Mỗi khi Tổng thống Donald Trump sử dụng iPhone để tán gẫu hay phàn nàn về công việc với bạn bè, dường như ông không để tâm nguy cơ gián điệp Trung Quốc đang nghe trộm điện thoại. Các quan chức Mỹ giấu tên nói với New York Times rằng từ đó gián điệp có thể thu được thông tin vô giá để đối phó với tổng thống Mỹ và điều chỉnh chính sách.
Dù nhiều lần bị buộc phải sử dụng điện thoại cố định bảo mật của Nhà Trắng, vị tổng thống hay nói này vẫn không từ bỏ chiếc iPhone. Quan chức Nhà Trắng giờ đây chỉ biết hy vọng rằng ông Trump sẽ không mang thông tin mật ra bàn luận trong các cuộc gọi.
Những chiếc điện thoại “tuyệt vời”
Trước ông Trump, người tiền nhiệm Barack Obama rất cẩn trọng với các cuộc gọi. Trong nhiệm kỳ thứ 2, ông từng sử dụng một chiếc iPhone không có chức năng gọi đi và chỉ có thể nhận email từ nhóm nhân viên thân cận. Nó cũng không có camera hay micro, và không thể tải về các ứng dụng di động theo ý muốn.
Tuân thủ yêu cầu của Đạo luật bảo vệ hồ sơ tổng thống (PRA), ông Obama bị cấm nhắn tin vì không có cách nào để thu thập và lưu trữ tin nhắn. Các quan chức cho biết khi ông Obama cần gọi điện, ông thường sử dụng điện thoại của các trợ lý.
Tháng 6/2016, trên chương trình Tonight Show của Jimmy Fallon, ông Obama nói: "Đó là một chiếc điện thoại tuyệt vời, đầy tính nghệ thuật, nhưng nó không chụp ảnh được, và cũng không thể nhắn tin hay nghe nhạc. Vì vậy cơ bản mà nói, nó giống như chiếc điện thoại đồ chơi của em bé 3 tuổi vậy".
Ông Obama không sử dụng điện thoại đi dộng trong thời gian tại nhiệm. Ảnh: Getty. |
Khác với ông Obama, Tổng thống Trump nhất quyết muốn sử dụng thiết bị điện tử. Ông từng đồng ý bỏ chiếc điện thoại Android (vì hệ điều hành của Google được cho là kém bảo mật hơn của Apple). Từ khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump miễn cưỡng chấp thuận thủ tục rườm rà để sử dụng hai chiếc điện thoại: một chiếc cho Twitter cùng các ứng dụng khác và một chiếc để gọi điện.
Quan chức Mỹ nói rằng chiếc điện thoại có tài khoản Twitter chỉ kết nối được với mạng wifi, và ông Trump cũng hiếm khi truy cập vào mạng không dây không an toàn. Cả hai chiếc iPhone chính thức đều được Cơ quan An ninh quốc gia hạn chế chức năng và lỗ hổng thông tin
Ngoài ra, ông Trump còn có một chiếc iPhone cá nhân khác giống hàng trăm triệu chiếc được sử dụng trên toàn thế giới. Tổng thống Mỹ thích điện thoại cá nhân hơn vì có thể lưu trữ thông tin liên lạc trong danh bạ. Hai chiếc iPhone chính thức không có chức năng này.
Về nguyên tắc, cứ 30 ngày một lần, ông Trump phải đổi hai chiếc điện thoại chính thức sang hai chiếc mới được cài đặt giống như cũ, nhưng không bao gồm dữ liệu sao lưu. Tuy nhiên, ông hiếm khi thực hiện quy định vì cho rằng quá phiền phức.
Vị tổng thống bất cẩn
Theo New York Times, vài quan chức Mỹ giấu tên cho biết họ cố gắng để bảo vệ ông Trump, nhưng cảm thấy thất vọng với cái mà họ gọi là cách tiếp cận tùy tiện của tổng thống với an ninh điện tử.
