Các loại thực phẩm chức năng (TPCN) đang tràn ngập thị trường với hàng chục ngàn sản phẩm, mẫu mã khác nhau. Điều đáng lo ngại là rất nhiều TPCN được quảng cáo quá mức với công dụng như thần dược khiến người tiêu dùng bị cuốn theo và chịu cảnh “tiền mất tật mang”.
Thổi phồng tác dụng
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, cho biết, không chỉ quảng cáo kiểu “bịp bợm”, thổi phồng tác dụng mà nhiều sản phẩm TPCN còn được “phù phép” thành thuốc chữa bách bệnh, thậm chí chữa được các bệnh nan y mà y học xưa nay bó tay như ung thư. “Tất cả quảng cáo TPCN chữa khỏi bệnh đều sai. Việc quảng cáo thổi phồng tác dụng là rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng”, ông Phong cảnh báo.
Cũng theo ông Phong, việc công bố, đăng ký sản xuất, kinh doanh TPCN hiện nay quá dễ. Bên cạnh những cơ sở sản xuất TPCN được đầu tư hàng trăm tỉ đồng thì cũng có nơi số vốn mở xưởng chỉ vài trăm triệu đồng. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) chỉ thuê quầy hàng khoảng 10 m2 rồi đăng ký kinh doanh TPCN. Sau đó, DN này thuê gia công sản phẩm tại một cơ sở sản xuất khác. Khi sản phẩm phân phối ra thị trường có vấn đề, cơ quan quản lý đi tìm DN nhưng họ đã chuyển sang địa điểm khác.
PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, khẳng định TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Người tiêu dùng trước khi sử dụng cần được tư vấn bởi các nhà chuyên môn, thầy thuốc, bác sĩ. Bởi lẽ, TPCN luôn có tác dụng phụ, khoảng 1% người dùng đã gặp phản ứng do cơ địa.
Ma trận thật - giả
Mới đây, lực lượng chức năng Hà Nội đã thu giữ 20 tấn TPCN giả dưới mác sữa ong chúa, nhau thai cừu, omega-3 và collagen tại một công ty ở Hà Nội. Cơ sở này hoạt động từ tháng 10/2004 và đã tung ra thị trường lượng lớn sản phẩm TPCN giả. Theo nhận định của cơ quan QLTT, trong 5 năm trở lại đây, sản phẩm TPCN giả, kém chất lượng xuất hiện ngày một nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng.
Cơ quan chức năng tại Hà Nội kiểm tra và thu giữ nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. |
Ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389/QG), nhận định chưa bao giờ những vụ bắt giữ TPCN xảy ra liên tiếp như hiện nay. Đây là 1 trong 3 mặt hàng ảnh hưởng tới sức khỏe con người (cùng thuốc và mỹ phẩm) mà Ban Chỉ đạo 389/QG đang tích cực kiểm tra trong năm 2015.
“Không ít người vẫn coi TPCN là thuốc. Do giá trị bị đẩy lên cao, lợi nhuận lớn, nhiều DN bất chấp pháp luật để làm giả, làm nhái, buôn lậu TPCN. Qua kiểm tra, phần lớn sản phẩm như dầu gội đầu, sữa tắm, nhau thai cừu, thuốc bổ, thuốc tăng cường sinh lý đàn ông, thuốc giảm béo… được nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Những sản phẩm này được thay bao bì, nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ, biến thành hàng Úc, Mỹ, Hàn Quốc… để đánh lừa người tiêu dùng. Sự gian dối trắng trợn của một bộ phận DN kinh doanh TPCN đang khiến người tiêu dùng lo lắng vì rơi vào ma trận thật - giả”, ông Hùng nói.
Gấp rút trám lỗ hổng
Theo PGS-TS Trần Đáng, hiện hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều nguy cơ, có cơ sở trước đây chỉ sản xuất thức ăn cho động vật, nay chuyển sang sản xuất TPCN cho người. “Điều kiện sản xuất được quy định một cách chung chung là sản xuất thực phẩm. Trong khi theo quy định quốc tế, điều kiện cơ sở sản xuất TPCN phải hội đủ các yếu tố: cơ sở, trang thiết bị, con người, quy định, phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm, nguyên liệu an toàn... Điều kiện để sản phẩm được lưu hành cũng chưa được quy định chặt chẽ. Lẽ ra trước khi sản phẩm lưu hành phải đánh giá chất lượng, tính an toàn của sản phẩm”, ông Đáng khẳng định.
Do đó, ông Trần Đáng cho rằng cần quy định cụ thể các điều kiện về nguồn nguyên liệu, cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người, quy trình công nghệ, cơ sở thí nghiệm… “Ở nước ta, ai cũng có thể sản xuất TPCN, công thức thành phần còn tùy tiện. Thậm chí còn đưa cả thành phần tân dược, chất cấm, chất độc hại vào TPCN.
Hiện các cơ sở sản xuất mới chỉ kiểm nghiệm được chỉ tiêu an toàn như vi khuẩn, kim loại nặng, nấm mốc. Trong khi đó, một sản phẩm TPCN tốt có quy định phải cảnh báo sức khỏe; có định nghĩa, tiêu chí, phương pháp kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng; cấm lưu hành các sản phẩm nhập lậu, xách tay; kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm, thích hợp”, ông Đáng phân tích.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, theo lộ trình, sau khi xin ý kiến các bộ, ban ngành, DN và địa phương, tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) TPCN sẽ được áp dụng vào năm 2018, khi đó chỉ 50% DN có đầu tư bài bản mới tồn tại được trên thị trường.
Theo ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chứng nhận GMP TPCN là những nguyên tắc quy định về điều kiện sản xuất, bao gồm từ việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, điều kiện cơ sở nhà xưởng, điều kiện trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện con người, quy trình thao tác thực hành cần tuân thủ cũng như việc duy trì, giám sát kiểm tra, khắc phục sai lỗi và lưu trữ hồ sơ. GMP được xem là “tấm hộ chiếu” để TPCN Việt Nam gia nhập thị trường ASEAN và vươn ra các thị trường quốc tế; đồng thời cũng là cơ sở để loại bỏ sản phẩm TPCN không đủ tiêu chuẩn trên thị trường.
Để làm được điều đó, vấn đề đặt ra lúc này là phải nhanh chóng hoàn thiện các hệ thống văn bản. Tuy nhiên, từ nay cho đến khi GMP chính thức được thông qua, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận thực trạng thị trường TPCN trong cảnh “vàng thau lẫn lộn”.
Sản phẩm “bịp” quá nhiều
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, cho biết qua giám định cho thấy cứ 10 mặt hàng TPCN được kiểm tra thì có tới 5 mặt hàng vi phạm, như chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố; sản phẩm không có chất chính; sử dụng hoạt chất không được phép; mua sản phẩm rồi mang về Việt Nam đóng gói, dán nhãn mác, tẩy xóa hạn sử dụng...
Hàng ngoại tấn công
Nắm được tâm lý người tiêu dùng “sính ngoại”, chạy theo phong trào sử dụng các sản phẩm làm đẹp như collagen, sữa ong chúa, nhau thai cừu… giúp “ngăn ngừa lão hóa”, nhiều mặt hàng TPCN ngoại đang ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, buôn bán TPCN online hiện đang nở rộ với các kênh quảng cáo sát sườn người tiêu dùng như mạng xã hội, website… được các DN, nhà phân phối tận dụng tối đa khiến thị trường TPCN gắn mác ngoại nhập ngày càng khó kiểm soát.
Đặc biệt, kênh quảng cáo qua Facebook người nổi tiếng có lượng fan theo dõi lên đến hàng trăm ngàn người đang là xu thế mới của các DN kinh doanh TPCN. Nắm bắt được phong trào “ăn theo” thần tượng nên các KOLs (người nổi tiếng trên mạng) hiện nay trở thành đại diện cùng lúc cho nhiều nhãn hàng TPCN. Vì vậy mà chất lượng các sản phẩm này càng bị thả nổi dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.
Một số trang mạng bán TPCN rất chịu chi cho quảng cáo và marketing. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngân sách cho quảng cáo của một DN có thể lên đến trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Hầu hết các đại lý bán hàng trên mạng này đều không có giấy phép quảng cáo cũng như các giấy tờ hợp pháp khác.