Sự kiện công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) quyết định thành lập công ty con là công ty cổ phần nước sạch Việt Nam (Viwic) với vốn điều lệ tới 650 tỷ đồng là một sự kiện rất đáng chú ý. Ngoài Viwic, REE cũng thông báo kế hoạch mua thêm 17% cổ phần của nhà máy cấp nước Thủ Đức để đưa tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 42%. Hành động này của REE có thể xem là hợp lý khi dường như đang có một làn sóng đầu tư mới của khối ngoại vào thị trường nước Việt Nam. Ngoài những thương vụ mua cổ phần các công ty nước của nhà đầu tư Philippines và Singapore vài tháng trước thì mới đây nhất, các công ty xử lý nước của Nhật như Metawater, TSS cũng được cho là sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các dự án có sử dụng vốn ODA của Nhật tại Hà Nội.
Tiềm năng đến từ đâu?
Theo số liệu công bố từ Cục Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, hiện vẫn còn đến 21,5% dân cư tại các đô thị trên cả nước chưa tiếp cận được nước sạch thông qua hệ thống cấp nước tập trung. Đa số người dân vẫn sử dụng nước giếng tự khoan hoặc từ các nguồn nước khác. Mục tiêu Việt Nam đặt ra đến năm 2015 là 90% dân số ở các đô thị loại 3 trở lên dùng nước máy tập trung và điều này sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh cho các công ty cung cấp nước sạch.
“Năm 2012 tỷ lệ thất thoát nước ở TP.HCM lên đến 36% do hệ thống cấp nước đã rất cũ kỹ. Nếu cải thiện được khâu vận chuyển này sẽ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp”, chuyên gia phân tích cao cấp của một công ty chứng khoán (không muốn nêu tên) nhận định.
Tỉ lệ thất thoát nước ở TP.HCM lên đến 36% do hệ thống cấp thoát nước cũ kỹ; tỉ lệ này ở Singapore là 5%, Nhật là 7%. |
Được biết, tỷ lệ thất thoát nước của Singapore chỉ là 5%, Nhật là 7%. Nếu so sánh với các quốc gia này thì quả thật, Việt Nam đang rất lãng phí trong việc sử dụng một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất của nhân loại.
Có một điều nghịch lý là dù Việt Nam có khí hậu nhiệt đới với lượng mưa khá lớn, cũng như nằm ở hạ lưu của những con sông lớn như Mekong, sông Hồng nhưng theo đánh giá của tổ chức BMI, Việt Nam vẫn đối mặt với tình trạng hạn hán có tính chất chu kỳ nghiêm trọng. Chẳng hạn, đợt hạn hán vào đầu năm 2010 được xem là tồi tệ nhất trong 100 năm qua, theo đánh giá của Tạp chí Time. Đợt hạn hán này diễn ra trên khắp cả nước là kết quả tác động đồng thời từ lượng nước thượng nguồn về thấp, xâm nhập mặn ở miền Nam và ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino ở miền Bắc. Đáng ngại hơn, các đợt hạn hán kiểu này nhiều khả năng sẽ gia tăng trong tương lai.
Viễn cảnh khu vực cũng mang lại những lo ngại lớn khi ngày càng nhiều công trình thủy điện xây dựng ở thượng nguồn như trên sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc và Lào. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến nguồn nước cung cấp cho các quốc gia ở vùng hạ lưu như Việt Nam.
Một yếu tố khác góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp là nhu cầu sử dụng nước sạch trong các năm tới sẽ tăng cao, do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh ở các thành phố lớn, cũng như tình trạng ô nhiễm gia tăng. Tính đến tháng 8/2012, chỉ có 61% các khu công nghiệp trên toàn Việt Nam xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Còn tại một đô thị lớn như Hà Nội, người dân vẫn phải phụ thuộc vào mạch nước ngầm để đáp ứng nhu cầu nước vì hệ thống cung cấp nước sạch cũ kỹ hiện không thể đáp ứng đủ. Đặc biệt, đến năm 2020 nhu cầu nước sạch của Hà Nội được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay và chưa rõ Hà Nội sẽ làm gì để đáp ứng nhu cầu này.
Tựu trung lại, theo tính toán của BMI, từ năm 2012 đến 2015, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng hạ tầng nước Việt Nam có thể đạt mức trung bình 13%/năm. Riêng năm 2016, giá trị mà lĩnh vực này mang lại có thể tăng 60% so với năm 2015. Đó có lẽ là miếng bánh ngon không hề nhỏ dành cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và cung cấp nước.
Có một điều đáng mừng cho các công ty tư nhân như REE khi tham gia xây dựng hạ tầng nước, là có khá nhiều tổ chức tài chính quốc tế muốn tài trợ vốn cho các dự án nước ở Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD)đã cam kết cung cấp 1 tỷ USD cho Việt Nam để cải thiện hệ thống cung cấp nước giai đoạn 2011- 2020. Việt Nam cũng sẽ nhận được các khoản viện trợ ODA từ các quốc gia phát triển như Đan Mạch, Nhật để phục vụ cho kế hoạch nâng cấp của mình.
Ngoài các công ty nhà nước chủ yếu đang được giao nhiệm vụ thực hiện dự án, một tin lạc quan nữa là Chính phủ dự tính sẽ triển khai mạnh mẽ các dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Một khi khuôn khổ PPP được luật hóa, cơ hội để cho các công ty tư nhân tham gia sẽ rộng mở hơn. Trên thực tế, mô hình PPP với sự tham gia của tư nhân đã được thử nghiệm tại các dự án ở TP.HCM như Nhà máy BOO Nước Thủ Đức, Nhà máy Nước Bình An, Nhà máy Nước sạch Cần Giờ, Chương trình Quốc gia Chống thất thoát nước sạch.
Ngoài lợi nhuận từ việc tham gia xây dựng hạ tầng, giá nước cũng là một yếu tố rất quan trọng thu hút các công ty tham gia vào lĩnh vực này. “Giá nước trong các năm qua đã tăng trung bình 10%/năm”, vị chuyên gia về ngành nước nói. Và nhiều khả năng, xu hướng tăng giá này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.
Cũng giống như điện, nước là mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước đang phải trợ giá và với ngân sách có hạn Nhà nước sẽ giảm dần các khoản trợ giá. Điều này có thể sẽ khiến cho giá nước tăng mạnh trong thời gian tới. Một tính toán của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện số tiền chi trả nước của người dân trung bình chỉ bằng 0,4% thu nhập bình quân theo đầu người, trong khi ở các quốc gia khác trong khu vực khi tỷ lệ này là 3-5%. Vì vậy “room” để nâng giá nước trong các năm tới là điều khó tránh khỏi.
Một khía cạnh thứ hai là cơ hội mua lại cổ phần của các công ty nhà nước trên thị trường này. Tính đến năm 2009, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước vẫn thống lĩnh thị trường sản xuất và phân phối nước tại Việt Nam. 90% sản lượng nước cung cấp trên trên toàn quốc thuộc về khối doanh nghiệp nhà nước. Tại TP.HCM, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cùng các công ty con đang độc chiếm khâu phân phối nước trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tính đến nay cũng đã có 35 trong tổng số 90 công ty cấp nước do Nhà nước sở hữu đã thực hiện cổ phần hóa.
Quay trở lại với trường hợp của REE, 9 tháng đầu năm nay, trong tổng lợi nhuận ròng 839 tỉ đồng mà REE đạt được, có đến 46% đến từ các công ty con và liên kết. Thành tích này nhiều khả năng sẽ góp phần đưa lợi nhuận năm nay của REE lần đầu tiên vượt qua con số 1.000 tỉ đồng. Trong năm tới, theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE, các khoản đầu tư vào ngành điện và nước sẽ chiếm tới 60% lợi nhuận công ty này.
Tuy vậy, theo phân tích của vị chuyên gia phân tích từ công ty chứng khoán nói trên, khác với các nhà đầu tư nước ngoài như Manila Water có chuyên môn kỹ thuật ngành nước, REE chủ yếu thiên về đầu tư tài chính và gián tiếp hưởng lợi nếu các công ty mà REE đầu tư hoạt động tốt. “Vì vậy không loại trừ khả năng REE sẽ thoái vốn trong các năm tới nếu nhận được suất sinh lợi phù hợp”, chuyên gia phân tích này nói.
Xây dựng lại hệ thống, nhu cầu tiêu thụ được mở rộng và giá được dự báo sẽ tăng mạnh trong tương lai là những yếu tố hấp dẫn các công ty gia nhập ngành, nhưng những rủi ro đi kèm không phải là không có. Điều này cũng thể hiện trên thực tế khi tính đến thời điểm hiện tại chỉ có số ít các công ty tư nhân và nước ngoài gia nhập ngành.
“Giá bán là một rủi ro cho các công ty tham gia vào lĩnh vực này”, vị chuyên gia này nói. Nước là mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm và tác động lớn đến toàn bộ các hoạt động kinh tế và xã hội, đặc biệt là giữ ổn định vĩ mô kiềm chế lạm phát. Việc tăng giá nước dù có lộ trình tăng theo định hướng thị trường nhưng nhìn chung vẫn do Nhà nước kiểm soát và điều này sẽ khó cho các công ty trong việc dự đoán được doanh thu. Theo báo cáo của BMI, các nhà đầu tư tư nhân sẽ khó có khả năng quyết định giá bán mà điều này sẽ do Nhà nước quyết định, tương tự như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra với tính thiếu hiệu quả của luật pháp, rủi ro cho các công ty tư nhân sẽ khó mà đoán định được.
Cản trở kế tiếp là Việt Nam vẫn thiếu các cơ chế thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Ví dụ, theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, mặc dù các công ty tư nhân cũng được miễn giảm thuế khi đầu tư ngành này nhưng so với các doanh nghiệp nhà nước, họ vẫn thua thiệt khi không được tiếp cận với các khoản vay ưu đãi.
Tính thiếu rõ ràng trong khuôn khổ hợp tác PPP đối với ngành nước cũng là trở ngại lớn. Dù đã bắt đầu thử nghiệm cơ chế hợp tác PPP từ tháng 11/2010 nhưng cho đến nay những luật lệ riêng biệt dành cho từng ngành cụ thể, trong đó có ngành nước, vẫn chưa được hoàn tất.
Do đó, có lẽ còn quá sớm để nói rằng những công ty ngoài nhà nước như REE sẽ tiếp tục gặt hái được thành công trên thị trường nước như kịch bản màu hồng đã vẽ ra.