Nguyên do là không có điện thoại nào tuyệt đối an toàn trước sự xâm nhập từ xa của tin tặc. Cuộc gọi từ mọi thiết bị iPhone, Android hay Samsung đều có thể bị nghe lén khi sóng di động đi qua tháp phát sóng, dây cáp và công tắc của hệ thống mạng di động trong nước và quốc tế.
Thói quen sử dụng điện thoại di động cá nhân của Tổng thống Trump đang đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: AP. |
Nghe lén điện thoại là kỹ thuật tương đối dễ thực hiện đối với các điệp viên. Cơ quan tình báo Mỹ coi đây là công cụ gián điệp thiết yếu để khai thác thông tin từ các nhà lãnh đạo quan trọng trên thế giới. Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward J. Snowden tiết lộ thông tin mật cho thấy Washington khai thác cuộc gọi từ điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Các quốc gia nhận thức một cách rõ ràng về mức độ nguy hiểm, vì vậy những nhà lãnh đạo như ông Tập Cận Bình và ông Vladimir V. Putin đều hạn chế tối đa sử dụng điện thoại di động. Không chỉ quan trọng đối với an ninh quốc gia, vấn đề bảo mật thông tin liên lạc còn cực kỳ nhạy cảm với cá nhân ông Trump.
Năm 2016 khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông thường xuyên tấn công đối thủ đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, về việc bà sử dụng tài khoản email không an toàn khi còn là ngoại trưởng Mỹ.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump vẫn nổi tiếng vì những hành động bất cẩn. Tháng 5/2017 trong cuộc họp tại phòng Bầu dục với các quan chức Nga, ông Trump làm lộ thông tin tình báo nhạy cảm do Israel cung cấp. Ông cũng nói với phái đoàn Nga rằng James B. Comey, cựu giám đốc F.B.I., là "một ca thực sự khó" và việc sa thải ông Comey giúp giải tỏa "áp lực lớn".
Cùng năm, theo nguồn tin từ hai người chứng kiến, Tổng thống Trump đã bỏ quên điện thoại di động trong xe golf tại câu lạc bộ của ông ở Bedminster, New Jersey, Mỹ, khiến nhân viên phải náo loạn đi tìm.
Các quan chức nói rằng để trợ lý cấp cao không truy cập được thông tin cuộc gọi, tổng thống Mỹ thường sử dụng điện thoại di động thay vì điện thoại bàn tại Nhà Trắng. Những người mà ông Trump hay gọi điện, như người dẫn chương trình của kênh Fox News, đã công khai chia sẻ quan điểm chính trị của tổng thống, hay đơn giản là lời than phiền của ông về bất cứ chủ đề nào.
Sự bất cẩn của ông chủ Nhà Trắng từng khiến nhân viên náo loạn. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết về công nghệ của ông Trump cũng giảm bớt vài vấn đề an ninh khác. Tổng thống Mỹ không sử dụng email, vì vậy hầu như không có nguy cơ bị tấn công như vụ việc tình báo Nga truy cập vào email của đảng Dân chủ.
Quan chức Mỹ cho biết trước khi vào Nhà Trắng, ông Trump tự cho rằng điện thoại của mình bị nghe lén. Do đó họ có thể bớt lo ngại về khả năng tổng thống Mỹ tiết lộ thông tin mật qua các cuộc gọi di động. Thậm chí các quan chức còn khá tự tin ông Trump sẽ không làm lộ thiên cơ vì ông hiếm khi nói kỹ về thông tin tình báo, cũng như không nắm được chi tiết về việc triển khai quân sự hay các hoạt động bí mật.
Mới đây, trong một bài phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, ông Trump châm biếm rằng điện thoại của mình không an toàn. Khi được hỏi liệu các quan chức Mỹ đã học được gì từ vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết tại Lãnh sự quán Saudi ở Istanbul, ông trả lời: "Thực sự là tôi bảo họ đừng nói về vấn đề này trên điện thoại, tôi không muốn thế".
Chiến lược của đối thủ
Theo báo cáo của tình báo Mỹ, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã cố gắng gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo Mỹ bằng cách nuôi dưỡng mạng lưới doanh nhân và học giả nổi tiếng, những người có thể mang ý tưởng và thông tin chính sách tới Nhà Trắng. Giờ đây, Trung Quốc có thể đang áp dụng phiên bản thế kỷ 21 của chiến lược này bằng việc sử dụng công nghệ tiên tiến.
John Sipher, cựu binh có 28 năm kinh nghiệm của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, từng làm nhiệm vụ tại Moscow những năm 1990, nói với New York Times rằng các nước có thể "tìm kiếm từng chi tiết nhỏ nhất - như việc ông Trump hay nói về điều gì hay các lập luận nào thường được sử dụng".
Theo cáo buộc của Mỹ, Trung Quốc được cho là sử dụng thông tin từ các cuộc gọi - như cách tư duy của ông Trump, những lập luận nào có xu hướng ảnh hưởng tới ông và các nhân vật mà ông có muốn lắng nghe - để tránh làm leo thang cuộc chiến thương mại.
Báo cáo cũng nói rằng bằng việc kết hợp giữa vận động hành lang và gián điệp, người Trung Quốc ghép nối được danh sách các nhân vật mà ông Trump thường xuyên trao đổi.
Trong danh sách có Stephen A. Schwarzman, giám đốc điều hành của Blackstone Group, tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, và Steve Wynn, cựu trùm sòng bạc Las Vegas từng sở hữu một cơ sở ở Macau.
Các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc nghe lén điện thoại của ông Trump để khai thác thông tin mật. Ảnh: Reuters. |
Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đang trông cậy vào các doanh nhân thân thiết với Bắc Kinh để gây tác động lên những nhân vật thân cận với tổng thống Mỹ. Chiến lược là những doanh nhân này sẽ truyền đi tin tức và quan điểm mà Bắc Kinh giao phó đến tai ông Trump.
Theo New York Times, L. Lin Wood, luật sư của ông Wynn, cho biết ông đã nghỉ hưu và không đưa ra bình luận. Một phát ngôn viên của Blackstone, Christine Anderson, từ chối nói về nỗ lực của Trung Quốc để gây ảnh hưởng đến ông Schwarzman, nhưng người này nói rằng giám đốc Blackstone "rất vui khi được làm trung gian cho một số vấn đề quan trọng giữa hai nước theo yêu cầu của cả hai nguyên thủ quốc gia”.
Những người bạn của Tổng thống Trump, như ông Schwarzman, giữ quan điểm ủng hộ thương mại và ủng hộ Trung Quốc. Ông Schwarzman cũng từng là nhân vật nổi bật trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của tổng thống Mỹ tại Florida.
Các quan chức Mỹ cho rằng việc nhắm tới bạn bè của ông Schwarzman và ông Wynn, những người dễ tiếp cận hơn, có thể giúp Trung Quốc củng cố quan điểm của hai doanh nhân thân cận với ông Trump.
Theo lập luận của các quan chức này, Trung Quốc nhận thức được rằng ông Trump rất coi trọng các mối quan hệ cá nhân, và những cuộc gặp mặt một-một có thể tạo ra nhiều đột phá hơn so với việc liên lạc qua lại giữa quan chức chính phủ hai nước.
Tuy nhiên, những người bạn này có thể ngăn cản ông Trump theo đuổi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay không lại là một câu hỏi khác. Còn từ phía Bắc Kinh, người phát ngôn vẫn phủ nhận cáo buộc và mỉa mai: "Nếu lo ngại điện thoại Apple bị nghe lén, các vị có thể chuyển sang dùng điện thoại Huawei" (hãng điện thoại Trung Quốc).
Ngày 25/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tiếp tục nói rằng cáo buộc điệp viên Trung Quốc nghe lén điện thoại của Tổng thống Trump là "tin giả", và "người Mỹ sẽ không thể giành giải Oscar" với màn kịch của mình.