Những cái tên quá dài thế này đành phải viết tắt trong nhiều loại giấy tờ. |
Tên dài miên man
Ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM) có ba chị em mang những cái tên được cho là dài nhất Việt Nam hiện nay.
Hai chị đầu tên Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn và Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng. Dài nhất là cậu em út Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân (1992), kéo dài đến chín âm tiết với 35 chữ cái.
Sau khi xuất hiện trên mạng Internet, câu chuyện về ba cái tên dài miên man này lan truyền rất nhanh. Nhiều trang Facebook cá nhân đã chia sẻ và bàn luận về những cái tên dài có một không hai này.
Trả lời trên một tờ báo, bà mẹ cho biết tên ba người con đều do chồng bà đặt. Để đặt những cái tên này, ông bố đã suy nghĩ suốt nhiều đêm.
Khi bà hỏi ông giải thích ý nghĩa từng chữ trong cái tên dài của con, ông chỉ nói mỗi chữ đều mang một ý nghĩa, ấp ủ những ước mơ, mong muốn cuộc sống tươi đẹp gửi gắm vào đó.
Ông Lê Văn Bốn - cán bộ tư pháp, hộ tịch xã Phước Kiển - cho biết chính ông là người làm giấy khai sinh cho cả ba người con của bà Tư. Lúc đó ông cũng có tư vấn gia đình nên giảm độ dài cái tên để thuận lợi cho việc làm các loại giấy tờ sau này.
Tuy nhiên, người cha mong muốn giữ nguyên tên đã đặt. Từ đó các giấy tờ hộ tịch của ba chị em đều phải ghi tắt toàn bộ chữ lót vì cái tên quá dài không có chỗ để ghi.
Ông Bốn nói hầu hết giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, học bạ, bảng điểm... chỉ thiết kế khoảng trống để ghi họ tên khoảng năm âm tiết, nên với cái tên dài tám, chín âm tiết thì sẽ phải viết tắt toàn bộ chữ lót.
Chỉ cần sơ suất nhỏ là sẽ dẫn đến sai sót, nhầm lẫn. Không chỉ bản thân và gia đình họ, mà cả cán bộ xã cũng mệt với những cái tên dài.
Tuy nhiên, ông Bốn khẳng định không có chuyện chính quyền địa phương yêu cầu gia đình bà Tư sửa đổi tên con như người ta nói.
“Chúng tôi chỉ tư vấn gia đình vì lo cho các cháu sẽ gặp rắc rối khi làm các loại giấy tờ, thủ tục để đi học, đi làm sau này, chứ mình đâu có quyền yêu cầu gia đình đổi tên” - ông Bốn nói.
Còn ở Thái Nguyên cũng có một cô gái mang tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên: Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương.
Cô gái ấy sinh năm 1986 tại xã Tân Linh, huyện Đại Từ. Anh Nguyễn Đăng Tuấn, cán bộ tư pháp xã Tân Linh, cho hay khi viết những cái tên dài như thế vào những mẫu giấy tờ in sẵn như giấy khai sinh, hộ khẩu, phải tiết kiệm từng tí giấy. Vậy mà cũng không đủ chỗ, phải viết tắt vài chữ lót. “Dù tên ngắn hay tên dài, chúng tôi vẫn phải tôn trọng. Tất nhiên nếu dài quá thì việc viết tên vào các văn bản sẽ rắc rối hơn”.
Khổ vì cái tên “Hận Tình Đời”
Ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) có một nhân vật được đặt cái tên nghe rất lạ: Hồ Hận Tình Đời. Bước vào một ngôi nhà có treo tấm giấy khen mang tên Hồ Hận Tình Đời, chúng tôi biết là đã tìm đúng địa chỉ.
Bà Huỳnh Thị Thương (61 tuổi), mẹ của anh Tình Đời, giọng buồn buồn kể về cái tên Hồ Hận Tình Đời do người cha đặt. Trước khi cưới bà, ông từng có hai đời vợ mà bà không biết. Đến khi bà sinh con đầu lòng, bà cũng chẳng biết ông uất hận gì cuộc đời mà đem đặt ngay tên con như vậy.
Mong muốn mình sẽ mang tên mới là Hùng Mạnh, nhưng đến giờ anh Hồ Hận Tình Đời vẫn mang tên cũ. |
Ba tháng sau khi sinh con, ông mang nỗi “hận đời” đi biệt, bỏ hai mẹ con bà bơ vơ. Bà lúc đó mới 26 tuổi, phần vì buồn tình, phần quá khổ cực nên bà chẳng để ý đến tên con nữa. Mãi sau nhiều người giải thích, khuyên răn thì bà mới rõ. Nhưng việc kiếm cơm đầu tắt mặt tối suốt năm tháng khiến bà đành quên đi việc đổi tên con...
Trời tối sập, anh Hồ Hận Tình Đời về tới nhà. Một chàng thanh niên cao to với khuôn mặt hiền lành, khắc khổ. Anh Đời tâm sự chẳng hiểu hồi đó ông già hận cái gì mà đặt tên cho con cay nghiệt đến vậy. Trước giờ mặc cảm với cái tên lập dị nên anh giấu biệt bạn bè.
Ai hỏi anh chỉ nói mình tên Hồ. Sau này đi làm, anh khai tên trong giấy tờ thì một vài người mới biết. Ngay cả vợ anh, đến ngày cưới mới biết người yêu hiền lành bấy lâu mang cái tên thật kỳ quặc.
Hồ Hận Tình Đời nói cái tên làm khổ cuộc đời anh. Học đến lớp 5, anh phải nghỉ rồi bươn chải khắp nơi, làm đủ nghề để mưu sinh. Tình Đời long đong, lận đận, có lúc anh muốn buông thả cho sự đời. Nhưng nghĩ về người mẹ đã chịu nhiều cay đắng, tủi khổ, anh quyết chí làm ăn. Đời lại nghĩ: “Cái tên đã vậy mà sống không đàng hoàng thì chẳng ai coi ra gì”.
Giờ anh đã có vợ, sinh được hai đứa con. Cuộc sống không khá giả nhưng cũng bình yên hơn sau những năm tháng sóng gió. Tròn 40 năm sống với cái tên Hồ Hận Tình Đời, anh đã hiểu ra nhiều điều và không còn quan tâm đến cái tên của mình nữa.
Tuy vậy, khi được hỏi nếu được đổi tên, Hồ Hận Tình Đời vẫn muốn xin đổi thành tên “Hùng Mạnh”. Bởi như anh nói: “Có được sức khỏe, hùng mạnh thì cuộc đời sẽ vui hơn!”.
Nói tới đây bỗng nhớ chuyện mười năm trước. Chắc độc giả còn nhớ câu chuyện của một thanh niên có cái tên thật lạ: Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi, người thôn Quảng Đại, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.
Chỉ vì giận xã phạt sáu ngàn rưỡi do sinh con thứ năm mà ông bố đã đặt luôn cho con cái tên kỳ quặc đó. May mà sau đó chàng trai này đã quyết định đổi lại tên mình là Mai Hoàng Long.
Cũng tại Quảng Nam còn có những cái tên rất kỳ lạ. Ở huyện Núi Thành có cô gái mang tên Lê Thị Vô Lý. Tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước có cô gái tên Võ Thị Xin Thôi, con ông Võ Mười Sáu. Cũng ở huyện Tiên Phước, xã Tiên An có em gái tên Dương Thị Ly Tan...
Rô Nan Đô không phải là Ronaldo
Chúng tôi về xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội để tìm gặp cậu bé mang cái tên danh thủ bóng đá Ronaldo.
Khi đến nhà, một ông lão từ trên gác bước xuống chào hỏi chúng tôi. Nghe chuyện xong, ông cười rồi nói: “Cháu Rô Nan Đô mới đi theo bố mẹ hôm qua, mấy hôm trước nó còn ở đây”.
Tôi hỏi: ”Sao nhà mình lại đặt tên cháu như người nước ngoài vậy hả ông?”. Ông cười xòa: “Thì có gì đâu, tôi là Rô Man Lê, con trai tôi, tức là bố nó, tên là Rô Man Chính thì đặt nó Rô Nan Đô cũng là chuyện bình thường thôi”. “Sao tên ông nghe cũng lạ?”.
“Có gì đâu, tôi họ Rô, người dân tộc Gia Rai gốc ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Họ hàng tôi toàn họ Rô cả. Tôi ra miền Bắc năm 1960, học Trường Học sinh miền Nam rồi lấy vợ người Thạch Thất, định cư đây luôn”.
“Thế anh Rô Man Chính có phải vì mê bóng đá mà đặt tên con giống cầu thủ nổi tiếng nước ngoài không vậy hả bác?”. “Không, con tôi cũng chẳng phải mê bóng đá đến vậy. Nhưng vì nhà tôi họ Rô nên nó đặt tên thằng Đô thôi”.