Sáng 6/6, bầu trời Hà Nội âm u, chất lượng không khí giảm đi nhiều so với những ngày trước đó. Lúc 9h, hệ thống quan trắc của IQAir cho thấy chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội vượt ngưỡng có hại.
Các quận nội thành như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm có chỉ số AQI dao động 150-180 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người khi tham gia hoạt động ngoài trời. Một số điểm quan trắc ở Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Gia Lâm còn cho chỉ số ô nhiễm trên 220, ở ngưỡng nguy hại.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng về đêm
Trao đổi với Zing, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết đây không phải ngày đầu tiên trong mùa hè Hà Nội hứng chịu ô nhiễm không khí. Thực tế, suốt một tuần qua, thành phố nhiều ngày ghi nhận chỉ số AQI ở mức báo động. Nhiều người khó nhận biết vì ô nhiễm tập trung từ khoảng 21h đến 2h sáng hôm sau.
Tình trạng này xảy ra do người dân ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ. Chuyên gia lý giải 17h-19h hàng ngày là khoảng thời gian người dân đốt rơm rạ sau một ngày dọn dẹp, thu gom trên đồng ruộng. Sau đó, cột khói bốc lên cao, các chất bụi bẩn, ô nhiễm lan khắp nội thành.
Kết quả quan trắc cũng cho thấy mức độ ô nhiễm không khí ở những khu vực gần điểm đốt rơm rạ cao hơn nhiều so với khu vực khác.
Bầu trời Hà Nội âm u, đặc quánh sáng 6/6. Ảnh: N.H. |
"Khói từ việc đốt rơm rạ có khả năng khuếch tán không quá xa, nhưng gặp điều kiện thuận lợi như gió, nhiệt độ đã mang các chất bụi bẩn vào nội thành. Đồng thời, Hà Nội là khu vực có nhà cao tầng chắn gió, mật độ dân số cao nên các chất ô nhiễm có khả năng bám lại lâu", chuyên gia lý giải.
Về việc Hà Nội ô nhiễm không khí, xuất hiện lớp sương sáng 6/6, ông Tùng cho biết tình trạng này xảy ra một phần do thời tiết khu vực chuyển mưa dông nên bầu trời âm u. Việc này cũng khiến các chất bụi bẩn khó khuếch tán nên chất lượng không khí ở nhiều nơi trở nên tồi tệ.
Những ngày tới, mưa lớn xuất hiện có thể rửa trôi các lớp bụi bẩn. Khi người dân ngừng đốt rơm ra, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ được cải thiện.
Cần giải pháp lâu dài
Theo TS Hoàng Dương Tùng, chất lượng không khí tại miền Bắc vào mùa hè đa phần tốt hơn so với mùa thu đông. Thời gian qua, Hà Nội cũng có nhiều ngày chất lượng không khí trong lành do thời tiết thuận lợi và lượng người tham gia giao thông hạn chế vì dịch bệnh.
Dù vậy, việc người dân ngoại thành đốt rơm rạ đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng không khí tại thủ đô. Chuyên gia khuyến cáo người dân nên tận dụng rơm rạ thu gom được để làm chế phẩm sinh học hoặc làm nấm, hạn chế xử lý bằng việc đốt.
Sau khi thu hoạch lúa, nhiều người dân ở ngoại thành Hà Nội thu gom, đốt rơm rạ để làm sạch ruộng đồng. Ảnh: PV. |
Ngoài ra, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng bên cạnh việc kêu gọi ý thức của người dân, chính quyền các quận, huyện ngoại thành có thể khuyến khích người dân thu gom tập trung để xử lý đồng bộ, bằng cách chi trả phí thu gom rơm rạ cho người dân. Việc này hỗ trợ người dân trong việc thu gom, xử lý rơm rạ sau mùa vụ, giảm tình trạng đốt rơm rải rác trên các cánh đồng.
Nêu thêm giải pháp, ông Tùng cho rằng ngành chức năng Hà Nội có thể cử chuyên gia ngành nông nghiệp về hướng dẫn bà con cách xử lý rơm rạ thành chế phẩm sinh học. Khi có được hướng dẫn cụ thể, người dân sẽ biết cách để vừa làm sạch đồng ruộng chuẩn bị cho mùa vụ mới, vừa bảo vệ môi trường.
"Không nên trách người dân vì sao lại đốt rơm rạ, mà cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn để họ hiểu và thực hiện. Theo tôi, chính quyền Hà Nội cần bắt tay vào thực hiện các giải pháp ngay từ bây giờ, trước khi mùa vụ mới kết thúc vào tháng 10-11 tới", chuyên gia Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.