Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Omicron và nỗi lo về di chứng Covid-19 kéo dài

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron dễ lây lan đã thúc giục nhiều nhà khoa học nhanh chóng nghiên cứu và tìm hiểu về nguyên nhân, cũng như cách điều trị di chứng hậu Covid-19.

di chung covid-19 keo dai anh 1

Hơn một năm sau khi mắc Covid-19, Rebekah Hogan vẫn trải qua chứng "sương mù não" nghiêm trọng.

Bà cũng phải vật lộn với triệu chứng đau dây thần kinh dữ dội và "chân như sợi bún" - tay chân đột nhiên trở nên mềm nhũn và không chịu được vật nặng. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến con trai 13 tuổi của bà.

Sự đau đớn và mệt mỏi khiến bà không thể tiếp tục công việc điều dưỡng hoặc làm việc nhà.

Di chứng Covid-19 kéo dài khiến bà đặt câu hỏi về giá trị của một người mẹ và người vợ. "Di chứng này có kéo dài vĩnh viễn không?", người phụ nữ 41 tuổi đặt câu hỏi. "Tôi muốn cuộc sống của mình quay trở lại".

Theo ước tính, hơn 1/3 số người sau khi mắc Covid-19 sẽ gặp các di chứng kéo dài. Giờ đây, khi Omicron đang càn quét trên toàn cầu, giới nghiên cứu đang phải chạy đua để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị khi có khả năng số lượng người gặp di chứng hậu Covid-19 sẽ tăng vọt, theo AP.

Các giả thuyết cho di chứng hậu Covid-19

Giới khoa học chỉ ra một số giả thuyết cho việc người nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gặp di chứng kéo dài.

Đầu tiên, họ cho rằng sự lây nhiễm hoặc tàn dư của virus vẫn còn trong cơ thể, gây ra tình trạng viêm dẫn đến di chứng hậu Covid-19.

Nguyên nhân thứ 2 có thể là do các virus tiềm ẩn trong cơ thể, chẳng hạn virus Epstein-Barr gây tăng bạch cầu đơn nhân (mononucleosis), được kích hoạt trở lại.

Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Cell chỉ ra Epstein-Barr trong máu là một trong bốn yếu tố dẫn đến nguy cơ xuất hiện di chứng hậu Covid-19. Nhiễm trùng máu do virus Epstein-Barr có thể gây mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu trước khi đi đến kết luận cuối cùng.

Giả thuyết thứ 3 là sau khi mắc Covid-19, cơ thể xuất hiện hiện tượng tự miễn (autoimmune). Với phản ứng miễn dịch thông thường, khi nhiễm virus, cơ thể sẽ kích hoạt kháng thể để chống lại các protein virus có hại xâm nhập. Tuy nhiên, sau khi đã khỏi bệnh, các kháng thể vẫn nhầm lẫn và tấn công vào các tế bào khỏe mạnh.

Justyna Fert-Bober và tiến sĩ Susan Cheng - một trong những nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles - phát hiển ra rằng cơ thể của một số người mắc Covid-19, bao gồm cả trường hợp không có triệu chứng, xuất hiện thêm nhiều loại kháng thể tự miễn. Hiện tượng này có thể kéo dài lên tới 6 tháng sau khi đã khỏi bệnh. Một số loại kháng thể ở người từng nhiễm SARS-CoV-2 giống ở người mắc bệnh tự miễn.

di chung covid-19 keo dai anh 2

Nancy Rose - nhiễm virus corona vào năm 2021 và vẫn còn di chứng Covid-19, bao gồm "sương mù não" và vấn đề về trí nhớ - dừng lại suy nghĩ trong lúc dọn bàn. Ảnh: AP.

Các cục máu đông siêu nhỏ cũng đóng vai trò nhất định trong di chứng hậu Covid-19. Nhiều bệnh nhân có lượng phân tử gây viêm ở mức độ cao, thúc đẩy quá trình đông máu bất thường. Điều đó có thể dẫn đến các cục máu đông khắp cơ thể gây đột quỵ, đau tim và tắc nghẽn nguy hiểm ở chân và tay.

Trong phòng thí nghiệm tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, nhà khoa học Resia Pretorius đã tìm thấy các cục máu đông siêu nhỏ ở bệnh nhân mắc Covid-19 và ở người có di chứng hậu Covid-19. Bà cũng phát hiện lượng protein cao trong huyết tương ngăn cản sự phân hủy thông thường của các cục máu đông này.

Bà tin rằng những bất thường về đông máu vẫn tồn tại ở nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm virus corona. Chúng làm giảm khả năng phân phối oxy đến các tế bào và mô khắp cơ thể, dẫn đến hầu hết, nếu không phải tất cả, các triệu chứng có liên quan đến di chứng Covid-19 kéo dài.

Đối tượng nào dễ gặp di chứng Covid-19?

Các di chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, các vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ, mất vị giác và khứu giác, khó thở, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm.

Một số triệu chứng có thể kéo dài hoặc tái phát sau đó một tháng hoặc lâu hơn. Thậm chí, di chứng mới - triệu chứng chưa từng xuất hiện trong lúc bệnh nhân mắc bệnh - có thể phát triển và kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hơn một năm.

Di chứng ảnh hưởng đến người lớn ở mọi lứa tuổi lẫn trẻ em. Nghiên cứu cho thấy điều này xảy ra phổ biến hơn ở đối tượng nhập viện, nhưng cả những người không nhập viện cũng dễ gặp.

Tiếp viên hàng không đã nghỉ hưu Jacki Graham mắc Covid-19 từ đầu đại dịch nhưng không phải nhập viện. Nhiều tháng sau, bà cảm thấy khó thở và tim đập nhanh, không thể nếm hay ngửi. Huyết áp bà cũng tăng vọt.

Vào mùa thu năm 2020, bà mệt mỏi tới mức tập yoga buổi sáng cũng khiến bà phải nằm trên giường cả ngày.

"Tôi là người hay dậy sớm nên cứ gắng sức dậy, nhưng thế là tôi tiêu cả một ngày", bà nói. "6 tháng trước, Covid-19 đã hủy hoại cả cuộc đời tôi".

Phương pháp điều trị nào tiềm năng?

Chưa có phương pháp điều trị nào dành cho di chứng hậu Covid-19, mặc dù một số bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau hoặc loại thuốc đặc trị cho các bệnh lý khác. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nỗ lực khác.

Nhà sinh vật học miễn dịch Akiko Iwasaki đang nghiên cứu khả năng tiêm chủng có thể làm giảm các di chứng sau khi mắc Covid-19. Iwasaki cho biết bà thực hiện nghiên cứu này vì các nhóm bệnh nhân báo cáo họ nhận thấy các di chứng Covid-19 kéo dài được cải thiện sau khi tiêm phòng.

Nancy Rose - 67 tuổi, ở Port Jefferson, New York - cho biết nhiều triệu chứng của bà đã thuyên giảm sau khi tiêm vaccine, mặc dù bà vẫn còn mệt mỏi và mất trí nhớ.

Hai nghiên cứu được công bố gần đây, một từ Mỹ và một từ Israel, đưa ra bằng chứng sơ bộ rằng việc tiêm vaccine trước khi mắc Covid-19 có thể giúp ngăn ngừa triệu chứng kéo dài, hoặc ít nhất là giảm mức độ nghiêm trọng. Cả hai đều được thực hiện trước khi Omicron xuất hiện.

Trong nghiên cứu của Israel, khoảng 2/3 số người tham gia được tiêm một hoặc hai mũi Pfizer. Những người đã tiêm hai mũi giảm một nửa khả năng mệt mỏi, đau đầu, yếu cơ hoặc các di chứng phổ biến so với nhóm chưa tiêm.

di chung covid-19 keo dai anh 3

Một vài nghiên cứu chỉ ra tiêm vaccine giảm các di chứng sau khi mắc Covid-19. Ảnh: SCMP.

Tương lai bất định

Nhiều nhà khoa học lo lắng di chứng Covid-19 kéo dài ở một số bệnh nhân dễ biến thành một dạng của hội chứng mệt mỏi mạn tính - không thể hiểu rõ về bệnh và không có cách chữa trị.

Tuy nhiên, có điều chắc chắn mà một số chuyên gia đều rõ: Di chứng hậu Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các cá nhân, hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế trên toàn thế giới, tiêu tốn hàng tỷ USD.

Ngay cả khi có bảo hiểm, bệnh nhân vẫn mất hàng nghìn USD do họ quá mệt để làm việc. Graham phải tự trả khoảng 6.000 USD cho xét nghiệm, thăm khám bác sĩ và chăm sóc thần kinh cột sống.

Pretorius, nhà khoa học ở Nam Phi, lo lắng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn.

“Rất nhiều người đang mất kế sinh nhai, mất nhà cửa. Họ không thể sinh hoạt bình thường được nữa”, bà nói. “Di chứng Covid-19 kéo dài có thể tác động nghiêm trọng hơn nhiều đến nền kinh tế so với Covid-19 cấp tính".

Chủng phụ mới BA.2 của Omicron có thể lây nhiễm gấp 1,5 lần

Các nhà khoa học đang theo dõi sự gia tăng bất thường của những trường hợp nhiễm BA.2 - chủng phụ mới, được cho là dễ lây lan hơn của biến chủng Omicron.

Omicron trên đà biến mất

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm do biến chủng Omicron có dấu hiệu hạ nhiệt, Covid-19 được dự đoán sẽ tiếp tục là mối đe dọa y tế dai dẳng nhưng về lâu dài có thể kiểm soát.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm