Theo kết quả từ Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chức năng đã tiến hành một cuộc thanh tra đột xuất, xác minh và xử lý chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, TP HCM. Theo đó, phát hiện Công ty Khoa Nguyên (TP HCM) sản xuất, cung cấp 15 loại thuốc thú y không có trong danh mục cho phép. Đơn vị này bị xử phạt hành chính 442 triệu đồng và tạm ngừng hoạt động trong 1 tháng.
Chất tạo nạc liên tục bị phát hiện trong heo thời gian gần đây. Ảnh minh hoạ. |
Theo báo cáo của Chi cục Thú y TP HCM, 6 tháng đầu năm 2015, cơ quan này phát hiện 31/227 mẫu heo giết mổ dương tính với hàm lượng cao 80-1.300 ppb TH (chất tạo nạc). 7 thương lái vi phạm đã bị xử lý. Ông Hoàng Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, sau khi kiểm tra 2.000 trang trại, phát hiện 14 đơn vị có heo dương tính với Sbutamol. Hiện các đơn vị trên đã bị xử lý theo quy định.
Theo ông Đạo, một số cá nhân, thương lái đã thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi thu mua heo đã xuất chuồng để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian 10-30 ngày sẽ tăng trọng 20-30 kg. Trung bình một con heo xuất chồng nặng 130-140 kg, trừ chi phí, mỗi con sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Đáng chú ý, hiện nay, một số loại thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung Premix có chứa chất cấm cũng được đưa xuống bán trực tiếp cho các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến tình trạng heo không an toàn thực phẩm phổ biến hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, chất tạo nạc gia tăng trong chăn nuôi do áp lực giá heo tăng cao. Bên cạnh đó, thương lái muốn ép người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng chất cấm để tăng tỷ lệ nạc, hấp dẫn người tiêu dùng, thu lợi cao.
"Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất rất đáng báo động. Cơ quan chức năng cần lên án và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm, tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân", ông Dương cho hay.