Sau thời gian yên ắng, mấy ngày nay, thương lái lạ mặt lại về miền Tây lùng mua lá mãng cầu xiêm. Khác với lần mua trước đây tại 2 tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang, là gom tất cả lá do nông dân hái, lần này thương lái vào tận vườn bẻ lá non, chọn loại đẹp. Mức giá 5.000–10.000 đồng/kg trước đây được nâng lên 15.000–20.000 đồng/kg.
Ông Dương Văn Ráng, ở ấp Láng Sen, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) cho biết, thương lái quay lại mua lá mãng cầu khác rất nhiều so với trước. "Họ trả giá cao hơn gấp đôi, nhưng đặt thẳng vấn đề với nông dân để họ vào tận vườn bẻ lá. Trong khi trước đây người dân tự hái rồi cho vào bao mang đến điểm tập kết bán", ông Ráng nói.
Khác với lần thu mua trước đây ở Hậu Giang, Tiền Giang, hiện nay thương lái đến tất cả các tỉnh có trồng mãng cầu xiêm, vào sâu trong vườn, thu mua các loại ngọn, lá non. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Cũng theo nông dân này, một số hộ trong xã đã chấp nhận để thương lái tự vào vườn bẻ lá mãng cầu xiêm theo ý muốn. Đa phần họ chỉ chọn những lá thật đẹp, thường là lá thứ 3-4 từ ngọn trở xuống. Các loại lá có tì vết, bị sâu ăn là họ bỏ lại ngay.
“Lúc trước lá già lá non họ mua hết sạch, còn mượn sân phơi tại nhà nông dân. Lần này thì thương lái kén chọn từng lá một, hái xong cho vào bao mang đi luôn trong ngày. Cách hái lá kiểu này sẽ làm cho cây mất sức nhanh”, ông Ráng nói.
Ông cũng cho biết, gia đình mình trồng 7 công mãng cầu. Đợt trước, khi thương lái về mua, vợ con ông đã hái 3 đợt lá bán, thu 5 triệu đồng. Bây giờ vườn cây rất còi cọc, nên dù thương lái vào tận vườn năn nỉ, ông cũng kiên quyết không bán.
"Trước đây, tôi ham lợi mà chưa hiểu tác hại của việc hái lá làm ảnh hưởng rất lớn sự phát triển của cây và giảm năng suất trái. Giờ tôi và bà con ở đây kiên quyết không bán lá mãng cầu nữa, dù giá cao đến đâu", ông Ráng nói thêm.
Một số nông dân trồng mãng cầu xiêm xác nhận, họ đã từng hái lá bán cho thương lái và chứng kiến cây chậm phát triển, năng suất trái giảm. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Anh Lê Văn Năng, ở ấp Xẻo Vong A, cùng xã Hiệp Lợi cho biết, hiện mỗi ngày có 3-5 thương lái hết điện thoại lại vào tận nhà năn nỉ xin mua lá mãng cầu, nhưng anh từ chối thẳng, nhất định không bán.
“Hai vụ trước, sau khi ăn trái xong, tôi đã bẻ lá bán cho thương lái, vì thấy lời. Nhưng chỉ 2 vụ bán lá như thế mà thấy cây giảm năng suất đáng kể, cho dù đã bón bù phân thuốc khá nhiều", anh Năng nói.
Theo nhiều nông dân đang trồng mãng cầu xiêm tại miền Tây, các thương lái thường xưng đến từ TP HCM hoặc ở Đồng Nai, Bình Dương. Nếu bà con hỏi mua lá mãng cầu để làm gì, họ trả lời rất giống nhau. Thường là “Chúng tôi mua dùm người ta, chỉ biết gom đủ số lượng mang về TP HCM giao lại cho chủ vựa lấy tiền công. Còn lá này để làm gì thì không rõ”.
Anh Nguyễn Văn Tám, Tổ trưởng tổ hợp tác thu mua trái cây ở xã Hiệp Lợi, cũng cho biết, có thời gian, thương lái còn đến xin liên kết, nhờ anh đứng ra làm đầu mối thu mua lá mãng cầu tại địa phương. Anh cũng làm một thời gian, nhưng dò hỏi không được biết mục đích thu gom loại lá này, lại bị thanh toán tiền chậm nên anh ngưng hợp tác.
Ông Hồ Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, xác nhận, thời gian qua, trên địa bàn xã xuất hiện hơn chục thương lái lạ mặt hỏi mua lá mãng cầu của nông dân. Ban đầu vì thấy lợi trước mắt nên nhiều hộ đã đồng ý bán, với số lượng lên đến hàng tấn.
Sau thời gian tuyên truyền, vận động của địa phương, người dân đã hiểu tác hại của việc hái lá mãng cầu non. Do vậy, lần này họ xuất hiện trở lại và mua giá cao gấp đôi, nhưng rất ít hộ đồng ý bán.
Cũng theo ông Việt, toàn xã có 33 ha trồng mãng cầu xiêm đang cho trái. Đây được xem là nơi có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất của tỉnh Hậu Giang.