Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Omicron dập tắt mùa sôi động nhất ở châu Âu

Các doanh nghiệp châu Âu kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ khi một lần nữa, sự bùng phát của biến chủng mới đang đẩy họ đến bờ vực "sống còn".

Omicron khien mua ban ron o chau Au tro nen im lang anh 1

Quán bar Gordon’s Wine ở trung tâm London, Anh, trước khi các hạn chế mới được áp dụng. Ảnh: New York Times.

“Mọi người có thể cảm thấy Giáng sinh đang đến gần và tất cả biến mất”, Amanda Whiteside, quản lý quán bar Gordon’s Wine ở London, chia sẻ với tờ New York Times khi nhớ lại hình ảnh đám đông tấp nập trước đó.

Trên khắp nước Anh và các khu vực khác của châu Âu, những hạn chế mới của chính phủ và sự lo lắng của người dân về biến chủng Omicron, đã làm giảm đáng kể hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán rượu, địa điểm tổ chức sự kiện.

Điều này khiến yêu cầu giúp đỡ các doanh nghiệp trở nên cấp bách hơn.

Sự tuyệt vọng của doanh nghiệp

Hôm 22/12, các tổ chức đại diện cho hơn 100.000 doanh nghiệp trên khắp nước Anh đã gửi một bức thư ngỏ tới Thủ tướng Boris Johnson, yêu cầu giảm thuế và trợ cấp nhiều hơn.

Yêu cầu này cũng được đưa ra ở các quốc gia khác trong khu vực.

Tại Đức, các doanh nghiệp đang thúc giục chính phủ dỡ bỏ các quy định mới về việc xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc từng được điều trị Covid-19.

Trong khi đó, ở Hà Lan, nơi chính phủ đã thông báo phong tỏa vào cuối tuần qua, các cuộc gọi đến cơ quan đăng ký kinh doanh quốc gia để yêu cầu trợ giúp đã vượt qua con số 400 vào ngày 22/12 - gấp 7 lần so với một tuần trước đó.

Omicron khien mua ban ron o chau Au tro nen im lang anh 2

Ở Hà Lan, các cuộc gọi đến cơ quan đăng ký kinh doanh quốc gia để yêu cầu trợ giúp tăng gấp 7 lần so với một tuần trước đó. Ảnh: New York Times.

Mặc dù chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra những lệnh hạn chế nghiêm ngặt như Hà Lan, các doanh nghiệp Anh cho rằng yêu cầu đeo khẩu trang, tiêm chủng và sự lo lắng trong mùa nghỉ lễ cao điểm đang đe dọa sự sống còn của họ.

Các nhà hàng, quán rượu và quán bar ở Anh cho biết kể từ khi chính phủ bổ sung một loạt hạn chế mới, được gọi là “Kế hoạch B”, vào ngày 8/12, nhiều sự kiện đã bị hủy bỏ và dòng người đi bộ đã biến mất ở một số khu vực.

Tại Gordon’s Wine Bar, nơi từng chật kín bàn và có hàng dài khách hàng chờ đợi, nay đã trở nên vắng vẻ hơn nhiều. Gordon’s hiện chỉ cung cấp dịch vụ bên ngoài nhà hàng, do đó, doanh số đã giảm 25%, theo ước tính của bà Whiteside, quản lý quán bar.

Ngành dịch vụ khách sạn vốn thua lỗ vào dịp lễ năm 2020, đang trông chờ vào một mùa lễ hội bận rộn trong năm nay. Tuy nhiên, sự bùng phát của biến chủng mới đã dập tắt hy vọng của họ.

Simon Emeny, giám đốc điều hành của Fuller, Smith & Turner, công ty sở hữu khoảng 400 quán rượu, cho biết: “Chúng ta đã quay trở lại thời điểm tháng 3/2020, khi chính phủ không ngừng nhắc nhở công chúng đừng gặp gỡ”. Công ty này đã tạm thời đóng cửa 20 quán rượu.

Phản ứng từ chính phủ

Tại Anh, hôm 21/12, chính phủ đã thông báo viện trợ một tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) cho ngành khách sạn, bao gồm khoản trợ cấp một lần 6.000 bảng Anh và tiền hỗ trợ cho thời gian nghỉ ốm của nhân viên.

Trên khắp châu Âu, chính phủ các nước đưa ra cam kết tăng cường hỗ trợ khi một làn sóng lo ngại mới về nền kinh tế đang tràn qua khu vực.

Tại Pháp, hôm 21/12, các bộ trưởng đã công bố khoản viện trợ bổ sung lên tới 12 triệu euro (13,5 triệu USD) cho các công ty du lịch, sự kiện, nhà hàng ăn uống và các công ty cung cấp dịch vụ giải trí trong nhà phải chịu thua lỗ trong tháng này.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ sẽ có một cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo khu vực vào ngày 22/12, nhằm thảo luận việc có nên thông qua các hạn chế mới hay không.

Omicron khien mua ban ron o chau Au tro nen im lang anh 3

Hình ảnh tại sân bay ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters.

Ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực đồng euro thuộc Pantheon Macroeconomics, cho biết: “Chúng ta đang ở trong một giai đoạn khác khi việc phong tỏa có khả năng sẽ tốn kém hơn".

"Cho đến nay, chúng ta đã quen với việc phong tỏa và nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ ngay sau đó. Tôi nghĩ lần này cũng như vậy, nhưng việc hỗ trợ sẽ kèm theo nhiều điều kiện và kém toàn diện hơn trước”, ông nhận định.

Khó tiếp cận hỗ trợ

Tại Anh, khoảng 200.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn và giải trí đủ điều kiện nhận các khoản hỗ trợ mới. Chính phủ cũng sẽ thanh toán chi phí nghỉ ốm theo yêu cầu hợp pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời, cấp một quỹ văn hóa cho các tổ chức bao gồm nhà hát, dàn nhạc và bảo tàng, với số tiền 30 triệu bảng Anh.

Tuy nhiên, đã có khiếu nại từ những doanh nghiệp không nằm trong danh sách trên.

ABTA, một hiệp hội các công ty du lịch, cho biết: “Các đại lý du lịch, công ty lữ hành và công ty quản lý du lịch sẽ đặt ra câu hỏi tại sao họ không được đối xử tương tự các doanh nghiệp khác tại thời điểm này”.

Ở Hà Lan, ông Ron Sinnige, phát ngôn viên của cơ quan đăng ký kinh doanh quốc gia, cho biết tuần này họ đã nhận được rất nhiều cuộc gọi về vấn đề hỗ trợ tài chính, tư vấn hoặc thanh lý hoạt động.

Một số người đang tìm kiếm hướng dẫn về điều kiện để được coi là doanh nghiệp thiết yếu. Họ đặt ra những câu hỏi như: một cửa hàng quần áo có thể bán kẹo và nước ngọt, một thẩm mỹ viện có thể liệt kê tiêm Botox như một thủ thuật y tế hay không, ông chia sẻ.

Ông Sinnige cho rằng các câu hỏi đó là dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của con người. Ông nói: “Trái ngược với những lần phong tỏa trước đây, mọi người thực sự đang chạm tới giới hạn cuối cùng của khả linh hoạt tài chính và cảm xúc”.

Một số chủ doanh nghiệp ở Hà Lan lo ngại rằng họ sẽ không thể mở cửa trở lại.

“Đó là điều mà tôi tự hỏi bản thân mỗi ngày”, ông Omar Waseq, người sở hữu một quán cà phê phim và quầy pho mát ở trung tâm Utrecht, cho biết. “Tôi không dám chắc 100%”.

Ông Waseq cho biết vì công việc kinh doanh bắt đầu sau khi đại dịch bùng phát và không có doanh số bán hàng năm 2019 để so sánh, nên ông không đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ chính phủ.

Omicron khien mua ban ron o chau Au tro nen im lang anh 4

Các cửa hàng ở Berlin yêu cầu mọi người xếp hàng và kiểm tra chứng nhận tiêm chủng. Ảnh: New York Times.

Hôm 20/12, Ireland áp đặt lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đối với các nhà hàng và quán bar, đồng thời hạn chế số người tham dự các sự kiện.

Ở Đan Mạch, các nhà hàng và quán bar phải ngừng phục vụ đồ uống có cồn sau 22h. Đồng thời, một loạt các địa điểm và không gian tổ chức sự kiện bao gồm nhà hát, bảo tàng, sở thú, phòng hòa nhạc và công viên giải trí đã bị đóng cửa.

Thụy Sĩ cấm người chưa được tiêm chủng đến nhà hàng, phòng tập thể dục và bảo tàng dự kiến đến hết ngày 24/1/2022.

Ông Stefan Genth, người đứng đầu Hiệp hội Thương mại Đức cho biết: “Sau nhiều tháng ngừng hoạt động, các hạn chế lại một lần nữa đưa nhiều nhà bán lẻ đến bờ vực của sự sống còn".

Hai phản ứng đối nghịch trước Omicron ở châu Âu

Trong khi một số quốc gia nhanh chóng áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để đối phó với đà lây lan của Omicron, những nước khác đang chờ đợi thêm trước khi đưa ra hành động cứng rắn hơn.

WHO cảnh báo 'cơn bão mới' ở châu Âu do Omicron

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu kêu gọi các quốc gia tăng cường chuẩn bị trước nguy cơ số ca mắc Covid-19 tại khu vực sẽ gia tăng đáng kể do biến chủng Omicron.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm