Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, cũng như trong làng Olympic, nơi được cho là an toàn nhất với các quy tắc "bong bóng". Số ca mắc trong làng Olympic đã lên đến 75, bao gồm vận động viên, quan chức, nhân viên. Điều này đặt ra nhiều thách thức về việc tổ chức Olympic.
Các đoàn thể thao bắt đầu đổ về Tokyo khiến nguy cơ bùng dịch tăng cao. Ảnh: Reuters. |
Không loại trừ việc hủy Olympic Tokyo
Hôm 20/7, khi được hỏi trong một cuộc họp báo về khả năng hủy Olympic trước lễ khai mạc, Giám đốc Điều hành Toshiro Muto cho biết sẽ theo dõi số lượng lây nhiễm và liên lạc với các bên trong trường hợp cần thiết.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận nếu có sự gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19 trong làng Olympic. Chúng tôi đã đồng ý dựa trên tình hình dịch bệnh, sẽ triệu tập cuộc đàm phán 5 bên một lần nữa. Lúc này, các trường hợp nhiễm Covid-19 có thể tăng hoặc giảm, vì vậy chúng tôi sẽ suy nghĩ về những gì nên làm khi tình huống phát sinh", ông Muto nói.
Một phát ngôn viên của Olympic Tokyo 2020 sau đó cho biết các nhà tổ chức đã "tập trung 100% vào việc nỗ lực tổ chức Thế vận hội".
Tuần trước, một số vận động viên xét nghiệm dương tính nCoV khi tới Nhật Bản tập luyện trước Thế vận hội. Thủ đô Tokyo được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ đầu tháng 7, và kéo dài tới ngày 22/8.
Các trường hợp gia tăng Covid-19 ở Tokyo đã phủ bóng đen lên sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, sau khi bị hoãn lại một năm vì đại dịch. Đầu tháng 7, các quan chức quyết định hầu hết địa điểm thi đấu vắng khán giả nhằm giảm thiểu rủi ro về lây lan dịch bệnh.
Ông Muto phát biểu trong phiên họp IOC ngày 20/7. Ảnh: Reuters. |
Theo Sanspo, tính đến trưa 21/7 đã có 75 trường hợp nhiễm Covid-19 trong làng Olympic, gồm cả vận động viên, quan chức và nhân viên. Con số này tăng lên đáng kể, sau khi nhiều đoàn thể thao đổ về Tokyo để chuẩn bị tranh tài, khi lễ khai mạc diễn ra ngày 23/7.
Thành phố đăng cai Olympic đang trải qua một đợt bùng phát mới, khi có 1.387 ca nhiễm được ghi nhận hôm 20/7. Chiều 21/7, các chuyên gia y tế cảnh báo về tình trạng nghiêm trọng của dịch bệnh có thể tái diễn ở Tokyo, vì họ ước tính số ca nhiễm có thể cao hơn nữa vào đầu tháng 8, trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
"Trong chưa đầy 2 tuần tới, tình hình ở Tokyo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng dịch bệnh thứ 3, có thể tăng lên khoảng 2.400 ca/ngày", Kyodo News trích nhận định của chuyên gia.
Với Olympic Tokyo, dư luận vẫn lo ngại việc tổ chức sự kiện có thể trở thành nơi bùng phát ổ dịch lớn, với sự lây lan của các biến chủng Delta, có tốc độ lây lan nhanh hơn.
Tiết lộ gây sốc của người đứng đầu
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach thừa nhận đánh giá thấp sự phức tạp của việc tổ chức Thế vận hội Tokyo, sau khi bị hoãn lại một năm.
Trong buổi khai mạc kỳ họp IOC lần thứ 138, ông Bach nói: "Chúng tôi phải giữ những nghi ngờ này cho riêng mình. Chúng tôi phải tự tin, tìm cách thoát khỏi điều này. Chúng tôi phải tạo dựng niềm tin và hy vọng".
Hơn 80 thành viên đến Tokyo từ khắp nơi trên thế giới để tham dự cuộc họp, được thông báo rằng IOC không bao giờ xem xét việc bỏ rơi các vận động viên.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi các vận động viên. Chúng tôi đã đưa ra một quyết định chưa từng có (tổ chức Thế vận hội - PV) và hôm nay tôi có thể thừa nhận tôi không biết điều này sẽ phức tạp đến mức nào", ông Bach nói.
"Điều chắc chắn duy nhất là thay vì kiếm lời từ các hợp đồng bảo hiểm, chúng tôi phải đầu tư nhiều hơn nữa để biến Đại hội này thành sân chơi khả thi. Không có bản kế hoạch chi tiết nào, cũng chưa có ai làm việc này trước đây. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra quyết định này vì sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác Nhật Bản và chính chúng tôi".
Chỉ còn 2 ngày nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc Olympic. Ảnh: Reuters. |
Ông Bach cho biết quyết định hoãn Olympic Tokyo hồi năm 2020 chỉ sau cuộc điện thoại kéo dài nửa tiếng với Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Shinzo Abe. Ông tiếp tục thể hiện sự tin tưởng với Thủ tướng đương nhiệm Yosihide Suga.
Trong phiên họp khai mạc IOC lần thứ 138, Thủ tướng Suga cho biết còn nhiều hạn chế tại Tokyo 2020, nhưng lưu ý việc tiêm chủng cho người dân đã bắt đầu. Thủ tướng khẳng định sẽ không có khán giả ở nhiều địa điểm tổ chức, nhưng thay vào đó, lượng khán giả truyền hình toàn cầu có thể lên tới 5 tỷ người.
Ông Bach cho biết trong thời gian xảy ra đại dịch, IOC phân bổ quỹ viện trợ khẩn cấp 150 triệu USD cho các vận động viên và 800 triệu USD cho các Ủy ban Olympic quốc gia trên thế giới, bao gồm 650 triệu USD liên quan trực tiếp đến chi phí hoãn Thế vận hội Tokyo.
Chủ tịch Bach cho biết các VĐV gặp phải căng thẳng lớn lúc này. "Các VĐV có tâm lý không ổn định. Họ phải thích nghi với việc tập luyện của mình, không biết khi nào sẽ gặp HLV, đồng đội, không biết khi nào đạt thành tích tốt nhất, không biết trận đấu tiếp theo diễn ra lúc nào", ông nói.
Chi phí tổ chức Olympic Tokyo tăng cao hơn 20 tỷ USD, nhưng Chủ tịch Ủy ban Tài chính IOC Ng Ser Miang tiết lộ chi tiêu cho Thế vận hội sẽ được tính vào kế toán năm tới. IOC vẫn có thể "vượt qua đại dịch và tăng cường hỗ trợ cho phong trào Olympic.
IOC có tài sản 5,7 tỷ USD và nợ phải trả 3,241 tỷ USD. Hơn 90% doanh thu của IOC được phân phối lại cho các môn thể thao và vận động viên.