế nhiệm Thẩm phán Ginsburg ở Tòa án Tối cao Mỹ. Bởi lựa chọn này sẽ khơi dậy niềm hứng khởi trong cộng đồng người Mỹ gốc phi và phụ nữ ở vùng ngoại ô.

Hơn thế nữa, động thái sẽ gây áp lực lên các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người mà ông Trump có thể sẽ kêu gọi ủng hộ ứng cử viên do ông đề xuất vào vị trí thẩm phán mới. Mỗi người trong số họ sẽ phải suy nghĩ kỹ nếu không muốn làm kích động làn sóng phẫn nộ của nữ cử tri da đen và phụ nữ ở vùng ngoại ô của các tiểu bang.

Thật sai lầm nếu chiến dịch tranh cử của ông Biden để lỡ mất thời khắc lịch sử này. Những gì chiến dịch của ông Biden cần làm lúc này là để bà Obama trở thành ứng cử viên hàng đầu trong danh sách các ứng cử viên được cân nhắc cho vị trí kế nhiệm bà Ginsburg.

Cựu đệ nhất phu nhân thậm chí không cần làm gì khác ngoài việc nói rằng bà rất tự hào khi được đề cử. Nước đi này sẽ tiếp thêm sức mạnh đáng kể cho chiến dịch tranh cử của ông Biden và tạo cơ sở cho một đề cử mang tính bước ngoặt.

Shirley Chisholm từng là nữ nghị sĩ tiên phong của New York và là ứng cử viên cho cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ. Trong cuốn tự truyện "Unbought and Unbossing" năm 1970 của mình, bà Chisholm viết:

"Khi nói rằng tương lai của nhân loại rất có thể do phụ nữ chúng tôi quyết định, thì đó không phải là tự cao tự đại. Đó là sự thật".

Và điều này rất có thể sẽ liên quan đến Michelle Obama nếu bà trở thành thẩm phán kế nhiệm tượng đài quá cố Ginsburg.

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Obama đến Việt Nam để thúc đẩy nền giáo dục Vào 9/12, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama và ngôi sao Hollywood Julia Roberts đã đến thăm một trường học ở Cần Giuộc nhằm thúc đẩy nền giáo dục cho các bé gái.

Lo sợ kịch bản năm 2000 ở Mỹ sau khi bà Ginsburg qua đời

Sự ra đi của bà Ginsburg có thể báo hiệu tin xấu cho đảng Dân chủ nếu cuộc chiến pháp lý về kết quả bầu cử ngày 3/11 được đưa ra tòa phân xử, như chuyện từng xảy ra vào năm 2000.

Ông Obama kêu gọi hoãn việc lấp chỗ trống của bà Ginsburg

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Thượng viện Mỹ đừng vội tìm người thay thế vị trí của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg sau khi bà qua đời hôm 18/9.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm