Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) là một trong số ít doanh nghiệp không thể tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Theo lịch họp đại hội vào ngày 29/4 vừa qua, chỉ có 12 cổ đông, người đại diện tham dự, sở hữu 52,5% cổ phần có quyền biểu quyết. Con số này không đáp ứng mức tối thiểu 65% để tiến hành đại hội theo điều lệ doanh nghiệp.
Cổ đông không tìm được tiếng nói chung
Việc một doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông bất thành vì số lượng cổ đông đến tham dự không sở hữu đủ 65% cổ phần là chỉ dấu cho thấy sự bất hòa giữa các nhóm cổ đông. Câu chuyện tại Ocean Group không phải là ngoại lệ.
Ngay trước đại hội thường niên, một nhóm cổ đông sở hữu 51% cổ phần yêu cầu đưa các nội dung không được tiến hành việc chuyển nhượng cổ phần OCH của Ocean Group, không thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan việc bán, chuyển nhượng tài sản của Ocean Group hoặc các công ty con, công ty liên kết, tăng số lượng thành viên HĐQT để nâng cao cơ hội phản biện vào nội dung chương trình đại hội.
Trước đó, IDS Equity Holdings vào tháng 11/2020 tuyên bố đã dẫn dắt một nhóm nhà đầu tư và mua lại 51% cổ phần Ocean Group, đồng nghĩa với việc đủ điều kiện chi phối tập đoàn này. Nhưng khi đó, ban lãnh đạo Ocean Group khẳng định IDS Equity Holdings chưa tiếp quản quyền điều hành doanh nghiệp và chưa xác định số lượng cổ phiếu do quỹ này sở hữu.
Giữa lúc những thông tin lùm xùm quanh các nhóm cổ đông chưa được giải quyết và đỉnh điểm là đại hội thường niên bất thành, kết quả kinh doanh của Ocean Group đi xuống ngay trong quý I. Sau 6 quý liên tiếp có lãi, tập đoàn này lại trở lại trạng thái thua lỗ.
Tài sản lớn nhất của Ocean Group là công ty con OCH, đơn vị sở hữu chuỗi resort Sunrise, thương hiệu kem Tràng Tiền, bánh Givral. Ảnh: Phương Lâm. |
Lại lỗ
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Ocean Group giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2020 còn 102 tỷ đồng. Trong văn bản giải trình về biến động kết quả kinh doanh, ban điều hành cho biết các đơn vị thành viên của tập đoàn này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, dịch vụ và thực phẩm nên bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.
Thành viên quan trọng nhất trong hệ sinh thái của Ocean Group là Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH. Công ty này hiện là chủ sở hữu thương hiệu bánh Givral nổi tiếng hơn 70 năm tuổi tại TP.HCM và hãng kem Tràng Tiền tại Hà Nội cùng chuỗi khách sạn Sunrise tại khu vực miền Trung.
Trong quý I, doanh thu của OCH giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 98 tỷ. Khi công ty con chiếm tới hơn 95% doanh thu “hắt hơi”, Ocean Group đương nhiên “sổ mũi”.
Mất hơn 30% doanh số, Ocean Group cũng không còn nguồn thu đột biến từ hoạt động tài chính để bấu víu. Quý I năm trước, OCH thoái vốn khỏi hai công ty và có khoản lợi nhuận tài chính gần 260 tỷ. Còn năm nay, doanh thu tài chính của Ocean Group chỉ là 2 tỷ đồng.
Doanh thu giảm, biên lợi nhuận mỏng hơn và không còn nguồn thu từ hoạt động tài chính, Ocean Group lỗ ròng 26 tỷ đồng trong quý đầu năm 2021. Cùng kỳ năm trước, tập đoàn này có lãi 220 tỷ.
Ocean Group thua lỗ | ||||||
Kết quả kinh doanh theo quý của Ocean Group từ năm 2020 | ||||||
Nhãn | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | |
Doanh thu thuần | tỷ đồng | 147 | 116 | 233 | 406 | 102 |
Lợi nhuận sau thuế | 220 | 19 | 29 | 35 | -26 |
Tại thời điểm ngày 31/3, Ocean Group lỗ lũy kế 2.671 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của tập đoàn này hiện đạt 1.209 tỷ còn nợ phải trả là 2.518 tỷ đồng.
Ocean Group từng là một trong những tập đoàn có tốc độ tăng trưởng "thần tốc" tại Việt Nam. Thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng nhưng đến năm 2011, tập đoàn đã tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng.
Đây là doanh nghiệp gắn với tên tuổi của ông Hà Văn Thắm. Doanh nhân này nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Group và ngân hàng Oceanbank trước khi bị bắt tháng 10/2014. Sau biến cố này, kết quả kinh doanh của Ocean Group đi xuống trầm trọng. Ngay trong năm 2014, tập đoàn này lỗ hơn 2.500 tỷ. Đây là nguyên nhân khiến Ocean Group chịu khoản lỗ lũy kế lớn nhiều năm nay.