Ngày 4/6, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Biển Đông vừa đón bão số 1 và nhiều nơi chuẩn bị bước vào mùa mưa bão.
5-7 cơn bão có thể đổ bộ đất liền
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết trong năm nay, số lượng bão, áp thấp trên Biển Đông có thể tương đương mức trung bình nhiều năm, khoảng 12-14 cơn. Trong đó, 5-7 cơn bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Từ tháng 6 đến tháng 9, bão và áp thấp nhiệt đới tập trung hoạt động ở bắc và giữa Biển Đông nên khu vực chịu ảnh hưởng là Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Từ tháng 9 trở đi, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở vào phía nam.
Ngoài ra, đại diện cơ quan khí tượng cho biết các đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ năm nay không gay gắt, kéo dài như năm 2020, nhưng không loại trừ khả năng có nơi nắng nóng cục bộ. Thời gian tới, nhiệt độ ở một số nơi có thể đạt mức 41-42 độ C.
Năm 2020 ghi nhận nhiều kỷ lục về mưa lũ cùng các hiện tượng cực đoan như mưa đá, dông lốc, nắng nóng, xâm nhập mặn ở nhiều nơi trên cả nước. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nói về công tác dự báo, ông Thái cho biết do hạn chế về khoa học công nghệ, cơ quan khí tượng chưa dự báo được lũ quét, sạt lở đất mà chỉ cảnh báo nguy cơ lũ quét ở một vùng hoặc một khu vực rộng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề xuất ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cấp bách, lâu dài về lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét lớn.
Theo ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, tác động của các đợt thiên tai gần đây cùng đại dịch Covid-19 đã cho thấy các gia đình và cộng đồng dễ bị tổn thương, có khả năng tái nghèo cao hơn vì họ có khả năng phục hồi chậm hơn.
“Nếu không được giải quyết kịp thời, những mối nguy này có thể gây ra tác động tích lũy nghiêm trọng về lâu dài”, ông Kamal Malhotra nói.
Theo điều phối viên của LHQ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc nâng cao khả năng sẵn sàng, tăng cường năng lực, cải thiện công tác lập kế hoạch sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam.
Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo
Dẫn số liệu về việc thiên tai năm 2020 làm chết và mất tích 357 người, gây thiệt hại kinh tế gần 40.000 tỷ đồng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, nhận định thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tác động rất lớn, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân.
Đánh giá tình hình thời gian tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân.
"Vì vậy, việc đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cần được quan tâm toàn diện hơn. Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta vừa phòng, chống dịch Covid-19 mà trường hợp bão xảy ra thì việc ứng phó thiên tai đặt ra thế nào?”, Phó thủ tướng nêu vấn đề và yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cho tình huống này.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương lên phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh: VGP. |
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh quan điểm đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Mục tiêu quan trọng là giảm thiệt hại về người và lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả hoạt động của phòng, chống thiên tai.
Nói về giải pháp, ông Thành yêu cầu các cơ quan Trung ương tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác; ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai, đồng thời đầu tư các thiết bị, máy móc cho việc cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, Phó thủ tướng nhận định các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Do đó, địa phương cần tiếp tục phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.