Ông Trần Văn Mười, nhà ngay cầu Định Trung, xã Định Trung (Bình Đại, Bến Tre) nói: "Dân Bình Đại đang khổ sở khi phải sống chung với xâm nhập mặn. Nhà tôi có 9 người (4 người lớn, 5 trẻ em) bình quân một ngày cần gần 2 m3 nước ngọt để tắm, sử dụng giặt giũ và nấu ăn...
Nếu mua nước ngọt sử dụng thì mỗi ngày phải tốn đến 100.000 đồng, trong khi tiền gạo chỉ khoảng 20.000 đồng. Số tiền mua nước ngọt quá lớn như vậy nên không thể lo nổi, gia đình đành chọn giải pháp sống chung với xâm nhập mặn. Cách sống chung của ông Mười là bơm nước ở dưới ao nhiễm mặn lên sử dụng máy giặt, tắm xong thì xả nước ngọt...".
Ông Nguyễn Văn An ở xã Định Trung than: "Gia đình tôi sống xa đường lớn, lại chỉ đủ ăn nên không có tiền mua nước ngọt. 4 người trong gia đình đành phải khắc phục bằng cách: Tắm, giặt thì sử dụng nước nhiễm mặn nhẹ, còn nấu ăn thì mua nước bình 20 lít. Năm nào cũng phải chấp nhận sống chung với xâm nhập mặn ít nhất là 3 tháng cao điểm mùa khô".
Từ sau Tết đến nay, dịch vụ xe bồn chở nước phục vụ không kịp nhu cầu người dân. Ông Thái Sơn Điền, chủ xe bồn đã hơn 10 năm hành nghề dịch vụ chở nước ở xã Lộc Thuận (Bình Đại, Bến Tre) cho biết: Nhờ "trời cho" nên ngay trên mảnh đất giồng cát của gia đình đã khoan được mạch nước ngọt quanh năm.
Ông Thái Sơn Điền bơm nước từ cây nước nhà mình bán cho bà con. |
Cứ đến mùa xâm nhập mặn thì bơm nước ngọt lên bán cho bà con các xã trong huyện Bình Đại sử dụng. Đường gần một vài cây số, xe công nông chạy vào được thì nước ngọt bán gía 30.000 đồng mỗi m3.
Còn đường xa từ 10 km trở lên giá bán mỗi m3 nước 60.000 đồng. Bình quân mỗi ngày ông bơm khoảng 30 m3 bán cho bà con, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, khi cái nắng tháng 4 thêm phần gay gắt.
Từ nay đến khi có mưa nhu cầu nước ngọt sẽ còn tăng mạnh, vì lượng nước dự trữ trong dân đã cạn dần. Hơn nữa, sông Ba Lai đã nhiễm mặn, nước máy từ các trạm cấp tập trung cũng không thể hoạt động như trước. Nhà nào tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng phải mua 2 m3 để nấu ăn. Nếu xâm nhập mặn sâu và kéo dài, khả năng giá nước ngọt sẽ còn tăng trong trời gian tới.
Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre cho biết, toàn tỉnh hiện có 72 nhà máy, trạm cấp nước tập trung, cung cấp cho khoảng 78.989 hộ dân, với 333.450 người hưởng lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các trạm cấp nước ở các huyện ven biển như: Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm đã bị mặn bao vây, hệ thống kênh nội đồng đã nhiễm mặn 0,5 - 1,7 phần nghìn. Trong khi đó, đa phần các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều lấy nguồn nước mặt trực tiếp từ các sông, sau đó xử lý cấp cho dân sử dụng.
Thực tế, sông Ba Lai đã nhiễm mặn nên nhà máy nước Tân Mỹ (Ba Tri) có công suất 330 m3 mỗi giờ buộc phải lấy nước nhiễm mặn nhẹ cấp cho hơn 11.560 hộ dân trên địa bàn 17 xã - thị trấn của huyện Ba Tri sử dụng...
Hiện tại, người dân ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú… đang chọn giải pháp sống chung với mặn, bằng cách: Tắm giặt thì sử dụng nước nhiễm mặn nhẹ rồi sau đó dùng nước ngọt xả lại. Nấu ăn sử dụng nước ngọt mua với giá 20.000 đồng mỗi bình 20L, hoặc mua nước ngọt từ hệ thống xe bồn với giá 30.000 – 60.000 đồng một m3 tùy theo quãng đường vận chuyển xa, gần.
Người dân Bến Tre đã, đang và sẽ còn phải sống chung với xâm nhập mặn và khát nước ngọt 6 tháng mùa khô, đến khi nào hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Quao, Đê bao vườn cây trái Mỏ Cày Bắc, đê biển Thạnh Phú, Bình Đại khép kín thì mới thoát khỏi cảnh thiếu nước ngọt.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, do hệ thống thủy lợi chưa khép kín. Để hạn chế xâm nhập mặn, năm 2015, sở đã đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ Bến Tre khoảng 52 tỷ đồng để xây dựng các công trình phòng chống hạn mặn cấp bách.
Về lâu dài cần đẩy nhanh nguồn vốn vay ODA để thực hiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, hệ thống thủy lợi Cái Quao. Tiếp tục bố trí vốn cho hệ thống đê biển Thạnh Phú, Bình Đại. Phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư 753 tỷ đồng. Trong đó Chính phủ 598 tỷ, Bến Tre đối ứng 155 tỷ đồng. Có như vậy cơn khát nước ngọt mới cơ bản được giải quyết.