Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước nghèo tìm mua thiết bị chống dịch, châu Âu và Mỹ trả giá cao hơn

Các quốc gia nghèo ở Mỹ Latin, châu Phi không thể tìm thấy đủ thiết bị y tế để chiến đấu với dịch bệnh, khi những nước giàu sử dụng sức mạnh đồng tiền để giành mua chúng.

Lô khẩu trang bị hớt tay trên ngay tại sân bay. Các nước giàu có sẵn sàng trả gấp 3 lần giá thị trường để mua được hàng nhanh nhất. Những cáo buộc về “cướp biển thời hiện đại” chống lại các chính phủ, khi họ cố gắng đảm bảo nguồn cung thiết bị y tế cho người dân của họ, New York Times mô tả.

Khi Mỹ và các quốc gia Liên minh châu Âu cạnh tranh để có được thiết bị y tế đang khan hiếm để chống lại đại dịch Covid-19, các quốc gia nghèo hơn đã mất đi cơ hội có được nguồn cung khẩu trang và bộ kit xét nghiệm, trước sức mạnh đồng tiền từ các nước giàu.

Khan hiếm và đắt đỏ

Các nhà khoa học ở châu Phi và Mỹ Latin đã không thể mua được bộ kit xét nghiệm virus corona, vì chuỗi cung ứng đang biến động và hầu hết mọi thứ mà các công ty sản xuất được đều xuất đến Mỹ hoặc châu Âu.

Các nhà sản xuất đều tăng giá mạnh từ bộ kit xét nghiệm cho đến khẩu trang. Nhu cầu lớn về khẩu trang trên toàn cầu, cùng với những biến động trên thị trường tư nhân, đã buộc một số nước đang phát triển tìm đến Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) để cầu cứu.

Eussyva Kadilli, người giám sát nguồn cung của UNICEF, cho biết họ đang cố gắng mua 240 triệu khẩu trang để giúp đỡ cho 100 quốc gia đang phát triển, nhưng đến nay chỉ gom được 28 triệu cái.

“Có một cuộc chiến lớn đang diễn ra ở hậu trường và chúng tôi lo lắng nhất về các nước nghèo hơn sẽ thua cuộc”, tiến sĩ Catharina Boehme, Giám đốc điều hành Quỹ Chẩn đoán sáng tạo mới, hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để giúp đỡ các nước nghèo tiếp cận với các công cụ xét nghiệm y tế, nói.

Dai dich Covid-19 anh 1

Các phòng thí nghiệm ở châu Phi và Mỹ Latin đang cạn thuốc thử cần thiết để xét nghiệm virus corona. Ảnh: AFP.

Ở châu Phi, Mỹ Latin và một số nước châu Á, nhiều quốc gia đang gặp bất lợi với hệ thống y tế thiếu thốn, mong manh và thường thiếu các thiết bị cần thiết. Một nghiên cứu gần đây cho thấy một số nước nghèo chỉ có một giường chăm sóc đặc biệt trên một triệu dân.

Hiện tại, đà tăng các ca nhiễm mới và tử vong trên thế giới đang có dấu hiệu chậm lại, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại đại dịch có thể tàn phá đối với các nước nghèo nhất.

Xét nghiệm là biện pháp đầu tiên để chống lại sự lây lan của virus, là công cụ quan trọng để ngăn chặn việc nhiều bệnh nhân phải nhập viện. Phần lớn các nhà sản xuất muốn giúp đỡ các nước nghèo, nhưng ngành công nghiệp sản xuất bộ kit xét nghiệm và thuốc thử hóa học trong phòng thí nghiệm đang quá tải vì nhu cầu quá lớn.

“Trước đây chưa bao giờ có sự thiếu thuốc thử hóa học. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu chỉ một quốc gia bị dịch bệnh, nhưng bây giờ cả thế giới đều muốn nó”, Doris-Ann Williams, Giám đốc điều hành Hiệp hội Chẩn đoán In Vitro của Anh, đại diện cho các nhà sản xuất, phân phối bộ kit xét nghiệm virus corona nói.

