Mỹ vừa điều động tàu USS Rafael Peralta - một trong các tàu khu trục mới nhất thuộc biên chế - từ San Diego, bang California, đến Yokosuka, Nhật Bản. Tàu vừa cập cảng vào ngày 4/2.
USS Rafael Peralta đã là tàu chiến thứ 12 được Mỹ triển khai đến căn cứ tiền tiêu ở Tây Thái Bình Dương. Căn cứ Yokosuka còn đóng vai trò "cảng nhà" cho tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan và tàu chỉ huy USS Blue Ridge của Hạm đội 7.
Đưa thêm một tàu khu trục đến Nhật Bản là quyết định tốn rất nhiều công sức đối với Lầu Năm Góc. Không chỉ đơn thuần di chuyển một tàu chiến, họ còn phải giải quyết cả bài toán nơi ở mới cho thủy thủ đoàn hơn 300 người cùng gia đình của họ. Tuy nhiên, theo thông cáo của Hạm đội 7, đảm bảo các tàu chiến tối tân nhất trong lực lượng được triển khai đến căn cứ tiền tiêu là chính sách đóng vai trò quyết định với an ninh và ổn định toàn khu vực.
Các đợt triển khai tương tự sẽ tiếp tục được thúc đẩy dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, đặc biệt khi Mỹ đang đánh giá lại hiện diện sức mạnh trên toàn cầu.
Thủy thủ tàu khu trục USS John S. McCain theo dõi một tàu gần quần đảo Hoàng Sa khi tuần tra tự do hàng hải vào ngày 5/2. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại kể từ khi nhậm chức, ông Biden nhấn mạnh hiện diện quân sự Mỹ cần "được điều chỉnh phù hợp với các ưu tiên chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia". Quá trình đánh giá lại phân bổ hiện diện quân sự Mỹ tại nước ngoài đã được Tổng thống Biden giao cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chịu trách nhiệm chính.
Nhà lãnh đạo 78 tuổi còn hủy bỏ kế hoạch giảm quân đồn trú tại Đức, được công bố vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Người tiền nhiệm của ông Biden ra lệnh rút quân vì cho rằng Đức không đầu tư đủ nhiều cho quốc phòng và trở thành gánh nặng cho đồng minh. Quyết định rút quân đơn phương vào tháng 6/2020 đã vấp phải chỉ trích quyết liệt từ NATO, giữa giai đoạn Nga ngày càng khiến phương Tây lo ngại.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đưa ra cam kết chủ động tham vấn với đồng minh và đối tác trong quá trình đánh giá lại phân bổ hiện diện quân sự toàn cầu. Quyết định hoãn rút quân tại Đức là tín hiệu cho thấy chính phủ Biden sẵn sàng phối hợp chặt chẽ hơn với các đối tác và đồng minh về vấn đề lực lượng đồn trú.
Với thông điệp "điều chỉnh hiện diện quân sự phù hợp với ưu tiên chính sách" trong phát biểu của Tổng thống Biden, nhiều khả năng Washington sẽ tiếp tục dịch chuyển nguồn lực cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giữa bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày một leo thang căng thẳng.
Kurt Campell, chuyên gia kỳ cựu về chính sách đối ngoại Mỹ, vừa được ông Biden bổ nhiệm làm điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Viết trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 1, ông Campell cho rằng Mỹ cần phân tán lực lượng trên khắp khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Ông và Rush Doshi, người vừa được chỉ định chịu trách nhiệm chính cho mảng Trung Quốc trong NSC, cùng cho rằng phương án dàn trải lực lượng sẽ giúp quân đội Mỹ "giảm sự phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các cơ sở ở Đông Á vốn có nhiều rủi ro".
Tổng thống Joe Biden còn đang cân nhắc trì hoãn rút quân khỏi Afghanistan. Đây vốn là mục tiêu đầy tham vọng những tháng cuối nhiệm của Tổng thống Trump.
Với mong muốn đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến đã kéo dài 2 thập kỷ của quân đội Mỹ, Washington dưới thời Tổng thống Trump còn chấp nhận đàm phán hòa bình với nhóm vũ trang Taliban để kết thúc tình trạng sa lầy trên chiến trường Trung Á. Trong khi đó, giới chuyên gia và cựu quan chức quốc phòng Mỹ lại ủng hộ Washington phối hợp nhiều hơn cùng đồng minh NATO trong vấn đề rút quân, qua đó đảm bảo tương lai ổn định cho Afghanistan.
Tàu khu trục USS Rafael Peralta đến cảng Yokosuka vào ngày 4/2. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Sự thay đổi trong dự đoán
Đánh giá lại hiện diện quân sự toàn cầu là công việc rất bình thường với mỗi đời tổng thống Mỹ, nhằm ứng phó với những biến động địa chính trị quốc tế.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Tổng thống George W. Bush đã tập trung rất nhiều cho mô hình chiến tranh cơ động và bất tương xứng nhằm tiêu diệt các lực lượng khủng bố. Đây là sự thay đổi rất lớn so với cách tiếp cận truyền thống dưới thời Chiến tranh Lạnh.
Bước đến năm 2008, khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống, Mỹ lại chủ trương "tái cân bằng sức mạnh" và "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương.
Lầu Năm Góc lên kế hoạch triển khai thêm các đơn vị quân sự đến Australia và các vành đai khu vực ở Trung Đông, châu Âu. Dù vậy, khi cuộc chiến với khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nổ ra, Lầu Năm Góc phải duy trì nguồn lực ở Trung Đông và tầm nhìn về "xoay trục" cũng không thể hoàn thành.
Trong khi đó, Tổng thống Trump lại quá tập trung vào việc buộc các đồng minh phải chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng.
Các chiến lược an ninh khu vực bị xếp ở hàng ưu tiên thấp hơn câu chuyện tiền nong cho nước Mỹ. Các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục chịu sức ép đóng góp tài chính để duy trì chiếc ô an ninh của Mỹ, thậm chí bị Washington đe dọa rút quân. Đàm phán chi phí với đồng minh cùng cũng không thể kết thúc dưới thời ông Trump và Tổng thống Biden lại phải kế thừa các thảo luận dang dở.
Theo Bruce Klinger, chuyên gia Đông Bắc Á tại tổ chức Heritage Foundation, chính phủ Joe Biden nên ra tuyên bố duy trì lực lượng tại Hàn Quốc "đến khi mối đe dọa hạt nhân, tên lửa và quân đội quy ước từ Triều Tiên giảm đáng kể".