Mẹ đoảng dạy con là một cuốn “nhật ký hành trình” thú vị mà tác giả Nguyên-Kan đã tỉ mẩn ghi lại trong những năm tháng “lên chức mẹ” của hai cô công chúa nhỏ. Trải qua một chặng đường dài, chị đã nhận ra rằng: dạy con tự lập từ khi còn nhỏ không đồng nghĩa với việc bỏ bê con cái. Ngược lại, điều này sẽ là một hành trang tốt để con con vững bước trong tương lai.
Câu chuyện bắt đầu từ khi con gái đầu lòng của tác giả, cô bé Nhím, bốn tuổi lên đường sang Pháp du học cùng bố mẹ. Trước khi đoàn tụ với ba mẹ, Nhím có một khoảng thời gian khá dài sống cùng ông bà ngoại ở Việt Nam. Bên ông bà, cô bé giống như một cô công chúa nhỏ, luôn được nuông chiều và chẳng cần phải học cách chăm sóc bản thân. Nhưng sống với ba mẹ, mọi chuyện sẽ phải khác!
Ở Pháp chẳng có ông bà ngoại giúp đỡ, còn bố mẹ lại suốt ngày bận rộn với công việc và bài vở, nên phương pháp duy nhất để Nhím thích nghi với môi trường mới là phải học cách tự lập. Bắt đầu từ việc ăn uống, mẹ tiến hành “cuộc cách mạng” đầu tiên để cải tổ cô con gái 4 tuổi.
Cuốn sách Mẹ đoảng dạy con của Nguyên- Kan. |
Giống như nhiều bạn nhỏ khác có ông bà nuông chiều, bữa ăn của Nhím kéo dài cả tiếng đồng hồ và bà ngoại luôn giúp Nhím xúc thức ăn. Cô bé có thể vừa ăn vừa chơi, hay xem hoạt hình. Còn với mẹ, luôn có một khoảng thời gian quy định đối với việc ăn uống. Hết giờ ăn, nếu Nhím chưa ăn xong, mẹ vẫn sẽ dọn bàn. Trong bữa ăn, Nhím phải tự xúc và con có quyền được ăn món mình thích.
Tiếp theo, bé Nhím phải học cách tự dọn đồ chơi. Những ngày đầu, cô nhóc thường lấy cớ mệt để trốn việc, nhưng mẹ kiên quyết tiến hành kỉ luật và nhất quyết không làm hộ Nhím. Nếu Nhím để đồ chơi bừa bãi, mẹ sẽ cất những món đồ chơi ấy vào kho và Nhím sẽ không được chơi chúng trong một khoảng thơi gian nhất định. Cuối cùng cách này đã phát huy hiệu quả!
Sau khi ổn định cuộc sống tại Pháp, bố mẹ quyết định có thêm em bé, Nhím bắt đầu học cách làm chị. Không đợi đến khi em Sâu ra đời, mẹ Nguyên-Kan “chuẩn bị tinh thần” cho Nhím từ khi mẹ chưa mang thai. Đến khi mẹ có bầu, cô chị đảm đang sẽ cùng bố chăm sóc mẹ, qua đó cô bé cảm nhận được tình yêu dành cho em bé, trách nhiệm cũng từ đó mà đến thật tự nhiên!
Giống như nhiều cặp chị em khác, thỉnh thoảng giữa Nhím và Sâu cũng xảy ra xích mích. Đứng trước tình huống này, mẹ Nguyên- Kan thường để các con tự giải quyết, nếu tình hình căng thẳng hơn mẹ mới ra tay phân xử. Vì theo tác giả, nếu để hai bé tự dàn xếp mọi chuyện, các con sẽ học được cách đối thoại với nhau và khống chế cơn giận của bản thân. Chị Nhím sẽ dịu dàng hơn trong cách đối xử với em, còn em Sâu không được cậy bé mà muốn làm gì cũng được.
Trước khi các con đi ngủ, bố mẹ của Nhím và Sâu hạn chế tối đa việc cầm điện thoại thông minh, trừ khi có người liên lạc. Thay và đó cả nhà sẽ chơi những trò chơi thú vị như đoán chữ, chơi cờ tỉ phú, hay đọc sách. Mẹ Nguyên- Kan luôn đề cao giá trị của việc đọc sách. Theo chị, để trẻ yêu đọc sách, thì đọc sách cho con thôi chưa đủ, bố mẹ cũng cần tương tác, trao đổi với con về cuốn sách mà bé đang đọc.
Hai cô bé đáng yêu Nhím và Sâu, nhân vật chính của Mẹ đoảng dạy con. |
Nuôi con nhỏ, vốn là một công việc vất vả, nuôi con nhỏ ở một đất nước xa lạ còn vất vả hơn gấp bội. Nhờ có thế, mà mẹ Nguyên-Kan trong Mẹ đoảng dạy con đã giúp hai cô con gái trở thành những đứa trẻ tự lập và tự tin trong môi trường đầy thử thách. Dạy con tự lập là điều mà bất kì vị phụ huynh nào, ở bất cứ đâu cũng phải trang bị cho con trẻ để các bé vững bước trưởng thành.
Làm mẹ là một công việc khó khăn, phức tạp và tốn rất nhiều thời gian cùng công sức. Nhưng chẳng ai trong chúng ta có cơ hội được thực tập trước khi bước vào thử thách ấy. Các con lớn khôn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta thuần thục hơn trong vai trò làm mẹ. Để trở thành người mẹ tốt, ngoài việc chăm sóc, dạy dỗ, còn phải trở thành người bạn tâm đầu, ý hợp với con.
Tác giả Nguyên- Kan tên thật là Ngô Phương Lê, sinh năm 1984. Trước đây, chị là giảng viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện tại, chị là nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Ngôn ngữ tại Đại học Nantes. Chị đang sống ở Pháp cùng chồng và hai cô con gái. Ngoài học tập và nghiên cứu chị còn tham gia viết báo về giáo dục và cuộc sống của cộng đồng nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp.