Giữa đại dịch virus corona, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất các biện pháp để xây dựng nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc để đất nước "Mặt Trời mọc" có thể tránh được gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Lời kêu gọi này đã dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi ở Bắc Kinh, theo Nikkei Asian Review.
Bắc Kinh "đang có những lo ngại thực sự về việc các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc", một nguồn tin trong lĩnh vực kinh tế ở Trung Quốc cho biết.
"Điều đặc biệt được nhắc đến là điều khoản trong gói kinh tế khẩn cấp của Nhật Bản khuyến khích (và tài trợ) việc tái lập các chuỗi cung ứng", nguồn tin nói.
Trung, Nhật giữa ngã tư đường
Nếu đại dịch không xảy ra, chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ kết thúc bằng việc ông Tập tự hào tuyên bố "kỷ nguyên mới" trong quan hệ Trung - Nhật. Ông sẽ cổ vũ ông Abe khi Nhật Bản chuẩn bị tổ chức sự kiện lớn là Thế vận hội 2020.
Thay vào đó, cả chuyến đi của ông Tập và Thế vận hội Tokyo đã bị hoãn lại, và quan hệ Trung - Nhật giờ đang đứng giữa ngã tư đường.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi các công ty Nhật dời nhà máy ở Trung Quốc về nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á. Ảnh: Reuters. |
Người ta nhìn thấy những tín hiệu sớm nhất về chính sách mới của ông Abe vào ngày 5/3.
Vào ngày đó, một cách trùng hợp cũng là ngày hoãn chuyến thăm Nhật của ông Tập được công bố, chính phủ Nhật Bản tổ chức họp Hội đồng Đầu tư cho Tương lai. Ông Abe, Chủ tịch hội đồng, cho biết ông muốn các cơ sở sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao trở về Nhật Bản.
Ngồi quanh bàn là các lãnh đạo doanh nghiệp có ảnh hưởng như Hiroaki Nakanishi, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, tổ chức đại diện cho giới kinh doanh lớn nhất đất nước được biết đến với tên gọi Keidanren.
"Do virus corona, sản phẩm đến từ Trung Quốc đến Nhật Bản ít hơn", ông Abe nói. "Mọi người đang lo lắng về chuỗi cung ứng của chúng ta".
Trong số các sản phẩm phụ thuộc nhiều vào một quốc gia duy nhất để sản xuất, "chúng ta nên cố gắng di dời các mặt hàng có giá trị gia tăng cao về Nhật Bản", nhà lãnh đạo nói. "Và đối với mọi thứ khác, chúng ta nên đa dạng hóa quốc gia (sản xuất) như các nước ASEAN".
Phát biểu của ông Abe rất rõ ràng. Ông nói những lời này khi việc mua sắm phụ tùng ôtô và các sản phẩm khác mà Nhật Bản phụ thuộc vào Trung Quốc đã bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các công ty Nhật.
Và họ yêu cầu một thứ gì đó nhiều hơn là mô hình "Trung Quốc+1" truyền thống mà theo đó các công ty có thêm một địa điểm không phải là Trung Quốc để đa dạng hóa hoạt động sản xuất.
"Trận chiến kéo dài"
Giữa lúc đất nước đang bị bao phủ bởi tin tức về virus corona, đề xuất này đã không tạo ra các dòng tít lớn ở Nhật Bản.
Song Trung Quốc đang quan sát một cách cẩn trọng, có lẽ tự hỏi liệu họ có sắp phải trải qua một "cuộc rút quân của ngành công nghiệp" như Nhật Bản từng trải qua hay không.
Xu hướng như vậy sẽ làm lung lay nền tảng của mô hình tăng trưởng lâu nay mà Trung Quốc theo đuổi.
Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự một sự kiện tại quảng trường Thiên An Môn tháng 9/2019. Ảnh: Nikkei. |
Trong gói kích thích kinh tế khẩn cấp được thông qua vào ngày 7/4, chính phủ Nhật Bản kêu gọi tái lập chuỗi cung ứng đã bị tấn công bởi dịch bệnh.
Chính phủ dành hơn 240 tỷ yên (khoảng 2,2 tỷ USD) trong kế hoạch ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2020 để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á.
Ngày hôm sau, 8/4, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu ở nước này, đã tổ chức một cuộc họp tại Bắc Kinh.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình nói "vì đại dịch tiếp tục lan rộng toàn cầu, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với rủi ro gia tăng". "Các yếu tố không ổn định và không chắc chắn đang gia tăng một cách đáng chú ý", ông nói tiếp.
Ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết của việc luôn giả định kịch bản tồi tệ nhất xảy ra, và kêu gọi "chuẩn bị về tư tưởng và hành động để đối phó với những thay đổi kéo dài của môi trường bên ngoài".
Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên thường họp mỗi tuần một lần và rất hiếm khi việc tổ chức và nội dung các cuộc họp này được truyền thông đăng tải.
Ông Tập kêu gọi chuẩn bị cho "một trận chiến kéo dài" trong khi luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Trật tự thế giới hậu dịch bệnh
Có những cuộc nói chuyện ở Mỹ liên quan đến sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, đã bày tỏ ý định xem xét chi phí di dời các công ty Mỹ từ Trung Quốc về nước.
Điều này nhất quán với chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump.
Nếu Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới, rời khỏi Trung Quốc, việc này sẽ tạo ra tác động rất lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc sẽ gặp thách thức lớn nếu các công ty của cả Mỹ và Nhật Bản chuyển nhà máy về nước. Ảnh: Kyodo. |
Trung Quốc đã đi qua đỉnh dịch, nhưng giới chức và chuyên gia cảnh báo đợt bùng phát thứ hai có thể xảy ra vào tháng 11 hoặc muộn hơn.
Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1920, làn sóng lây nhiễm thứ hai nghiêm trọng hơn lần đầu tiên. Không có đại dịch nào nguy hiểm hơn kể từ đó. Ước tính 500 triệu người, tức một phần ba dân số trên hành tinh khi đó, đã nhiễm bệnh và 50 triệu người tử vong.
Ông Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc từng góp phần quan trọng vào việc khống chế dịch SARS tại nước này, nói rằng virus corona chủng mới đã đột biến và tỷ lệ tử vong vì bệnh do virus gây ra đã đạt đến mức cao hơn 20 lần so với bệnh cúm.
Virus mới xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái và sau đó lan rộng ra toàn cầu.
Ông Trump đã gọi virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc", dù sau đó ông không tiếp tục sử dụng cách gọi này.
Dư luận toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tái lập trật tự thế giới hậu dịch bệnh. Giờ đây khi mọi thứ vẫn chưa được định hình, những người hành động đầu tiên là Mỹ và Trung Quốc.
Phần lớn mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào cách Mỹ và Trung Quốc xây dựng lại nền kinh tế đã bị dịch bệnh tàn phá. Nếu các công ty nước ngoài lớn rút khỏi Trung Quốc, việc này sẽ trở thành lực cản lớn cho sự hồi sinh kinh tế tại đất nước tỷ dân.
Tại sao ông Abe tại chọn thời điểm này?
Giới quan sát vẫn đang tranh cãi về quyết định của chính phủ Abe. Những câu hỏi được đặt ra bao gồm: Tại sao lại tiến hành vào lúc này khi thế giới đang dồn sức chống dịch và nhiều nền kinh tế lớn đang chật vật chống đỡ? Liệu việc tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc có hiệu quả hay không? Và tại sao lại tạo thêm rủi ro cho sự nồng ấm trở lại trong quan hệ Trung - Nhật từ năm 2019?
Viết cho tạp chí The Diplomat, tiến sĩ John Lee, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hudson ở Washington DC, nói rằng "tạm thời chúng ta sẽ không thể biết chính sách của Nhật là khôn ngoan hay phản tác dụng".
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra vài lý do để cho rằng chính sách của Thủ tướng Abe cũng như thời điểm áp dụng chính sách này có thể sẽ "thuận lợi và may mắn" hơn Mỹ, vốn đã bắt đầu chuyển sản xuất từ Trung Quốc về nước từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Trước hết là về mặt địa lý, Nhật Bản phù hợp để làm vậy hơn là Mỹ. Đông Á đã nổi lên như là khu vực dẫn đầu về sản xuất hàng hóa trên thế giới, nổi bật nhất là các sản phẩm máy tính, điện tử, điện gia dụng. Một công ty Nhật dời nhà máy khỏi Trung Quốc để về lại Nhật (hoặc đến Đông Nam Á) sẽ thuận lợi hơn một công ty Mỹ muốn đem dây chuyền về Mỹ.
"Trong việc đem chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, các công ty Nhật vẫn có thể dựa vào các cụm sản xuất thuận lợi tại khu vực theo cách mà các công ty Mỹ không thể", tiến sĩ Lee nói.
Thứ hai, về mặt thời điểm, dịch bệnh đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng tại khu vực cũng như trên toàn cầu. Cùng với sự sụt giảm về nhu cầu, khiến việc sản xuất ở năng lực cao nhất không còn là điều cần thiết, hiện tại là cơ hội để tái đánh giá và tái tổ chức hoạt động chuỗi cung ứng, theo vị chuyên gia.
Thứ ba, môi trường chính trị cũng đang thuận lợi cho chính phủ Abe suy tính việc di dời chuỗi cung ứng như vậy. Thế giới hậu Covid-19 sẽ đầy rẫy những cơn giận dữ và những lời buộc tội, đặc biệt là từ Mỹ chống lại Trung Quốc.
"Nhật Bản sẽ luôn có một chân kinh tế ở Trung Quốc. Nhưng các công ty Nhật phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc có thể thấy mình là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt và hạn chế kinh tế từ Mỹ", tiến sĩ Lee viết. "Tốt hơn là phòng ngừa bằng cách đa dạng hóa (địa điểm sản xuất) trước khi điều đó xảy ra".
Hơn nữa, theo vị chuyên gia, Trung Quốc đã quá bận bịu với việc xử lý căng thẳng với Mỹ và những căng thẳng này sẽ ngày càng sâu sắc khi thế giới vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Bắc Kinh sẽ khó có "băng thông" để tập trung vào các nỗ lực của Nhật Bản.
Ông Abe đã tiến hành một số canh bạc chiến lược và kinh tế táo bạo kể từ khi ông đảm nhiệm chức vụ thủ tướng lần thứ hai vào năm 2012. Việc ông vẫn tồn tại và nổi lên như là chính khách hàng đầu khu vực cho thấy ông đã giành phần thắng trong hầu hết những canh bạc này, theo tiến sĩ Lee.
"Động thái mới nhất có cơ hội thành công nếu dồn hết sức lực", vị chuyên gia kết luận.
Trong khi đó, sau động thái của Tokyo, Global Times, phụ san của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 13/4 đăng bài viết của chuyên gia nói rằng việc di dời nhà máy khỏi Trung Quốc "sẽ là sai lầm lớn" của các công ty Nhật và Mỹ.
"Nếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản quyết tâm di chuyển hoạt động sản xuất của công ty ra khỏi Trung Quốc, đó sẽ là một sai lầm chiến lược làm giảm đáng kể ảnh hưởng quốc tế của họ và gây ra thiệt hại kinh tế chưa từng có", Lưu Chí Cần, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, viết.
"Mỹ và Nhật Bản dường như đã quên mất một thực tế cơ bản là sự hiện diện của các tập đoàn của họ trên toàn cầu là nền tảng quan trọng nhất cho ảnh hưởng quốc tế và lợi thế công nghệ của họ".
"Nếu Mỹ và Nhật Bản chuyển công ty của họ ra khỏi Trung Quốc, họ sẽ có khả năng mất thị trường Trung Quốc và không có quốc gia nào khác có thể nhập khẩu nhiều sản phẩm như Trung Quốc. Việc này sẽ dẫn đến sự suy giảm vai trò quốc tế của họ", theo tác giả.
Bài viết cũng cho rằng việc Mỹ và Nhật Bản để các công ty đưa dây chuyền sản xuất về nước "cũng không thực tế hoặc khả thi", và họ đã "bỏ qua một yếu tố quan trọng hơn - chất lượng và hiệu quả mà Trung Quốc mang lại".
"Nhiều thập kỷ cải cách và mở cửa đã đem lại sự phát triển sâu sắc về hiệu quả và chất lượng của lao động Trung Quốc. Các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cũng đã đạt đến đẳng cấp thế giới về thiết kế. Mạng lưới giao thông rộng lớn của Trung Quốc cũng là điều mà các quốc gia khác không thể bắt kịp", chuyên gia Trung Quốc nói.