Sáng 2/8, tiếp chuyện chúng tôi, ông Kiệt phải mượn một chỗ ngồi dưới mái hiên của người hàng xóm. Bởi sau khi mãn hạn tù trở về, người thân của ông đã qua đời, mọi giấy tờ liên quan đến nhà cửa, hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) của ông cũng bị thất lạc.
Căn nhà nhỏ mà ông sinh sống cùng gia đình năm xưa, nay đã có người khác đứng tên làm chủ hộ. Ông ngậm ngùi kể lại câu chuyện:
Ông Kiệt trong căn nhà mà bà nội ông làm chủ hộ trước đây. |
Khi tôi được 12 tháng tuổi, cha mẹ phải ly dị, mẹ tôi đã bỏ tôi đi biền biệt. Từ thuở nhỏ, tôi sống cùng cha ruột là ông Võ Văn Dũng và bà nội Đinh Thị Nem trong căn nhà nhỏ tại tổ 10, ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM. Sổ hộ khẩu cũng chỉ có ba người, do bà nội tôi đứng tên làm chủ hộ.
Năm 2001, hai cha con tôi mâu thuẫn nhau, trong lúc say xỉn xảy ra xô xát, tôi đã lỡ tay làm cha chấn thương nặng rồi qua đời. Sau đó, tôi bị bắt và chịu án phạt tù 15 năm về tội “cố ý gây thương tích”. Bà nội tôi không ai chăm sóc, buồn rầu rồi cũng bệnh tật qua đời.
Năm 2013, sau khi mãn hạn tù, tôi trở về địa phương trình diện, căn nhà nhỏ năm xưa đã bị hư hỏng nặng. Hỏi ra mới biết toàn bộ giấy tờ của gia đình tôi đều bị thất lạc.
Trước đó khi tôi còn ở trong tù, căn nhà của bà nội tôi đứng tên chủ hộ đã được Công an H.Củ Chi cấp sổ hộ khẩu cho bà D.T.M (64 tuổi, ngụ xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi).
Bà M trước đây có quan hệ như vợ chồng với cha tôi, hiện bà sinh sống trong một ngôi chùa gần căn nhà bà nội tôi đứng tên. Bà M cho biết sau khi bị mất giấy tờ, bà đi khai báo, chính quyền địa phương thấy bà thường qua nhà thắp nhang nên cho bà đứng tên chủ hộ.
Từ khi tôi mãn hạn tù trở về, bà M cũng kêu tôi ngủ lại nhà, còn bà thường ở lại trong chùa. Biết nỗi buồn của tôi, bà M cũng tìm cách giúp đỡ, xác nhận cho tôi được nhập khẩu chung với bà, làm CMND nhưng cũng không được cơ quan chức năng giải quyết.
Nay tôi chỉ muốn có hộ khẩu thường trú đàng hoàng, làm lại giấy CMND để xin được việc làm mà sao khó quá. Trong “phiếu khai báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu” ngày 21/1/2014, Công an xã Phước Thạnh xác nhận rằng:
“Võ Lê Anh Kiệt có hộ khẩu thường trú tại tổ 10, ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM. Trong hộ bà Đinh Thị Nem (bà nội, chủ hộ) và cha Võ Văn Dũng. Năm 2001, bà nội cùng cha ruột chết nên hộ khẩu công an thu giữ và thất lạc.
Nay công an xã xác nhận và đề xuất đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Củ Chi xem xét trích lục tàng thư hộ khẩu cho anh Kiệt được nhập khẩu về hộ khẩu gốc vào hộ bà D.T.M”.
Tuy nhiên, khi tôi đến công an huyện thì không được giải quyết, dù tôi phải đi lại nhiều lần.
Mọi chuyện đều có thể giải quyết
Đại úy Nguyễn Ngọc Duy, Đội phó đội hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú (Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP HCM) cho biết, trường hợp của ông Kiệt khá đặc biệt trong việc nhập khẩu và làm lại CMND nhưng mọi chuyện đều có thể giải quyết.
Trước mắt, ông Kiệt nên đến đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Củ Chi làm theo trình tự một số thủ tục như: giấy ra trại; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; giấy xác nhận có hộ khẩu gốc tại căn nhà nói trên; bản tường trình, cam kết từ khi rời trại giam trở về địa phương; xác nhận tình trạng nhà ở...
Sau đó, tùy mọi phát sinh liên quan đến từng loại giấy tờ mà phía công an sẽ tiếp tục hướng dẫn, giải quyết cho ông Kiệt sớm có hộ khẩu thường trú hoặc làm lại CMND.
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Văn Thuyền - Trưởng công an huyện Củ Chi cho biết, sẽ chỉ đạo cho đơn vị nghiệp vụ liên quan, xem xét giải quyết đơn xin nhập hộ khẩu, làm giấy CMND của ông Kiệt.
Đồng thời hướng dẫn ông thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật để ông sớm có giấy tờ tùy thân.