Chỉ tiêu về tỉ lệ nghỉ việc mỗi năm tại Amazon luôn khiến các nhà quản lý đau đầu. Để đạt được mục tiêu này họ phải thuê thêm nhân viên và sau đó sa thải.
Chân dung CEO của Amazon, Jeff Bezos. Ảnh: Insider. |
“Nhiều lúc chúng tôi phải thuê những người mà mình biết trước sẽ đuổi họ. Chúng tôi làm việc này chỉ để bảo vệ phần còn lại của nhóm”, một người quản lý giấu tên nói.
Hình thức này được gọi là “thuê để sa thải”. Các nhà quản lý sẽ thuê những người họ có ý định đuổi việc trong vòng một năm chỉ để đạt được tỉ lệ thay máu nhân sự hàng năm của công ty. Chỉ số này được gọi với cái tên hoa mỹ là "tiêu hao không hối tiếc" (URA).
Tuy nhiên, người phát ngôn của Amazon phủ nhận việc công ty thuê nhân viên với ý định đuổi việc họ và không sử dụng cụm từ "thuê để sa thải". Tuy vậy, hình thức này tồn tại ở một số bộ phận của Amazon, nơi yêu cầu các nhân viên quản lý phải đạt được chỉ số URA đề ra mỗi năm.
Theo các tài liệu từ Insider, những giám đốc điều hành cấp cao nhất tại Amazon, tuân thủ chặt chẽ các mục tiêu URA được đề ra. Ngay cả Andy Jassy, người kế vị Jeff Bezos cũng dự kiến thay thế 6% bộ phận của mình.
Các quản lý bị áp lực phải đạt những mục tiêu này bằng cách này hay cách khác. Cụ thể, nếu một nhóm chỉ đạt được URA là 3% trong năm 2020 trong khi mục tiêu là 5%, họ sẽ phải đạt được 7% ở năm kế tiếp.
Theo bản ghi nhớ nội bộ, để ép nhân viên nghỉ việc, Amazon có chương trình đào tạo mang tên Focus. Đại diện Amazon cho biết công ty không có mục tiêu cụ thể về việc có bao nhiêu nhân viên sẽ được nhận vào Focus.
Theo báo cáo trước đây từ Insider, các mục tiêu trong kế hoạch huấn luyện của Focus là không thực tế. Những người không qua được khóa huấn luyện này sẽ được đưa vào giai đoạn tiếp theo là Pivot, nơi quyết định việc họ rời khỏi công ty.
Nhân viên của Amazon cho biết các quản lý có thể đưa bất cứ ai vào khóa Focus, điều này khiến họ không thế ứng tuyển vào những vị trí khác trong công ty. Hậu quả là việc tự nguyện từ chức hoặc buộc phải thôi việc.