Đối với các nước nghèo, tiến sĩ Boehme cho rằng sự cạnh tranh vật tư y tế có thể là “thảm họa toàn cầu”, vì chuỗi cung ứng đã trở nên hỗn loạn. Lãnh đạo các quốc gia đã yêu cầu quyền được tiếp cận trực tiếp vào nguồn cung quan trọng. Một số chính phủ thậm chí còn đề nghị gửi máy bay tư nhân đến tận nơi để lấy hàng.

"Phương Tây đã mua trước hai tháng"

Tại Brazil, quốc gia Mỹ Latin bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, tiến sĩ Amilcar Tanuri, người điều hành các phòng thí nghiệm công tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, cho biết một nửa số phòng thí nghiệm không có hóa chất để tiến hành xét nghiệm, vì thứ ông cần đã chuyển đến các nước giàu.

Dai dich Covid-19 anh 2

Hệ thống y tế yếu kém các nước châu Phi dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: AFP.

“Nếu bạn không có xét nghiệm tin cậy, bạn sẽ bị mù. Đây là khởi đầu của sự bùng phát dịch bệnh nên tôi rất quan tâm đến việc hệ thống y tế công cộng ở đây sẽ bị áp đảo rất nhanh”, tiến sĩ Tanuri nói.

Brazil đã xác nhận hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19, nhưng đang có hơn 23.000 mẫu bệnh phẩm tồn đọng chưa xét nghiệm. Brazil cũng là quốc gia gây tranh cãi nhất trong khu vực Mỹ Latin về các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tổng thống Jair Bolsonaro luôn tỏ ra hoài nghi về những rủi ro do virus corona gây ra, trong khi các nhà khoa học bắt đầu cố gắng tăng cường tốc độ xét nghiệm sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ở nước này.

Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, tiến sĩ Tanuri đã kêu gọi một cách điên cuồng các công ty tư nhân ở 3 châu lục, để tìm kiếm nguồn cung hóa chất cần thiết cho 200 mẫu bệnh phẩm mà phòng thí nghiệm của ông nhận được mỗi ngày. Nhưng các công ty này trả lời rằng Mỹ và châu Âu đã mua trước cả tháng.

“Nếu chúng tôi muốn mua thứ gì đó trong 60 ngày tới thì đã quá muộn. Virus đã đi nhanh hơn chúng ta có thể đi”, tiến sĩ Tanuri nói.

Tình hình tương tự ở các nước châu Phi. Sau khi ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 được xác nhân ở Nam Phi vào ngày 27/3, nước này đã nhanh chóng chuẩn bị để tiến hành xét nghiệm virus corona trên diện rộng.

Nam Phi có hơn 200 phòng thí nghiệm công cộng, một mạng lưới rất ấn tượng vượt qua các quốc gia giàu có như Anh. Hệ thống này được phát triển để đối phó với dịch bệnh lao và HIV trong quá khứ.

Dai dich Covid-19 anh 3

Thiếu bộ kit, các nước nghèo không thể đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để sàng lọc bệnh nhân. Ảnh: AFP.

Nhưng, giống như Brazil, Nam Phi phụ thuộc vào các nhà sản xuất quốc tế về thuốc thử hóa học và thiết bị khác cần thiết để tiến hành các xét nghiệm.

Tiến sĩ Francois Venter, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang tư vấn cho chính phủ, cho rằng cuộc chiến để có được thuốc thử đang gây nguy hiểm cho cuộc chiến chung của đất nước đối với dịch bệnh.

“Chúng tôi có khả năng tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn, nhưng chúng tôi bị tê liệt vì thuốc thử và các vật liệu để thử nghiệm chưa đến. Chúng tôi không giàu có như vậy, chúng tôi không có nhiều máy thở và bác sĩ. Hệ thống y tế của chúng tôi đã ở trong tình trạng bấp bênh trước virus”, tiến sĩ Venter nói.

Để giải quyết vấn đề, Phòng thí nghiệm y tế quốc gia đã lập một đội đặc nhiệm gồm 20 người liên tục gọi điện cho các nhà cung cấp khác nhau, nhưng vẫn gặp phải vấn đề trong việc tìm nguồn cung bộ kit xét nghiệm và thiết bị bảo hộ mà họ cần.

“Về cơ bản các nhà cung cấp nói rằng sản lượng sản xuất của họ không đáp ứng đủ nhu cầu, họ đang làm việc hết sức”, tiến sĩ Kamy Chetty, Giám đốc Phòng thí nghiệm y tế quốc gia Nam Phi nói.

Một số nước nghèo ở châu Phi, vấn đề không chỉ nằm ở bộ kit xét nghiệm mà còn là khẩu trang và nhiều thứ khác. Charles Holmes, thành viên ban lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ở Zambia, cho biết khi nước này đặt mua mặt nạ phòng độc N95, nhà môi giới đã đưa ra giá cao gấp 5-10 lần thông thường, trong khi chúng đã hết hạn vào năm 2016.

“Khi các nước nghèo cố gắng liện hệ trực tiếp với các nhà sản xuất, những nước giàu cũng có cuộc gọi tương tự. Đối với các công ty tư nhân họ sẽ bán cho những ai trả giá cao nhất, vì đơn giản đó là kinh doanh”, ông Holmes nói.

Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng quy mô ngành công nghiệp sản xuất bộ kit xét nghiệm là khá nhỏ. Bà Williams, đại diện ngành công nghiệp này tại Anh cho biết thuốc thử là không thiếu, nhưng nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất dẫn đến chậm trễ, bao gồm kiểm tra, phê duyệt độ tin cậy cần thiết.

Paul Molinaro, người đứng đầu bộ phận cung ứng và hậu cần của WHO, cho biết các nhà sản xuất không chỉ muốn bán cho nước giàu, họ muốn đa dạng hóa, nhưng họ không thể can thiệp vào sự cạnh tranh giữa các chính phủ.

“Khi nói đến sự kết thúc trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và giá cả tăng cao, các quốc gia thu nhập thấp và trung bình luôn đứng cuối cùng trong hàng”, ông Molinaro nói.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện dẫn Luật sản xuất quốc phòng để cấm xuất khẩu sang các nước khác và yêu cầu các công ty Mỹ tăng sản xuất vật tư y tế. 3M, nhà sản xuất thiết bị y tế nổi tiếng của Mỹ, đã cảnh báo về ý nghĩa nhân đạo, khi chính quyền không cho họ xuất khẩu khẩu trang sang Mỹ Latin và Canada.

Tuần này, chính quyền Tổng thống Trump và 3M đã đạt được thỏa thuận cho phép công ty này tiếp tục xuất khẩu, đồng thời cam kết cung cấp 166 triệu khẩu trang cho trong nước vào tháng tới.

Tháng trước, Trung Quốc và châu Âu cũng áp dụng một số biện pháp hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế, gồm khẩu trang và bộ kit xét nghiệm.

Cuộc chiến khốc liệt giành khẩu trang giữa Mỹ và các nước

Khách hàng từ Mỹ đã hớt tay trên ngay tại sân bay lô hàng khẩu trang xuất cho Pháp, kéo theo nguy cơ về cuộc chiến giành thiết bị y tế khi số ca nhiễm toàn cầu vượt 1 triệu.

Kho dự trữ chiến lược của Mỹ cạn kiệt thiết bị y tế

Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia của Mỹ gần như hết các thiết bị y tế như khẩu trang N95, kính chắn, đồ bảo hộ mà các y bác sĩ chống dịch đang rất cần.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm