Bà TTG, người nuôi heo ở quận 2 (TP HCM), cho biết, không ít thương lái tìm đến nhà bà để giới thiệu thuốc tăng trọng heo. Những người này còn gợi ý nên cho heo sử dụng thuốc tăng trọng trước khi xuất chuồng khoảng một tháng, để heo nặng ký, nhiều nạc, ít mỡ.
Ông NVH, một người nuôi heo khác ở huyện Hóc Môn (TP HCM), cũng cho biết, nếu cho heo sử dụng thuốc tăng trọng do thương lái mang tới thì khi heo xuất chuồng họ sẽ mua với giá cao, còn không thì… họ không mua.
22% mẫu “dính” chất cấm
Trước thực trạng tồn dư chất cấm trong thịt heo mà dư luận lên tiếng nhiều thời gian qua, tháng 8/2015, Chi cục Thú y TP HCM quyết định tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Việc kiểm tra tập trung vào việc sử dụng các chất cấm thuộc nhóm β-agonist (salbutamol, clenbuterol và ractopamine).
Tại những cơ sở giết mổ, cơ quan thú y lấy mẫu nước tiểu heo trong thời gian từ 17h đến 21h 30 để xét nghiệm. Do vào 1h sáng hôm sau heo phải đưa vào lò giết mổ nên kết quả xét nghiệm bắt buộc phải có trước giờ này. Lô heo nào vi phạm thì tạm giữ, lô heo không vi phạm thì cho giết mổ.
“Mặc dù kiểm tra đột xuất nhưng cơ quan thú y cũng gặp phải sự đối phó của không ít thương lái. Khi thấy đoàn kiểm tra tới, cơ sở giết mổ, thương lái thông báo cho nhau để chở heo đến lò giết mổ khác, hoặc ngưng đưa heo về cơ sở giết mổ dù đã được ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch động vật”, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM, cho biết.
Điều khiến mọi người lo lắng là kết quả cho thấy số mẫu xét nghiệm chứa tồn dư chất cấm trong đợt kiểm tra rất cao: 64/294 mẫu “dính” chất cấm, chiếm tỉ lệ gần 22%.
Ông Nguyên cũng cho biết, trong lần kiểm tra tồn dư chất cấm tháng 6/2015 vừa rồi, số mẫu phát hiện dương tính với chất cấm là 31/222 mẫu, tỉ lệ gần 14%. “Như vậy tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo ngày càng tăng chứ không hề suy giảm”, ông Nguyên nhận định.
Chi cục Thú y TP HCM lấy mẫu nước tiểu heo để xét nghiệm tồn dư chất cấm. Ảnh: CTV |
Phạt một lần vẫn không tởn
Theo quy định, hàm lượng chất tăng trọng trong heo từ 2 ppb trở lên được xem là dương tính, có thể gây hại cho sức khỏe người ăn phải. Thế nhưng vì lợi nhuận, không ít người chăn nuôi “vỗ béo” heo với quá nhiều thuốc tăng trọng, khiến hàm lượng tồn dư trong heo cao ngất.
Kết quả trong đợt kiểm tra đột xuất tháng 8/2015 vừa rồi cũng cho thấy, hàm lượng tồn dư chất cấm trên heo đưa vào các cơ sở trên địa bàn TP HCM để giết mổ dao động từ 4,40 ppb đến 664,91 ppb. “Điều này chứng tỏ heo bị ép cho ăn chất cấm rất nhiều. Tồn dư chất cấm trong heo càng cao thì người tiêu dùng càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”, ông Nguyên nhận xét.
Sau đợt kiểm tra, Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM đã xử phạt 15 thương lái vì hành vi đưa heo còn tồn dư chất cấm vào cơ sở giết mổ. “Trong 15 thương lái này có tới bốn người đã bị phạt một lần nhưng vẫn không sợ, cố tình tiếp tục vi phạm. Cụ thể là Triệu Ngọc Tâm, Phạm Thị Diễm Thúy, Trần Vĩnh Long và Vũ Nguyễn Trung Tín. Do vi phạm lần hai, mỗi thương lái này bị phạt 15 triệu đồng”, ông Nguyên cho biết.
Để có cơ sở xử phạt, tránh bị thương lái phản ứng, mỗi con heo phải được lấy ba mẫu nước tiểu và thương lái giữ một mẫu. Chi cục Thú y TP HCM sẽ xét nghiệm mẫu thứ nhất. Nếu phát hiện mẫu này còn tồn dư chất cấm, Chi cục Thú y TP HCM sẽ gửi mẫu lưu đến cơ quan kiểm định đã được Bộ NN&PTNT công nhận để xét nghiệm. Mẫu này là cơ sở pháp lý để xử phạt.
“Nếu kết quả xét nghiệm mẫu lưu dương tính chất cấm thì chủ lô heo phải thanh toán hai khoản tiền xét nghiệm nói trên (khoảng 2,2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng). Tuy nhiên, nếu không phát hiện dương tính chất cấm thì Chi cục Thú y TP HCM phải chịu chi phí xét nghiệm”, ông Nguyên cho biết.
6 tỉnh có heo “dính” chất cấm
Đợt kiểm tra đột xuất tháng 8/2015, Chi cục Thú y TP HCM kiểm tra 12 cơ sở giết mổ trên địa bàn các quận 7, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè.
Kết quả có 16/69 lô heo (hơn 23%) và 64/294 mẫu nước tiểu heo (gần 22%) “dính” chất cấm.
Số địa phương bị phát hiện đưa heo có chứa chất cấm vào TP HCM giết mổ lên tới 6 tỉnh gồm: Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long và Bến Tre.
Đồng Nai là địa phương có heo “dính” chất cấm cao nhất với 28/294 mẫu (9,5%). Kế đến là Tiền Giang 13/294 mẫu (hơn 4%), Long An 9/294 mẫu (trên 3%), Bến Tre 6/294 mẫu (hơn 2%), Bà Rịa-Vũng Tàu 5/294 mẫu (gần 2%) và Vĩnh Long 3/294 mẫu (trên 1%). Điều này chứng tỏ việc sử dụng chất cấm tại các trại và hộ chăn nuôi heo ở nhiều tỉnh chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Ông KHƯƠNG TRẦN PHÚC NGUYÊN,
Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM
Chi cục Thú y TP HCM chuyển giao hồ sơ những thương lái có heo phát hiện chứa tồn dư chất cấm sang cơ quan điều tra, để nơi đây truy tìm nguồn gốc phân phối chất cấm trong chăn nuôi.
Ông PHAN XUÂN THẢO, Chi cục trưởng
Chi cục Thú y TP HCM