Ngày 9/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, đề nghị tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.
Theo nhận định của Bộ TN&MT, gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những nguyên nhân chính đã được xác định là do bụi, khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi, ngành chức năng làm rõ thêm ô nhiễm không khí còn do hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch của người dân.
"Đây là hoạt động diễn ra hàng năm, lặp đi lặp lại của người dân khu vực nông thôn miền Bắc mà chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để", văn bản của Bộ TN&MT nêu.
Ngày 7/6, ô nhiễm không khí khiến bầu trời Hà Nội trở nên mù mịt. Ảnh: N.H. |
Nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở, ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác thải tự phát, không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa.
Các hội nông dân và phụ nữ, đoàn thanh niên được giao tổ chức cho hội viên, đoàn viên, hộ nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ ngoài đồng. Ngành chức năng địa phương xây dựng các dự án hướng dẫn người dân thu gom tối đa, xử lý, chế biến triệt để phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích.
Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp không đúng quy định; quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng trên gây ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, đầu tháng 6, chất lượng không khí tại một số tỉnh, thành miền Bắc có xu hướng suy giảm, đặc biệt ban đêm.
Ở khu vực nông thôn, sau khi gặt lúa, rơm rạ thường được bỏ lại trên đồng ruộng và đốt vào buổi tối. Vì vậy, các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18h và đạt giá trị cực đại từ 21h đến 1h hôm sau.
Ngoài việc đốt rơm rạ là nguyên nhân phát sinh chất ô nhiễm, các yếu tố khí tượng cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí ban đêm. Hiện tượng nghịch nhiệt kết hợp điều kiện lặng gió khiến các chất ô nhiễm do hoạt động đốt rơm rạ và các hoạt động khác không thể khuếch tán.
Bộ TN&MT dự báo tình trạng ô nhiễm không khí có thể diễn biến phức tạp, hoạt động đốt rơm rạ tự phát sẽ còn xảy ra nếu không có sự tuyên truyền, quản lý của chính quyền. Người dân cần liên tục theo dõi chỉ số ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt hạn chế hoạt động ngoài trời buổi tối.