Tại huyện Phong Điền đang xuất hiện nhiều điểm tập kết thu gom cau non. Bà N.T.L, một người dân bán cao, cho biết sau khi đi thu mua cau non về, bà thuê 2 nhân công tách ra khỏi buồng rồi đóng thùng xuất đi TP HCM.
Mỗi nhân công làm việc này sẽ được trả 2.000 đồng/kg. Bà cũng không biết thương lái mua cau non làm gì, vì trái cau chỉ được sử dụng khi già.
Cau non được hái nguyên buồng rồi bán lại cho điểm tập kết. |
Giá cau non được thương lái thu mua từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, trong khi giá cau khô không đến 10.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Bình (ngụ thị trấn Phong Điền) cho biết: "Ban đầu chỉ có một vài thương lái tìm đến đây thu mua cau non, nhưng mấy ngày qua đã lên đến cả chục người. Nghe nói mua rồi bán sang Trung Quốc”.
Từ khi xuất hiện phong trào mua cau non, ông Nguyễn Văn D. (ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền) đi khắp nơi ở các xã thuộc Phong Điền hoặc sang cả tỉnh khác để mua về bán lại cho các điểm tập kết. “Các chủ cơ sở chỉ mua cau non nguyên buồng rồi cân và họ trả tiền tươi”, ông D. phân trần.
Một điểm thu mua cau non tại huyện Phong Điền. |
Ông S., một thương lái chuyên thu mua cau non cho biết, mỗi ngày ông thu mua 200-400 kg cau buồng khắp nơi. “Tôi mua rồi bán lại cho một đại lý vận chuyển về TP HCM rồi bán sang Trung Quốc”, ông S. khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, nói: “Việc thương lái thu mua cau non ở huyện Phong Điền đã diễn ra lâu nay. Họ mua để bán sang Trung Quốc, Đài Loan”.