Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ở xứ tận cùng của Romania, người và gấu đối đầu để sinh tồn

Với số lượng ngày một giảm, gấu nâu ở thị trấn Baile Tusnad, Romania, trở thành động vật ăn rác. Người dân lo lắng nhìn, các nhà bảo vệ hành động còn thợ săn vác súng lên vai.

gau va nguoi dung do anh 1
Sau khi xong việc, một cặp đôi trẻ ở thị trấn Baile Tusnad, vùng Transylvania, Romania, lái ôtô đến bãi rác nằm trên con đường trải đá cuội. Họ bật đèn pha, chăm chú quan sát, họ đang đợi gấu. Tại thị trấn đang dần xuống cấp này, nhà hàng và quán bar đóng cửa sau 23h, vì vậy người dân không có nhiều thú vui về đêm. Địa điểm sống động nhất là khu vực gần bãi rác, nơi lũ gấu tìm kiếm thức ăn. "Đây là điểm thu hút của của thị trấn", anh Hunor Stekbauer, 26 tuổi, nói. Anh ngồi trong xe, tay cầm điếu thuốc, mắt dán chặt vào thùng rác. 
gau va nguoi dung do anh 2
Cô Henrietta Gergely, 20 tuổi, bạn gái anh Stekbauer, cho biết người dân thị trấn và nhiều khu vực xung quanh thường tụ tập về đây vào ban đêm với hy vọng gặp bầy gấu nâu. Nhưng nếu một con xuất hiện, cô khẳng định "sẽ không rời khỏi xe". Nhiều người mạo hiểm cho gấu ăn, chụp hình và thậm chí rượt đuổi chúng. Một số người đã bị thương, nhưng hàng đêm bãi rác vẫn tấp nập người muốn xem gấu nâu. Thị trấn Baile Tusnad, nơi từng nổi tiếng với spa và nguồn nước khoáng chữa bệnh, giờ đây thu hút du khách nhờ bầy gấu.
gau va nguoi dung do anh 3
Thị trấn Baile Tusnad có dân số khoảng 1.600 người. Nơi đây từng phát triển thịnh vượng ở thế kỷ 19 nhưng dần đánh mất sự hào nhoáng khi xưa. Thung lũng này là nơi những cánh rừng rậm rạp gặp con sông Olt trù phú, tạo nên hệ sinh thái lý tưởng để bầy gấu sinh sôi phát triển. Từ năm 1965 đến 1989, nhà lãnh đạo Nicolae Ceausescu nắm quyền điều hành Romania. Ông nổi tiếng với niềm đam mê săn gấu với hàng loạt chiến lợi phẩm đạt giải thưởng quốc tế được trưng bày trong viện bảo tàng. Dưới thời Ceausescu, bầy gấu được chăm sóc để vị lãnh đạo thỏa mãn thú vui. Khi ông rời nhiệm sở, số gấu nâu trong khu vực đã lên đến hơn 6.000 con. 
gau va nguoi dung do anh 4
Tuy nhiên, bầy gấu ngày càng suy giảm số lượng, chủ yếu là vì nguồn thức ăn của chúng (trái cây, nấm, cừu và các loại gia súc) cạn kiệt do hoạt động khai hoang. Nạn phá rừng cũng khiến không gian sống của loài động vật ngày một thu hẹp. Chúng tràn vào các ngôi làng, phá vườn cây, giết gia súc và đe dọa người dân, buộc chính quyền Romania phải tìm cách giải quyết. Hai năm trước, quốc gia Đông Âu này đã ban hành lệnh cấm săn bắn gấu để lấy da, lông, đầu, răng và nhiều bộ phận cơ thể khác của gấu làm chiến lợi phẩm. Động thái này khiến giới buôn bán vật phẩm săn bắn thất nghiệp. 
gau va nguoi dung do anh 5
Sau khi lệnh cấm được ban hành, giới săn bắn gấu bị cáo buộc bỏ đói loài động vật mà trước đó họ chăm sóc để phục vụ công việc. Chính quyền Romania ủy quyền cho các địa phương giết những con gấu gây hại hoặc đe dọa con người. Đến tháng 7, một kế hoạch mới được đề xuất, cho phép giới săn bắn giết một lượng gấu chọn lọc để giảm bớt số lượng. Trong ảnh, lính cứu hỏa dọa một con gấu xâm nhập vào nhà dân. 
gau va nguoi dung do anh 6
Ông Jeno Kovacs, 47 tuổi, thợ săn gấu tại Baile Tusnad, cho rằng nếu không thực hiện phương pháp trên, những con gấu tiến vào khu dân cư có thể bị xe, tàu đâm chết, hoặc bị người dân giết hại. Trong ảnh là bộ sưu tập chiến lợi phẩm từ gấu của cựu lãnh đạo Ceausescu, hiện được trưng bày ở bảo tàng.
gau va nguoi dung do anh 7
Dù kế hoạch trên chưa được thông qua, nhiều tổ chức bảo vệ động vật, ví dụ như Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), đã lên tiếng phản đối giải pháp hạn chế gấu của Romania. Các nhà bảo vệ khẳng định cộng đồng săn bắn phải chịu trách nhiệm vì đã chủ ý gia tăng lượng gấu nhằm lấy chiến lợi phẩm. "Số đông đã quyết định (cục diện), và đó chính là các thợ săn", ông Cristian-Remus Papp, chuyên gia của WWF tại Romania, cho biết. Ngôi nhà trong ảnh là chòi săn gấu từng thuộc về cựu lãnh đạo Nicolae Ceausescu. 
gau va nguoi dung do anh 8
Theo các nhà bảo vệ động vật, truyền thông Romania thường khắc họa gấu như một nhân vật phản diện. Hồi tháng 5, một con gấu tấn công một cậu bé 8 tuổi ở vùng Calugareni và hình ảnh vết thương của nạn nhân tràn ngập các mặt báo. Sau khi chính quyền cho phép thợ săn giết con gấu, cánh nhà báo lại đăng hình xác con gấu đặt cạnh 2 thợ săn. Người đàn ông trong ảnh là Jozsef Keresztes, 47 tuổi, với gương mặt biến dạng vì bị gấu tấn công năm 16 tuổi.
gau va nguoi dung do anh 9
"Tôi chưa bao giờ gặp gấu trước khi bị thương, từ đó đến nay cũng không. Chúng tôi đã quen với chúng, nhưng chúng tôi rất sợ", ông Keresztes nói. Chuyên gia Papp cho biết số vụ gấu tấn công người có gia tăng trong thời gian gần đây, nhưng hầu hết trường hợp là do người khiêu khích gấu. Ông nói những con vật tiếp cận con người thường chưa trưởng thành, "còn hơi non và chưa biết sợ". Cách đây vài tháng, một phụ nữ bị thương trong lúc tìm cách chụp hình selfie với gấu tại Hồ Sfanta Ana, gần thị trấn Baile Tusnad.
gau va nguoi dung do anh 10
Gấu cũng là mối đe dọa của nhiều người chăn nuôi gia súc. Trong ảnh, con bò của ông Andras Gyujto, bị thương vì bị gấu tấn công. Trò chuyện với phóng viên New York Times, Sandor Tamasi, 27 tuổi, kể lại câu chuyện anh và đồng nghiệp thoát khỏi nanh vuốt của một con gấu trong gang tấc. Anh cho biết mình đang chăn cừu trên một ngọn đồi thì lũ cừu bỗng "hóa đá" khi gấu xuất hiện. "Nhiều người bảo chúng tôi đem cừu về nhà. Chúng tôi đâu có đáng bị gấu giết?", anh trăn trở. 
gau va nguoi dung do anh 11
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy sợ hãi trước những con gấu. Janos Szin, người tự nhận mình là "nhà chăn gấu", nhìn thấy cơ hội trong việc cung cấp dịch vụ quan sát loài động vật to lớn này. Hồi tháng 6, ông Szin chở 4 du khách đến một chòi gỗ, có gắn gương hai chiều nhìn ra một thảm hoa dại. Sau đó, ông mang thức ăn mà loài gấu ưa thích nhằm dụ chúng đến nơi du khách có thể trông thấy. Chỉ vài phút sau, những con gấu bắt đầu xuất hiện. Chúng thoải mái đi lại, chạy nhảy và lăn tròn trên thảm hoa, trong lúc 4 du khách bày tỏ sự kinh ngạc và thích thú.
gau va nguoi dung do anh 12
Trở lại với cặp đôi Stekbauer và Gergely ở thị trấn Baile Tusnad. Nhiều giờ trôi qua, họ vẫn hy vọng nhìn thấy bầy gấu. Trong khi đó, thợ săn Kovacs cũng nhìn thấy một con gấu đi thong dong trên con đường đá cuội dẫn đến bãi rác. "Tôi chưa bao giờ muốn bắn chúng, tôi yêu chúng", ông vẫy tay với con gấu. Cuối con đường, cặp đôi trẻ thực hiện được niềm mơ ước nhìn thấy gấu, họ cũng vẫy tay với con vật và lái xe rời đi.
Tại sao ngay cả thú dữ cũng bỏ chạy khi thấy người? Ở các khu vực hoang vu, các loài động vật ăn cỏ và chim thường di tản khi có con người vì con người đã vi phạm lãnh thổ của chúng và bị xem là một mối đe dọa.

Mỹ: Thiên nhiên 'khủng hoảng' vì khách, khách chết vì yêu thiên nhiên

Mạng xã hội khiến lượng khách du lịch tại Mỹ tăng vọt, kéo theo đó là nhiều trường hợp tử vong vì chụp ảnh cùng các tác động xấu khác lên môi trường và xã hội.

Trang trại làm thịt hổ ghê rợn hé lộ nạn buôn lậu giữa lòng châu Âu

Sau 5 năm điều tra, các nhà chức trách Czech mới đây đã tìm ra trang trại làm thịt hổ ghê rợn, hé lộ đường dây buôn lậu động vật hoang dã quốc tế từ châu Âu sang Đông Nam Á.

Chi Mai

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm