Hai câu chuyện tình đều được kể với giọng điệu tự sự mùi mẫn, ủy mị, giống như phong cách của những bộ phim tình cảm Mỹ vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ. Nó gợi nhắc về những hoài niệm lãng mạn một thuở.
Hai câu chuyện cũng được kể trong bầu không khí đan xen của ánh sáng và bóng tối, giữa trắng và đen, hai màu của điện ảnh thời kỳ đầu cho đến khi phim màu xuất hiện, cùng với tất cả những cái tên đã đi vào tiềm thức của bất kì ai yêu mến điện ảnh nói chung, và "làn sóng mới" của Pháp nói riêng.
Một chuyến viễn du vào miền quá khứ, nơi một luật sư cứ mải miết đi xem những bộ phim cũ kỹ của Truffaut, Claude Trabrol, Eric Rohmer... để tìm kiếm một gương mặt có thể là mẹ mình, và cũng trong miền viễn du đó, ông cũng yêu bóng tối, Mayliss, một người đàn bà đã có gia đình, vụng trộm, thèm khát, đam mê dục vọng nhưng dằn vặt, lo sợ, bối rối và đầy ghen tuông.
Người đàn ông trung niên cứ mải miết đuổi theo hình bóng về người mẹ mà mình chưa bao giờ nhìn thấy mặt thông qua những gương mặt phụ nữ hiễn hữu khác, để rồi lùi về quá khứ càng sâu, những hình ảnh ấy càng trở nên mơ hồ, lâng lâng giữa những cung bậc hư hư thực thực. Nhưng những hình ảnh ấy, cùng với sự mơ hồ ấy đã đeo đuổi ông suốt khoảng thời sống, khiến tâm trí ông chất chồng trong những cảm xúc của mất mát, cô độc và bị thít chặt bởi sợi dây quá khứ, tưởng như có lúc ông đắm hẳn vào trong đó, không còn lối thoát.
Tác phẩm Những nụ hôn điện ảnh của Eric Fottorino. |
Nhưng rồi, cùng với vụ cháy xưởng phim cũ của người cha, dường như là một hành động cởi nút cuối cùng, đẩy ông về thực tại, nhận biết mình ở thực tại, và bắt đầu nhìn thấy ánh sáng thực tại nơi cuộc sống. Đó là khi cuộc truy vấn dừng lại.
Cái ánh sáng nhòe nhòe và lấp lánh của ký ức phủ kín cuốn sách, khiến người đọc nhiều khi cảm thấy ngột thở bởi một hành trình riêng tư đến thế của con người. Nhưng cũng chính ký ức đã tạo nên thức màu sắc mùi vị quyến rũ đối với bất kì ai trong chúng ta. Ai cũng có câu chuyện của riêng mình, câu chuyện về một hành trình đi vào tâm trí.
Những nụ hôm điện ảnh là cuốn sách ắp đầy hoài niệm, hoài niệm về một dĩ vãng đã qua, về mối tình đã mất, và về một hình dung dường như chưa bao giờ tồn tại, một thứ phức cảm đầy phức tạp, khiến nhân vật tôi cứ phải đeo đuổi như đeo đuổi một bóng ma, để rồi gặp một bóng ma khác, là người tình bí mật của mình.
Nửa đầu sách có đôi chút nhàm chán, nhưng nửa sau là những dòng kí ức rực rỡ, cuốn ta vào một thế giới mà ở đó, nó giống những thước phim đen trắng của Truffaut, nơi nhân vật không nói gì, chỉ đứng lặng đó, để khán giả đi thẳng vào trong dòng chảy suy nghĩ của nhân vật. Với lối kể dòng ý thức miên man giữa hiện tại và quá khứ, tác giả đã xóa nhòa ranh giới của lối kể chuyện thông thường. Đi theo hành trình của Gilles Hector, có lúc giật mình ta không rõ mình đang đi về phía trước hay càng lúc càng chìm đắm trong những câu chuyện ký ức của chính ta.
Đây thực là cuốn sách sặc mùi ái tình, và nó khiến trái tim ta dễ sa ngã vào lòng mê đắm. Chất ái tình được thể hiện rõ trong tác phẩm khi xây dựng những khung cảnh đầy sắc nét, đặc biệt Eric Fottorino đã tạo nên được những góc sáng mơ hồ hư ảnh, rất dễ khiến độc giả mê mụ.
Trong tác phẩm, Eric Fottorino viết: "Tôi không hay biết gì về nguồn gốc của mình. Tôi sinh ra tại Paris từ một người mẹ không biết mặt còn bố tôi chuyên chụp ảnh các nữ diễn viên. Ít lâu trước khi qua đời, ông mời thổ lộ với tôi rằng, tôi có mặt trên đời này là nhờ một nụ hôn điện ảnh". Những nụ hôn điện ảnh là duyên cớ để bắt đầu câu chuyện về những tâm hồn cô độc trong thành phố.
Chuyện một người lạc lõng giữa thành phố, và mất dấu vết về quá khứ dễ khiến độc giả cảm thấy gần gũi với những câu chuyện về Paris của tác giả Patrick Modiano, người si mê truy tìm ký ức. Hình ảnh người đàn ông đi loạng choạng trong ánh chiều vàng của thành phố, thật khiến ta nhớ đến hình ảnh Lost in Translation của đạo diễn Sofia Coppola. Những không gian của ký ức, không gian của kiếm tìm và truy vấn về nguồn gốc của bản thân. Phải chăng, mỗi cá nhân chúng ta, sinh ra đều mang trong mình những tâm tư trăn trở ấy.
Một cuốn sách đã tìm cách bóc tách thân phận cô đơn của cá nhân trong lòng thành phố một cách rất êm dịu và rất tình. Đó là cái nhấn nhá của một kẻ đã rất thanh thản với đời, trông vào nỗi đau của nhẹ bẫng của Eric Fottorino. Và cuốn sách, cũng sẽ cung cấp cho người đọc những cái tên phim điện ảnh thực sự “chất”, dù chỉ là những cái tên thôi. Nhưng đôi khi, ta cũng chỉ cần những cái tên như thế để bắt đầu một câu chuyện thú vị, như cái tên mà Patrick Modiano đã nhắc đến trong tiểu thuyết Để em khỏi lạc trong khu phố là một ví dụ xác đáng.
Những nụ hôn điện ảnh là cuốn sách thứ 8 của Eric Fottorino, xuất bản năm 2007, đã đạt giải thưởng văn học Femina.