Sau vài tuần lễ lây lan "điên cuồng" khắp thế giới, biến chủng Omicron dường như đang trên đà biến mất ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Omicron khiến dịch bệnh đạt đỉnh ở Nam Phi và Anh, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt.
Hôm 24/1, giới chức WHO tại châu Âu nhận xét biến chủng Omicron "mang tới hy vọng khả quan về tương lai ổn định và bình thường mới". Tuy vậy, các chuyên gia y tế cảnh báo chưa thể tính đến khả năng chấm dứt đại dịch, theo New York Times.
Omicron hạ nhiệt
Tại Mỹ, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày cũng đã bắt đầu giảm dần, đáng chú ý nhất tại Boston và San Francisco. Diễn biến dịch bệnh tương tự được ghi nhận ở châu Âu, Nam Phi và nhiều nước châu Á.
"Tình hình có vẻ tốt. Chúng tôi không muốn quá lạc quan, tuy nhiên chúng ta dường như đang đi dúng hướng", Anthony Fauci, cố vấn y tế cấp cao của Tổng thống Joe Biden, nói.
Tâm lý lạc quan trước chiều hướng đại dịch trong tương lai xuất phát từ quan điểm cho rằng tiêm chủng và biến chủng Omicron giúp tạo ra hệ miễn dịch cho đa phần người dân, khiến virus SARS-CoV-2 không còn tìm được vật chủ để lây nhiễm và cuối cùng sẽ biến mất.
Tuy nhiên, nhiều nhà dịch tễ học có cái nhìn bi quan hơn. Không thể phủ nhận Omicron giúp nhân loại tiến gần hơn tới cái kết của đại dịch Covid-19, bằng chứng là đợt bùng phát trên toàn cầu hiện nay đã dần hạ nhiệt.
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Mississippi, Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Tuy vậy, ít có khả năng virus corona sẽ biến mất hoàn toàn, và miễn dịch cộng đồng sẽ chỉ là ảo tưởng. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, khả năng miễn dịch của con người trước virus SARS-CoV-2 không hoàn hảo và không kéo dài mãi mãi.
Virus SARS-CoV-2 nhiều khả năng sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu, vĩnh viễn gắn liền với cuộc sống của nhân lại, một dạng bệnh nhẹ như cúm mà con người sẽ phải học cách chung sống.
Giả định là vậy, nhưng thực tế diễn biến dịch bệnh tương lai sẽ phụ thuộc vào một nhân tố khó lường hơn, đó là các biến chủng mới.
Omicron chỉ mới xuất hiện từ cuối tháng 11/2021. Phần lớn nhà nghiên cứu tin rằng các biến chủng khác sẽ xuất hiện bởi vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân khắp thế giới chưa được tiêm vaccine. Khi đó, không loại trừ khả năng một biến chủng lây lan mạnh hơn, độc lực cao hơn Omicron sẽ ra đời.
"Đại dịch vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, không ai có thể tiên đoán chuyện gì sẽ xảy ra", Anne Rimoin, chuyên gia dịch tễ học Đại học California, nói.
Ngày 26/1, Mỹ ghi nhận hơn 650.000 ca dương tính virus SARS-CoV-2, giảm nhẹ so với trung bình 800.000 ca mỗi ngày hai tuần trước. Số ca tử vong tiếp tục tăng với 2.300 trường hợp, nhưng dường như ca nhập viện đã đạt đỉnh, trung bình 155.000 mỗi ngày.
Trong tình huống lạc quan nhất, dịch bệnh sẽ bắt đầu thoái lui vào mùa xuân, cho phép người Mỹ trở về với cuộc sống bình thường, ít nhất tại vùng Đông Bắc, và sau đó là các bang còn lại.
Căn bệnh đặc hữu Covid-19
Cũng như với phần còn lại của thế giới, Covid-19 sẽ chỉ còn nguy hiểm với nhóm cư dân có rủi ro cao, gồm người cao tuổi, bệnh nền, hoặc chưa tiêm vaccine. Nhóm này sẽ cần mau chóng tiêm chủng và tiêm các mũi tăng cường.
"Nếu có thể giữ người dân không phải nhập viện, không bị bệnh nặng, tôi tin chúng ta có thể trở về cuộc sống bình thường, đi kèm đó là xét nghiệm và tiêm vaccine", Michel Nussenzweig, chuyên gia miễn dịch Đại học Rockefeller, nói.
Về lâu dài, đa phần người dân sẽ trải qua những lần nhiễm bệnh nhẹ sau mỗi vài năm tương tự các loại virus gây cảm cúm thông thường.
Nhiều người, ngay cả các nhà khoa học, hy vọng đợt bùng phát do Omicron sẽ là lần báo động cuối cùng vì Covid-19. Nhưng để hy vọng này thành sự thực, nhân loại phải hành động khôn ngoan đi kèm may mắn.
Tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: New York Times. |
Ngay cả khi trở thành bệnh đặc hữu, virus SARS-CoV-2 vẫn có thể rất nguy hiểm. Ví dụ tại Ấn Độ, căn bệnh đặc hữu là lao cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Trong khi đó, các nước châu Phi luôn điêu đứng vì bệnh sởi và đối mặt những đợt bùng phát lớn theo chu kỳ.
Trong thời gian đầu đại dịch bùng phát, giới chức y tế ước tính cần tiêm chủng cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, qua đó khiến Covid-19 trở thành căn bệnh không quá nguy hiểm.
Nhưng với mỗi biến chủng lây lan mạnh hơn, tỷ lệ phần trăm dân số cần được tiêm chủng lại tăng lên. Với biến chủng Alpha, các nhà khoa học nâng tỷ lệ này lên 90%. Đến đầu năm 2021, giới chức các nước thừa nhận không thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Virus SARS-CoV-2 tiếp tục đe dọa con người đến mức độ nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng miễn dịch của người dân ở mỗi quốc gia qua từng thời kỳ.
Tại Mỹ lúc này, hàng triệu người vẫn chưa tiêm vaccine, thậm chí không có ý định tiêm. Tình trạng tương tự xảy ra ở Anh, Pháp, Đức và nhiều quốc gia khác khắp năm châu. Nhiều dữ liệu khoa học cho thấy cần tiêm mũi vaccine thứ 3 để bảo vệ hiệu quả trước Omicron.
Hơn nữa, các nhà khoa học chưa hiểu rõ về thời gian cũng như hiệu quả của khả năng miễn dịch sau khi nhiễm Omicron. Tới nay, các nghiên cứu cho thấy hệ miễn dịch suy giảm trong thời gian ngắn sau khi tiêm chủng.
Nếu hệ miễn dịch sau mỗi lần tiêm vaccine hoặc lây nhiễm tự nhiên ở mức yếu và chỉ duy trì trong thời gian ngắn, con người sẽ tiếp tục phải đối mặt những đợt bùng phát nghiêm trọng nhiều năm tới. Để giảm thiểu rủi ro, người dân sẽ phải xếp hàng tiêm vaccine định kỳ.
Nguy cơ từ biến chủng mới
Việc chưa bao phủ vaccine rộng khắp, đi kèm những điều chưa biết về hệ miễn dịch sau khi nhiễm Omicron, khiến cho nhân loại tiếp tục đối mặt nguy cơ các biến chủng mới xuất hiện. Một ngày nào đó, có thể sẽ ra đời một biến chủng có khả năng xuyên thủng hệ miễn dịch mạnh hơn cả Omicron.
"Tôi coi Omicron là ví dụ cho thấy Covid-19 khi trở thành một căn bệnh đặc hữu sẽ như thế nào. Nhưng Omicron không đồng nghĩa đại dịch đã chấm dứt, bởi sẽ có những biến chủng khác", Kristian Andersen, chuyên gia về virus tại Viện nghiên cứu Scripps, nhận định.
Cả vaccine và lây nhiễm tự nhiên không tạo ra hệ miễn dịch tuyệt đối, tức loại bỏ nguy cơ lây nhiễm trong tương lai, thay vào đó hiệu quả bảo vệ suy giảm dần theo thời gian.
Hệ miễn dịch tạo ra sau khi nhiễm biến chủng Delta hay Omicron có thể không hiệu quả nếu xuất hiện biến chủng mới, bởi virus đột biến rất nhanh, theo những cách bất thường.
Khi số người được tiêm chủng tăng lên, virus sẽ đột biến theo hướng tăng khả năng qua mặt kháng thể và các cấu phần khác của hệ miễn dịch.
Xét nghiệm Covid-19 ở New York. Ảnh: New York Times. |
Trái với lầm tưởng phổ biến, không gì bảo đảm virus corona sẽ yếu đi sau mỗi lần biến đổi. Giả định rằng một virus ít nguy hiểm hơn nếu nó giết chết vật chủ trước khi lây cho người khác cũng không chính xác với SARS-CoV-2, bởi virus này có thể lây sang cho vật chủ mới từ lâu trước khi giết chết vật chủ hiện tại.
Ngay cả nếu biến chủng tiếp theo có độc lực tương tự hoặc yếu hơn Omicron, khả năng lây lan mạnh cũng sẽ khiến hệ thống chăm sóc y tế của các nước chao đảo.
"Với virus lây lan mạnh như Omicron, tình hình sẽ rối tung ngay cả khi chỉ gây bệnh nặng vừa phải", Bill Hanage, chuyên gia y tế Đại học Harvard, nói.
Tương lai dịch bệnh sẽ phụ thuộc vào thái độ của các quốc gia cũng như mỗi cá nhân chấp nhận rủi ro đến đâu. Cúm là căn bệnh để so sánh hoàn hảo với virus corona.
Tương tự SARS-CoV-2, cúm chủ yếu đe dọa một số nhóm cư dân nhất định như người già, trẻ em dưới 5 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch. Những người nằm ngoài nhóm rủi ro cao thường ít cảnh giác hơn.
Các doanh nghiệp, trường học không yêu cầu xét nghiệm âm tính với cúm, người dân nhiều quốc gia không coi khẩu trang là dụng cụ bảo hộ cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm. Mỗi năm, chỉ khoảng 50% người Mỹ trưởng thành tiêm vaccine ngừa cúm.
Với SARS-CoV-2, giới chức y tế nhiều nước hiện vẫn gặp khó khăn để xác định hình dung của tình trạng bình thường mới. Hiển nhiên sẽ phải có đánh đổi, nhưng vẫn chưa rõ cái giá sẽ là gì.
"Chúng ta chưa biết sẽ đặt mục tiêu kiểm soát ở mức độ nào. Tôi không nghĩ có thể giảm số ca mắc xuống 0 ở bất cứ đâu", Jennifer Nuzzo, chuyên gia dịch tễ Đại học Johns Hopkins, nhận định.