Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Bá Thanh: 'Chúng ta sẽ lấy lại những gì đã mất'

"Nhất định chúng ta sẽ lấy lại tất cả những gì đã mất và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra", ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định với cử tri Đà Nẵng.

Sáng 2/7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban nội chính Trung ương - có buổi tiếp xúc cử tri ở TP.Đà Nẵng. Hầu hết các ý kiến của cử tri đều thể hiện sự bất bình và quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và nay họ lại bất chấp tình nghĩa, luật pháp quốc tế đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri Đà Nẵng.

Cử tri Đỗ Thành Công (trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) nói chúng ta đã quá tình nghĩa, quá tin tưởng vào "ông bạn" láng giềng nên mới xảy ra tình trạng này.

Cử tri Phạm Xuân Mái (trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào thềm lục địa của nước ta đến nay, Đảng và Nhà nước đã nhiều lần điện đàm đối thoại, nhưng phía Trung Quốc không thể hiện thiện chí mà ngày càng hung hăng hơn. Vậy, nếu họ không rút giàn khoan và không chịu ngồi lại để giải quyết trên tình thần hòa bình, thì chúng ta phải làm gì để lấy lại phần lãnh thổ bị Trung Quốc xâm chiếm?”.

Ông Nguyễn Bá Thanh trả lời cử tri: "Đúng là Trung Quốc đã và đang dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của chúng ta. Không những vậy, họ còn thể hiện rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là không để một tấc đất nào của cha ông vào tay nước khác. Chúng ta dùng các biện pháp hòa bình để tuyên truyền, đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhất định, chúng ta sẽ lấy lại hết những phần lãnh thổ đã bị mất và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.

Ông Thanh cũng yêu cầu người dân Đà Nẵng phải thể hiện tình thần yêu nước một cách có trí tuệ.

"Chúng ta không được manh động, nghe lời kẻ xấu xúi giục rồi đập phá, gây gổ với người Trung Quốc. Đa số người dân Trung Quốc muốn hòa bình, ghét chiến tranh. Hành động gây hấn ở Biển Đông chỉ là chủ trương của nhà cầm quyền chứ không phải nguyện vọng của người dân Trung Quốc. Do đó, khi người dân Trung Quốc đến đây du lịch, làm ăn, chúng ta phải đối xử niềm nở, mến khách chứ không được kích động như vụ việc ở Bình Dương và Hà Tĩnh vừa qua. Đây chỉ là hành động của một số kẻ quá khích”, ông Thanh nói và căn dặn người dân Đà Nẵng không được có bất cứ hành động tương tự nào như 2 địa phương trên.

Các cử tri cũng yêu cầu Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để tránh sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. "Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát xem có bao nhiêu dự án trọng điểm doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu? Chúng ta vay họ bao nhiêu tiền? Trung Quốc hỗ trợ mình bao nhiêu vốn…”, cử tri Nguyễn Hoàng Chí (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) kiến nghị và cho rằng ở bất cứ thời đại nào, khi đã phụ thuộc lớn về kinh tế thì sẽ có sự lệ thuộc về nhiều thứ khác.

Cử tri Phạm Xuân Mái kiến nghị, Đảng Nhà nước cần có những chính sách quyết liệt hơn để đòi lại chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc
Cử tri Phạm Xuân Mái phát biểu.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay ở Đà Nẵng có 7 doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Cả 7 đơn vị này đang làm ăn có hiệu quả và họ tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Số lao động là người Trung Quốc cũng đang được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, không có tình trạng lao động chui".

Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh đánh đuổi xâm lược nên khi hòa bình lập lại, ta có chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Ông Thanh nhấn mạnh: “Đến bây giờ, có thể thẳng thắn khẳng định rằng, nền kinh tế của nước ta không lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào. Chúng ta hoàn toàn tự chủ để phát triển kinh tế và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.

Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng mà cử tri quan tâm, ông Thanh phát biểu trên cương vị người đứng đầu Ban Nội chính Trung ương: "Tham nhũng đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Trong bất cứ giai đoạn nào nó cũng được xếp vào loại 'kẻ thù'. Chúng ta cương quyết dẹp bỏ tình trạng này. Tuy nhiên, cũng giống như đối với 'giặc ngoài', chúng ta phải khôn khéo, cẩn thận để xử lý".

"Vừa qua, tòa án các cấp đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn rồi. Tới đây, sẽ có 4 vụ đại án nữa được đưa ra xét xử. Chúng ta không khoan nhượng với tham nhũng, nhưng cũng phải rất cẩn thận để không đổ oan cho người vô tội", ông Thanh nói.

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm