Nhiều người Brazil muốn cắt giảm thịt với lý do sức khỏe. Ảnh: Shutterstock. |
Theo nghiên cứu của Viện Thực phẩm Tốt (GFI) và Toluna, 67% người Brazil đã tiêu thụ ít protein động vật hơn trong 12 tháng qua so với năm trước, Bloomberg đưa tin ngày 13/12.
Trong khi hầu hết đề cập đến giá cả tăng cao là lý do chính khi cắt giảm tiêu thụ thịt, 1/3 người tham gia cho biết những lo ngại về sức khỏe là động lực chính thay đổi thói quen. Khoảng một nửa trong số này cho hay họ tự nguyện thay đổi.
1/3 người Brazil hạn chế tiêu thụ thịt đã thay thế bằng thịt giả làm từ thực vật, tăng từ 25% một năm trước đó. GFI cho biết những sản phẩm này phổ biến nhất trong nhóm cắt giảm thịt vì các vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, những khách hàng bị ảnh hưởng bởi lạm phát lương thực cũng ưa chuộng biện pháp này.
Chỉ 7% người Brazil cho biết họ muốn ăn nhiều thịt hơn vào năm tới. Trong nhóm vốn đã tiêu thụ ít protein động vật hơn, 93% cho biết họ có kế hoạch duy trì chế độ ăn hiện tại hoặc giảm thịt hơn nữa.
“Những người hạn chế tiêu thụ thịt sẽ bắt đầu cắt giảm nhiều hơn nữa”, GFI cho biết, đề cập đến triển vọng với các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật ở Brazil.
Brazil gia nhập danh sách các thị trường lớn hạn chế tiêu thụ thịt trong bối cảnh giá cả tăng, do chi phí thức ăn chăn nuôi và vận chuyển hậu cần cao hơn, cũng như nguồn cung giảm khi xuất khẩu sang châu Á tăng mạnh.
Những thay đổi tương tự ảnh hưởng đến doanh số bán thịt bò ở Argentina và Mỹ, cùng với Brazil. Đây đều là những nước tiêu thụ thịt đỏ lớn nhất thế giới.
Dẫu vậy, theo Drovers, Brazil dự kiến vẫn là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất với sản lượng thịt bò tăng nhẹ vào năm 2023.
"Brazil đầu thế kỷ XXI"
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về chính trị Brazil mang tên "Brazil đầu thế kỷ XXI" do NXB Từ điển Bách Khoa xuất bản năm 2012. Cuốn sách tập trung vào những vấn đề chính trị và kinh tế của Brazil, từ đó đưa ra một số đánh giá chung và khả năng mở rộng quan hệ với Việt Nam cũng như triển vọng kinh tế - chính trị Brazil.