Nhật báo hàng đầu nước Mỹ nhận định các biện pháp chống dịch Covid-19 hiệu quả đã giúp Việt Nam giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất thế giới, chưa đầy một ca trên 1 triệu người. Việc kiềm chế dịch hiệu quả giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế, và trong năm nay Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
"Trong khi nhiều quốc gia lao đao vì suy thoái kinh tế trầm trọng và phải xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu tài chính, Việt Nam tăng trưởng ở mức 3%. Ấn tượng hơn, tăng trưởng của Việt Nam dựa trên thặng dư thương mại kỷ lục bất chấp việc thương mại toàn cầu lao dốc", New York Times đánh giá.
Sau Thế chiến II, các "phép màu châu Á" - bao gồm những nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc - phát triển nhanh chóng, mở cửa đón thương mại và đầu tư, dần trở thành đại gia sản xuất và xuất khẩu.
Chiến lược gia Ruchir Sharma của Morgan Stanley Investment Management nhận định Việt Nam đang đi theo con đường phát triển của những "phép màu châu Á" này, nhưng ở thời kỳ hoàn toàn mới. Các điều kiện tạo nên những phép màu cũ đã không còn. Thời kỳ toàn cầu hóa nhanh chóng - với dòng thương mại và đầu tư khổng lồ - đã trôi qua. Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao suốt ba thập kỷ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong giai đoạn bùng nổ, các "phép màu châu Á" đi trước có mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm gần 20%, gần gấp đôi mức xuất khẩu trung bình tại các quốc gia thu nhập trung bình thấp vào thời điểm đó. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự trong suốt ba thập kỷ.
Bất chấp việc thương mại toàn cầu suy giảm trong thập niên 2010, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16%/năm, thuộc loại nhanh nhất thế giới và cao gấp ba lần mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi.
Việt Nam đang sử dụng nguồn tài nguyên để tăng xuất khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nhập khẩu. Chính phủ Việt Nam đầu tư khoảng 8% GDP mỗi năm cho các dự án xây dựng, và giờ chất lượng hạ tầng của Việt Nam được đánh giá là cao hơn các nền kinh tế có trình độ phát triển tương đương.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng mạnh. Trong 5 năm qua, FDI đạt mức trung bình hơn 6% GDP, mức cao nhất trong số các quốc gia mới nổi. Một phần lớn đầu tư đến từ các quốc gia châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. "Các phép màu cũ" đang hỗ trợ "phép màu mới".
Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất hàng xuất khẩu khi dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng bốn lần kể từ cuối thập niên 1980 lên gần 3.000 USD/người, nhưng chi phí lao động vẫn chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao gấp ba lần mức trung bình tại các thị trường mới nổi. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Lực lượng lao động có tay nghề giúp Việt Nam phát triển nhanh hơn các nền kinh tế khác, để có thể sản xuất được hàng hóa trình độ cao. Hàng công nghệ vượt may mặc để trở thành hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam từ năm 2015, và chiếm phần lớn thặng dư thương mại năm nay", New York Times cho biết.
Trong thời điểm nhiều quốc gia bảo hộ thương mại, Việt Nam vẫn thúc đẩy thành công thương mại đa phương và đã hơn 10 thỏa thuận thương mại tự do, bao gồm hiệp định với Liên minh châu Âu (EU).
Việt Nam sẽ tiếp tục thành công? Theo chiến lược gia Ruchir Sharma, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều đó. Dù tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đã chậm lại, phần lớn vẫn sống ở khu vực nông thôn, do đó nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ việc lao động dịch chuyển từ nông thôn tới thành thị. Trong 5 năm qua, không quốc gia lớn nào tăng thị phần xuất khẩu toàn cầu nhanh như Việt Nam.
Việt Nam duy trì được tăng trưởng cao mà không vướng vào những vấn đề như thâm hụt ngân sách lớn hay nợ công cao. New York Times cho rằng bất chấp một số thử thách, Việt Nam đang trở thành một phép màu mới, có thể trở nên thịnh vượng nhờ xuất khẩu.