Một số ngành công nghiệp truyền thống của TP.HCM đã phát triển chậm lại. Chuyên gia cho rằng động lực tăng trưởng trong thời gian tới sẽ là kinh tế số và dịch vụ tiên tiến.
Năm 2019, Vissan công bố dự án di dời dây chuyền sản xuất trị giá 1.300 tỷ từ TP.HCM tới Long An khiến nhiều người bất ngờ. Vốn được coi là niềm tự hào của TP.HCM trong hàng chục năm, đóng góp nhiều việc làm, hàng triệu USD vào ngân sách, doanh nghiệp này không còn mặn mà với việc duy trì sản xuất ở TP.HCM, bởi chi phí nhân công và sản xuất ngày càng tăng cao.
Không chỉ riêng Vissan, hàng trăm doanh nghiệp sản xuất cũng đang âm thầm chuyển dây chuyền khỏi TP.HCM những năm qua, đến các tỉnh khác có lợi thế cạnh tranh cao hơn ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM đang tăng chậm lại, thậm chí có giai đoạn suy giảm.
Theo một số nhà phân tích, những ngành công nghiệp truyền thống vốn đã đóng góp lớn cho tăng trưởng của TP.HCM từ khi đổi mới đến nay như cơ khí, điện tử, thực phẩm, đồ uống… sẽ không thể là động lực quan trọng phát triển cho thành phố trong giai đoạn tới. TP.HCM cần một “cỗ máy” mới để kéo đà tăng trưởng, đó là các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, dịch vụ tiên tiến…
Việc định hướng xây dựng thành phố sáng tạo phía Đông, trung tâm tài chính… đang là một trong những bước đi hiện thực hóa định hướng đó, giúp tạo ra những động lực tăng trưởng mới. Động lực tăng trưởng của TP.HCM, đầu tàu của cả nước sẽ phải thay đổi.
Năm 2010, sau 25 năm đổi mới, TP.HCM được nhiều người ví von là “thủ phủ công nghiệp” của cả nước. Trong suốt giai đoạn 2001 - 2010, công nghiệp thành phố tăng trưởng trên 2 con số, đều khắp các ngành. Khoảng thời gian này, giá trị sản xuất công nghiệp luôn chiếm 30% cả nước cộng lại.
Tuy nhiên, sau năm 2010, công nghiệp TP.HCM vẫn chiếm tỷ trọng cao nhưng đà tăng trưởng bắt đầu “đuối dần”. Nhiều địa phương có sự bứt phá, phả hơi nóng vào người dẫn đầu. Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai… được coi là những “ngôi sao mới”, có địa phương tăng trưởng công nghiệp gần 100%/năm.
Trong năm 2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhiều lần tỏ ra sốt ruột khi chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố liên tục chững lại, thậm chí là suy giảm. Đặc biệt, nhóm 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; hóa chất - cao su - nhựa; sản xuất hàng điện tử; cơ khí vốn là thế mạnh của TP.HCM thì tăng trưởng đạt dưới kỳ vọng.
Đỉnh điểm là cuộc họp tổ chức ngày 31/8/2019, khi đó ông Nguyễn Thành Phong nhắc lại “cảnh báo” của mình trước các cơ quan hữu quan về sự suy giảm này từ nhiều tháng trước. Tuy vậy, khi đó, TP.HCM vẫn chưa chặn được đà suy giảm.
Tính đến hết 8 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 7,1%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 là 7,51%. Tăng trưởng của nhóm 4 ngành công nghiệp trọng yếu chỉ đạt 6,4%. Trong đó ngành hoá chất - cao su - nhựa giảm 0,7%; còn ngành chế biến lương thực thực phẩm tăng 0,4%. Kết thúc năm 2019, toàn ngành chỉ tăng được 7,9%, giảm so với mức 8,17% của năm 2018.
Nếu như giai đoạn 2000 - 2005, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của TP.HCM bình quân 15%/năm, đến giai đoạn 2006 - 2010 giảm xuống 12,6%/năm, thì đến giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn 6,92%. Theo báo cáo chính trị dự kiến trình đại hội Đảng bộ TP.HCM, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng bình quân 7,86%/năm. Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp TP.HCM giảm xuống còn 16% cả nước.
Theo lý giải của Sở Công Thương TP.HCM, sở dĩ công nghiệp của thành phố suy giảm do khó khăn về thị trường. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung năm 2019 khiến cho thị trường xuất khẩu của các sản phẩm trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, các sản phẩm ngoại nhập cùng ngành hàng ngày càng rẻ khiến sản phẩm trong nước khó cạnh tranh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng TP.HCM đang không còn nhiều dư địa để phát triển các ngành công nghiệp truyền thống nữa. Đang có một làn sóng dịch chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất ra khỏi TP.HCM, tìm đến các địa phương có chi phí sản xuất rẻ hơn.
Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương TP.HCM), cho biết giá đất ở TP.HCM tăng cao, trong khi quỹ đất hạn hẹp, chi phí nhân công ngày càng lớn, nên những công đoạn sản xuất nào không mang lại giá trị gia tăng lớn bắt buộc phải dịch chuyển khỏi thành phố.
Vị này cũng cho biết thực tế, TP.HCM gặp khó khăn trong việc cung cấp quỹ đất 30-40 ha cho một doanh nghiệp lớn, trong khi các khu đất 5-10 ha phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ hơn lại được bán với giá cao.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng các ngành công nghiệp truyền thống sẽ ngày càng khó khăn hơn để duy trì sản xuất tại TP.HCM. Hiện tại, một nhà máy đầu tư ở Bình Dương hay Long An có giá thành vận hành, chi phí nhân công thấp hơn rất nhiều tại TP.HCM. Do đó, trong giai đoạn tới, thành phố không thể kỳ vọng các ngành công nghiệp truyền thống đóng góp nhiều cho tăng trưởng nữa.
“Đã đến lúc thành phố phải tìm động lực tăng trưởng mới, đó là các ngành công nghiệp mới, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, kỳ vọng vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông nhận định.
Trái ngược với sự ảm đạm của các ngành công nghiệp truyền thống, trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao TP.HCM đã tăng trưởng “thần kỳ”. Theo đó, giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 70 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (13,78 tỷ USD).
Nhiều sản phẩm của các công ty Việt Nam đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình như sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của Công ty TNHH Lập Phúc đã cung cấp cho Colgate; Công ty TNHH sản xuất Hiệp Phước Thành và Công ty Cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung…
Đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp Khu Công nghệ cao cũng tăng lên đáng kể. Giai đoạn năm 2011 - 2015 đóng góp 123,36 triệu USD, thì tới giai đoạn 2016 - 2019 đạt 819,47 triệu USD, tức tăng 6,6 lần. Theo dự kiến của UBND TP.HCM, từ năm 2020, số thu ngân sách sẽ tăng cao do một số doanh nghiệp hết thời gian ưu đãi.
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, cho rằng đây chính là giai đoạn TP.HCM phải đẩy nhanh việc thay đổi mô hình tăng trưởng, dựa nhiều vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các dịch vụ tiên tiến. Điều này cũng giúp bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra khắp toàn cầu.
Theo ông, bước đầu tiên, TP.HCM đã xác định mục tiêu của thời gian tới là đi đầu trong đổi mới sáng tạo trên cả nước. Kinh tế số dự kiến chiếm 25% GDRP năm 2025, chiếm 40% vào năm 2030.
“Thành phố sẽ phát triển sản xuất trên nền tảng khoa học, công nghệ, chứ không phải phát triển trên nền tảng thâm dụng lao động nữa”, ông nói.
Để thực hiện mục tiêu này, TP.HCM đã có một số bước đi cụ thể. Một trong số đó là việc thành lập thành phố Thủ Đức ở phía đông và xây dựng trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm. Hai “bước đi này” được kỳ vọng sẽ là “cỗ máy tăng trưởng mới” cho kinh tế TP.HCM trong thời gian tới.
Trong một cuộc hội thảo về xây dựng thành phố Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trung tâm động lực kinh tế cho 10 năm tới của thành phố chính là thành phố phía đông. Ông nhấn mạnh đây sẽ là trung tâm lớn nhất về công nghệ cao, về đào tạo nhân lực trình độ đại học với 15 trường đại học, 100.000 sinh viên.
Dự báo, khu đô thị này sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của thành phố, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại, bằng khoảng gần 1/10 GDP cả nước. Vì vậy, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây sẽ là “quả đấm kinh tế”.
Trong khi đó, một “cỗ máy tăng trưởng” khác được xác định là trung tâm tài chính, dự kiến xây dựng ở Thủ Thiêm. Trung tâm này không chỉ đóng góp vào GRDP mà còn giúp huy động nguồn lực cho TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ mà còn cả nước.
Theo tính toán, ngành tài chính TP.HCM tăng trưởng bình quân khoảng 8,8%/năm, chiếm tỷ trọng 10% trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP. Không những vậy, hàng năm còn giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu trở thành trung tâm tài chính, số đóng góp cho GRDP của TP.HCM có thể sẽ cao hơn hiện tại rất nhiều. Nhất là khi TP.HCM đang chiếm 28% dư nợ toàn nền kinh tế, 95% vốn hóa thị trường chứng khoán, 50% số doanh nghiệp cả nước…
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn từng có nhiều năm làm việc tại Mỹ, Pháp, Trung Quốc... và là một trong những thành viên tham gia quy hoạch khu Phố Đông của Thượng Hải. Ông kể rằng khi đó Trung Quốc nói chung và Thượng Hải nói riêng cũng đang tìm kiếm một động lực tăng trưởng mới, tìm kiếm một khu vực có thể tạo ra sức bật cho nền kinh tế.
Điều ông ấn tượng nhất với bài học của Thượng Hải chính là việc tạo ra một chính quyền đô thị hoàn toàn mới, đặc biệt, vừa đủ thẩm quyền để quyết định, vừa không cồng kềnh trong vận hành.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cơ chế và chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên những khu vực đặc biệt như thành phố Thủ Đức, nơi được kỳ vọng sẽ trở thành “cỗ máy mới” cho đầu tàu kinh tế TP.HCM.
Đồng quan điểm, trong một buổi phản biện về đề án thành lập thành phố Thủ Đức, thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng thành phố phía đông sẽ mặc một “cái áo rất chật” nếu cấp hành chính chỉ tương đương cấp huyện. Ông đề nghị cần trao quyền mạnh hơn, đặc thù hơn cho khu vực này.
Ngoài vấn đề thẩm quyền, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn còn cho rằng cần có những cơ chế thông thoáng để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, tạo điều kiện xây dựng thành phố hiện đại, đồng bộ. Cũng cần có cơ chế ưu đãi trong việc phát triển đô thị, thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh, cư trú…
Ông cũng nêu thực trạng khu công nghệ cao hiện tại chủ yếu là gia công, trong khi để phát triển bền vững rất cần sản phẩm sáng tạo mới, mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vị kiến trúc sư lấy ví dụ mô hình của khu Silicon Valley (Mỹ) bao gồm chuỗi cơ sở nghiên cứu trong các trường đại học, sau đó được đưa ra sản xuất trong khu công nghệ cao.
Khi sản phẩm đã hình thành sẽ có chuỗi logistics vận chuyển phân phối hàng hóa đi khắp thế giới. Do đó, ông nhấn mạnh phải ra một chuỗi liên kết hoàn chỉnh, khuyến khích sự nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới và sản xuất ngay tại chỗ. Để có được điều này thì các khâu phải có sự liên kết với nhau. Điều đó lại cần “bàn tay” của Nhà nước trong việc hỗ trợ, kết nối.
“Hiệu quả kinh tế của việc sản xuất các thiết bị công nghệ số có thể bằng cả nghìn tấn gạo. Do đó, chúng ta phải khuyến khích tạo ra sản phẩm mới ngay tại đây”, ông nói.
Trong khi đó, góp ý về việc thành lập trung tâm tài chính, TS Đinh Thế Hiển cho rằng trước mắt cần phải tận dụng những lợi thế mà TP.HCM đang có là thị trường chứng khoán, thị trường tài chính sôi động. Theo đó, cần xây dựng một thị trường chứng khoán mạnh, nơi có các doanh nghiệp niêm yết mạnh, thị trường minh bạch.
Song song với đó là có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các công ty tài chính hàng đầu làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam, có cơ chế mở đường cho các ứng dụng công nghệ tài chính mới, khi đó sẽ tạo ra sự đột phá thực sự.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng theo dòng chảy phát triển, chắc chắn sẽ có doanh nghiệp ngày càng khó khăn khi làm ăn ở TP.HCM, nhưng cũng có những doanh nghiệp mới hình thành, những ngành nghề mới. Ông nhắc lại định hướng của TP.HCM là dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và kinh tế số của cả nước.
Khi đó, TP.HCM sẽ đạt được 2 mục đích cùng lúc, nghĩa là vừa tạo ra được động lực tăng trưởng nhanh hơn, vừa giảm được các ngành nghề thâm dụng lao động. Đó cũng là cách giải được bài toán giảm tải y tế, giáo dục, giao thông, chỗ ở…