Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sáu năm đi tìm một... chữ L

Bà tên thật là Lê Thị Lởi, giấy tờ hồ sơ gốc đều ghi rõ là Lởi. Khi đọc tên mình cho cán bộ xã làm thủ tục cắt hộ khẩu thì bà lại đọc ngọng cái tên Lởi của mình thành... Nởi.

Câu chuyện bi hài này xảy ra với một người nông dân quê gốc ở Hải Dương, nơi có nhiều người mắc lỗi nói ngọng giữa chữ “L” và chữ “N” khiến chừng ấy thời gian người phụ nữ ấy khốn khổ đi tìm lại tên của mình.

Lởi bỗng nhiên thành... Nởi

Ở xã Ia Sao (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) có khá đông người dân quê gốc ở Nam Định, Hải Dương. Chúng tôi cầm tờ giấy viết rõ cái tên “Lê Thị Lởi” để tìm hỏi đường vào nhà.

“Cô chú cho hỏi nhà của cô Lởi nằm hướng nào?”. Nhiều người dân nói giọng Bắc dừng lại hỏi đi hỏi lại rồi lắc đầu: “Ở đây không có Lởi, chỉ có... Nởi thôi”.

Chúng tôi lấy bút ra ghi trên tờ giấy rõ to ba chữ Lê Thị Lởi. Lúc này mọi người mới nhìn nhau cười to: “À, bà... Nởi, vợ ông Thoại, ở Hồng Hưng, Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) có phải không?”. Chúng tôi gật đầu.

Bà Lởi với đống giấy tờ làm khổ bà suốt sáu năm.
Bà Lởi với đống giấy tờ làm khổ bà suốt sáu năm.

Bà Lởi là nông dân trồng cà phê ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao. Quê gốc của bà ở xã Hồng Hưng (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).

Nhắc đến chuyện mình phải vất vả khổ sở thế nào khi đi tìm lại tên thật của mình, bà Lởi bước từ ngoài vườn cà phê vào, gỡ nón ngồi bệt xuống đất than thở: “Ối giời ôi! Tôi là... Nởi (tức Lởi) mà cả xã này, cả làng này suốt mấy năm từ khi vào đây cứ gọi là Nởi.

Mình thì chẳng sao, suốt ngày vợ chồng ở trong rẫy cà phê, chả giao dịch buôn bán gì nên cũng chẳng vấn đề gì, mà cứ hễ có chuyện đụng đến giấy tờ là cơ khổ. Mà cán bộ họ viết chứ tôi có viết tên mình ra đâu”.

Sau bao năm tháng theo chồng con lang thang khắp núi đồi Tây nguyên để lập nghiệp, làm kinh tế mới thì tháng 3/2009 gia đình bà quyết định về cắm dùi định cư hẳn ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao. Vợ chồng bà Lởi - ông Thoại dẫn nhau lên xã đăng ký hộ khẩu, chuẩn bị cho con vào trường đi học.

Cán bộ xã bảo muốn nhập khẩu thì phải về quê cắt khẩu rồi làm giấy đề nghị nhập hộ khẩu vào địa phương nơi đăng ký cư trú mới. Mọi chuyện bắt đầu từ đây.

Bà Lởi cất công về tận quê nhà ở Gia Lộc, Hải Dương. Sáng đó lò dò lên xã xin cắt khẩu, cán bộ ngước lên hỏi: “Họ tên gì?”, bà Lởi đáp rõ to: “Nê Thị Nởi”.

Cán bộ này nghe rành rọt rồi không chút nghi ngờ viết thẳng vào giấy đề nghị nhập khẩu: “Đề nghị UBND xã Ia Sao tạo điều kiện, hoàn thành thủ tục để bà Lê Thị Nởi được nhập khẩu vào xã”.

Cầm tờ giấy trên tay, bà Lởi kể rằng lúc đó mừng quá, với lại cũng nghĩ cán bộ xã đã ghi thì làm sao sai được nên chẳng kiểm tra gì.

Lạ lùng chuyện tên: Đỗ Phi Đen Cacstrô, Huỳnh School Boy...

Nếu người vùng cao ở miền Trung thích đặt tên con theo phim Hàn Quốc thì người miền Tây Nam bộ lại đặt tên con theo kiểu Tây. Những cái tên chứa đựng ước muốn hết sức chân chất.

Khi vào Nam trình cho cán bộ xã Ia Sao cùng kèm theo toàn bộ giấy tờ liên quan, các cán bộ ở đây phát hiện tên trong giấy đề nghị nhập khẩu là Lê Thị Nởi - không khớp với cái tên Lởi có trong các giấy tờ gốc ở quê.

Nhưng cả cán bộ lẫn bà Lởi đều tặc lưỡi: “Đằng nào chả là mình, Lởi hay Nởi thì cũng như nhau, cũng chỉ có một”. Vậy là từ cái sai không đáng có nhưng không được sửa kịp thời, bà Lởi bỗng mang một cái tên mới: Lê Thị Nởi.

Từ thời điểm nhập hộ khẩu vào xã Ia Sao này, toàn bộ giấy tờ liên quan như bằng lái xe, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu đều mang cái tên mới: Lê Thị Nởi.

Khốn khổ tìm lại tên mình

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như người nông dân hiền lành ấy nghĩ. Mấy tháng sau, khi đã trở thành công dân của Ia Sao, khi phải lên xã hoàn thành các thủ tục hành chính thì cái chữ “L” mới bắt đầu nảy sinh rắc rối và tai hại.

Chẳng ai dám chứng nhận bà Nởi chính là... bà Lởi như trong giấy tờ gốc. Bao nhiêu lần lên xã là bấy nhiêu lần phải trở về. Lúc này bà Lởi mới nhận ra rắc rối và cất công về quê xin cấp lại toàn bộ giấy tờ gốc liên quan đến cái tên Lởi của mình.

Hộ khẩu là Nởi, giấy khai sinh là Lởi.
Hộ khẩu là Nởi, giấy khai sinh là Lởi.

Bà Lởi nói như mếu: “Tôi “nên” xã rồi. Cán bộ kêu không đúng, phải về quê gốc. Tôi về quê gốc rồi. Cán bộ cho tờ giấy xác nhận tôi chính “nà”... tôi. Nhưng vào xã Ia Sao lại bảo “nà” mẫu không đúng, phải về làm lại. Rõ khổ. Cả mấy năm nay cứ làm đi làm lại như thế cơ mà chả hiểu sao bây giờ vẫn không được gọi cho đúng cái tên”.

Nhưng những rắc rối lặt vặt từ cái tên Lởi - Nởi của bà chưa dừng lại ở việc đi tìm tên thật. Cuối tháng 4, con trai đầu của bà Lởi là Đỗ Đăng Long làm hồ sơ thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học.

Lật các giấy tờ, các thầy cô giáo nói thẳng thừng: “Giấy khai sinh của Long ghi tên mẹ là Lởi nhưng hộ khẩu, chứng minh nhân dân (được cấp tại Gia Lai) lại ghi tên Nởi. Không khớp. Phải bổ sung gấp, nếu không...”.

Mấy ngày đó, cả nhà bà Lởi phải bỏ hết các công việc để tập trung... tìm lại chính mình, hoàn thành thủ tục bổ sung cho con trai lên đường đi thi.

Bà Lởi chống cằm ngồi xổm giữa sân UBND xã Ia Sao mếu máo: “Tôi nà Nởi (Lởi). Tên cha mẹ đặt rõ nà như thế, giấy tờ ở quê cũng ghi như thế mà khi nhập vào xã Ia Sao này thì nại phải mang cái tên nà Nởi. Ở quê thì lại kêu là tôi cắt khẩu rồi thì xã không nắm nữa, giấy khai sinh gốc cũng mất ở đẩu đâu. Giờ nước sôi lửa bỏng cho con thi mà chả biết nàm thế nào”.

Ông Rơ Chăm Úk, Chủ tịch UBND xã Ia Sao, ngồi trên phòng nghe được chuyện phía dưới sân liền kêu cán bộ lên hỏi rõ. Sau một lúc nghe cán bộ hộ tịch tư pháp, cả Trưởng công an xã giải thích, ông xua tay rồi bảo: “Thôi đừng nói nữa, nói nhức đầu quá mà chẳng hiểu gì cả. Có cách nào giải quyết cho người ta không?”.

Cán bộ công an xã bảo có cách linh động là làm tờ giấy xác nhận tạm thời để bà Lởi đưa cho con làm thủ tục đi thi. Về lâu dài thì vẫn phải tìm cho đúng cái tên Lởi của bà... Lởi.

Nhiều ngày sau khi được xã “tạm thời trả tên”, bà Lởi sau giờ đào cuốc trên rẫy cà phê vẫn ngồi hí hoáy với tờ đơn, đống giấy tờ lẫn lộn giữa hai cái tên: Lê Thị Lởi và Lê Thị Nởi.

Phải trả lại tên thật cho bà Lởi

Chiều 13/7, sau khi nghe phản ảnh chuyện bà Nởi (Lởi) phải khổ sở suốt sáu năm đi tìm lại tên thật của mình, cả Bí thư Đảng ủy, Phó bí thư Đảng ủy lẫn chủ tịch UBND xã Ia Sao ngồi lại để nghe cán bộ hộ tịch, công an xã trình bày rõ ngọn ngành câu chuyện.

Công an xã thì bảo rằng không thể sửa hộ khẩu, trả tên cho bà Nởi được vì không có giấy khai sinh. Cán bộ hộ tịch thì bảo không thể cấp giấy khai sinh được vì không có giấy khai sinh gốc, học bạ hay hồ sơ cũ của bà Nởi.

Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND xã Ia Sao nói bằng mọi cách phải giải quyết để bà Nởi tìm lại tên thật của mình, tránh phiền phức không đáng có.

Cán bộ hộ tịch nói sẽ lấy bản sao giấy khai sinh của bà Nởi để từ đó làm căn cứ cấp giấy khai sinh mới, giấy mới sẽ mang tên Lởi rồi từ đây sẽ đính chính lại tên trong các giấy tờ liên quan được cấp kể từ khi bà Nởi vào xã Ia Sao.

Những cái tên có một không hai

Những cái tên con đôi khi là ước vọng hay mong muốn của cha mẹ. Ước mơ càng lớn, tên càng... dài. Ngược lại, có những cái tên như được cha mẹ trút vào đó nỗi khổ đau...

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20150718/sau-nam-di-tim-mot-chu-l/779211.html

Theo Thái Bá Dũng/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm