Trong sự nghiệp chính trị trải dài bốn thập kỷ, Tổng thống Joe Biden đã chứng kiến những người tiền nhiệm từ cả hai đảng cố gắng thay đổi bộ mặt mối quan hệ Nga - Mỹ nhưng bất thành.
Trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Vladimir trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, ông Biden đã cố tránh lặp lại sai lầm tương tự.
Tổng thống Biden không đưa ra đề xuất nào về việc tái thiết mối quan hệ Nga - Mỹ. Niềm tin rằng bản thân không thể thay đổi quan điểm của người đồng cấp Nga đã được phản ánh qua hành động của ông Biden, tờ Washington Post nhận định.
"Đây không phải vấn đề về sự tin tưởng, mà là về nhu cầu của mỗi bên", Tổng thống Biden nói với báo giới hôm 16/6.
Không kỳ vọng cao
Trên thực tế, khi lên kế hoạch cho cuộc gặp với ông Putin ở Thụy Sĩ, các trợ lý của Tổng thống Biden dường như đã chuẩn bị cho mọi tình huống khả dĩ.
Theo Washington Post, để tránh phải thất vọng, đội ngũ của ông Biden không nuôi hy vọng rằng hai tổng thống có thể đạt được sự đồng thuận nào, dù là nhỏ nhất.
Không những vậy, để tránh rơi vào thế "cửa dưới", các trợ lý của ông Biden thương lượng để ông Putin đến điểm hẹn trước, loại trừ khả năng ông Putin đến muộn và buộc người đồng cấp phải chờ đợi. Đây vốn là một chiến thuật tâm lý thường được Tổng thống Putin sử dụng.
Đội ngũ của ông Biden thậm chí không tổ chức họp báo chung với phía Tổng thống Putin vì lo ngại đôi bên sẽ có những phát biểu ngẫu hứng và bất ngờ.
Tổng thống Biden lần đầu gặp trực tiếp người đồng cấp Nga kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Bất chấp việc hai nhà lãnh đạo không đặt kỳ vọng ở mức cao và cuộc hội nghị kết thúc sớm hơn dự kiến, ông Putin và Tổng thống Biden đã đạt nhiều bước tiến đáng kể trên một số phương diện.
"Không tồn tại bất kỳ sự thù địch nào", ông Putin nói với báo giới sau hội nghị. "Ngược lại, cuộc hội kiến của chúng tôi diễn ra trên tinh thần xây dựng".
Tổng thống Biden cũng dùng các tính từ "tốt"và "tích cực" để mô tả cuộc họp với ông Putin.
Cả hai tổng thống đều đồng thuận về việc đưa đại sứ hai nước quay lại nhiệm sở. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov và Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan đã về nước trong nhiều tháng, gây khó khăn cho hoạt động ngoại giao vào thời điểm căng thẳng địa chính trị giữa hai nước gia tăng.
Theo một thông cáo chung được công bố sau hội nghị, hai bên cũng nhất trí nối lại các cuộc đàm phán ổn định chiến lược bị đình trệ. Động thái này được cho là hướng đến mục tiêu giảm nguy cơ xung đột không chủ ý giữa hai cường quốc hạt nhân.
Hai nhà lãnh đạo đồng thời quyết định thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các chuyên gia an ninh mạng hai nước, Washington Post dẫn nguồn tin ẩn danh từ một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Dù buổi gặp kết thúc sớm hơn dự kiến, hai nhà lãnh đạo được cho là đã đạt một số bước tiến đáng kể trong việc cải thiện mối quan hệ Nga - Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Mỹ đã trao cho Tổng thống Putin danh sách 16 lĩnh vực mà phía Mỹ không muốn đàm phán, bao gồm thực phẩm - nông nghiệp, dịch vụ tài chính, thông tin liên lạc và công nghiệp quốc phòng.
Bản thân các thỏa thuận hai tổng thống đạt được không mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, một cách tổng thể, các nhà phân tích cho rằng chúng cùng nhau tạo nên bước tiến về các vấn đề quan trọng đối với cả hai nước.
"Đây là những sự tiến bộ rõ ràng", Sam Charap, một nhà phân tích về Nga tại Rand Corp, nhận xét. "Nhìn chung, đây có lẽ là kết quả khả quan nhất mà chúng ta có thể trông đợi".
Triển vọng hơn những người tiền nhiệm
Những thành quả khiêm tốn mà ông Biden đạt được sau cuộc gặp với ông Putin trái ngược với tham vọng lớn lao của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm - những người đã tìm cách cải thiện mối quan hệ phức tạp với Moscow.
Cựu Tổng thống George W. Bush từng nổi tiếng với tuyên bố rằng ông "cảm nhận được tâm hồn của ông Putin" khi nhìn vào mắt của người đồng cấp Nga. Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ của ông Bush, mối quan hệ Nga - Mỹ dường như không đạt bước tiến đáng kể nào.
Câu nói "cảm nhận được tâm hồn của ông Putin" từ phía cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush được tổng thống Nga dùng để châm biếm phía Mỹ trong buổi gặp ông Biden hôm 16/6. Ảnh: Brookings Institution. |
Năm 2009, tại Geneva, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tặng người đồng cấp Nga một chiếc hộp màu vàng có nút "đặt lại" màu đỏ để tượng trưng cho mối quan hệ hai nước được cải thiện dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, mối quan hệ Nga - Mỹ sau đó chuyển biến xấu đi vì động thái can thiệp của Nga ở Syria và Ukraine. Việc Nga cho Edward Snowden tị nạn cũng góp phần làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nhậm chức đã công khai thể hiện sự ngưỡng mộ đối với ông Putin và cam kết sẽ cải thiện quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, ông Trump đã rời Nhà Trắng mà không tạo ra bất kỳ thay đổi nào trong mối quan hệ giữa Washington và Moscow, ngoại trừ vụ lùm xùm xoay quanh cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Trong cuộc hội kiến với ông Biden vào ngày 16/6, Tổng thống Putin dường như đã châm biếm cách tiếp cận của phía Mỹ, tờ Washington Post nhận định.
"Chúng ta không cần phải nhìn vào ánh mắt và tâm hồn nhau, cũng không cần cam kết về tình yêu và tình bạn vĩnh cửu", Tổng thống Putin nói. "Chúng tôi bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc của mỗi người. Mối quan hệ của chúng tôi vẫn luôn xoay quanh tính thực dụng là chủ yếu".
Trong bối cảnh Moscow và Washington có nhiều mâu thuẫn, Mỹ và Nga nhiều khả năng sẽ lại rơi vào thế bất đồng trong những tháng tới, bất chấp những bước tiến đạt được ở Geneva hôm 16/6.
Dẫu vậy, sự hiện diện của các nhà ngoại giao cấp cao ở thủ đô mỗi nước và kế hoạch đối thoại trong tương lai được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện giúp hai nhà lãnh đạo giải quyết tranh chấp tốt hơn.