Cuối tuần trước tại Bangkok, một container với hàng nghìn khẩu trang đang chuẩn bị vận chuyển đến Berlin, Đức, bị chuyển hướng sang nơi khác vào phút chót.
Theo quan chức thành phố Berlin, không có nghi ngờ gì chuyện ai đứng đằng sau: chính là Amis (tiếng lóng người Đức gọi người Mỹ) là thủ phạm. Và không phải người Mỹ nào khác, Tổng thống Trump chính là thủ phạm, theo Politico.
“Hành động của tổng thống Mỹ không chỉ phản bội sự đoàn kết, mà còn vô nhân đạo và vô trách nhiệm”, Thị trưởng Berlin Michael Müller chỉ trích trên Twitter.
Tổng thống Mỹ Donald Trump là đối tượng mà Berlin cho là "thủ phạm". Ảnh: AP. |
Ông Andreas Geisel, Bộ trưởng Nội vụ Berlin, thậm chí cáo buộc Mỹ đã “tịch thu” những chiếc khẩu trang ở Thái Lan.
Nếu trước đại dịch, người Đức không tin tưởng ông Trump thì cuộc khủng hoảng này cho họ thấy ông không chỉ không đáng tin, mà còn nguy hiểm.
Khăng khăng với lý tưởng “nước Mỹ trên hết”, ông Trump khiến cho các quốc gia khác và công dân của họ gặp nguy hiểm.
"Cướp biển thời hiện đại"
“Đây không phải là lúc người mạnh nhất sẽ thắng mà là lúc cần đoàn kết và hợp tác”, ông Norbert Röttgen, Chủ tịch ủy ban đối ngoại quốc hội và là ứng cử viên kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel, nói.
Ngay cả khi Washington cố gắng làm sáng tỏ câu chuyện này (và một câu chuyện tương tự liên quan đến khẩu trang được Pháp đặt hàng vào tuần trước), điều này rất khó khăn vì những gì Berlin cáo buộc nghe có vẻ như thứ ông Trump sẽ làm.
Người Đức vẫn tức giận trước việc ông Trump vào tháng trước âm thầm giành quyền tiếp cận vắc-xin Covid-19 đang được phát triển ở Đức.
“Chúng tôi coi hành động này là cướp biển thời hiện đại”, ông Keith Geisel nói với tờ Tagesspiegel vào hôm 3/4. “Đây không phải là cách để đối xử với các đối tác xuyên Đại Tây Dương. Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, chúng ta không nên sử dụng chiến thuật của miền Tây hoang dã”.
Tuy nhiên, lần này, chính Berlin đã hành động trước khi xem xét kỹ.
Không chỉ không có bằng chứng cho thấy Mỹ đã tịch thu khẩu trang ở Thái Lan, cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy lô hàng được đề cập trên được chuyển đến Mỹ.
Các quan chức Mỹ nói với Politico rằng họ không có thông tin về bất kỳ lô hàng khẩu trang nào của Đức ở Bangkok được chuyển đến Mỹ. Họ chỉ ra rằng hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị bảo vệ. Khẩu trang và các thiết bị khác bị tranh giành quyết liệt.
Các bang và thành phố của Mỹ cũng cạnh tranh nguồn cung với nhau như máy thở. Quy trình này được Thống đốc New York Andrew Cuomo gọi là “như mua hàng trên eBay”.
Với nhu cầu của Mỹ, 200.000 khẩu trang của Berlin dường như không đủ để nước này gây sự.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters. |
“Mỹ đang tăng đáng kể việc sản xuất nguyên liệu trong nước trong khi làm việc thông qua các kênh thích hợp để mua nguồn cung dư thừa từ các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu”, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Đức cho biết.
Sự thật mơ hồ
Berlin không tin điều này. “Sự thật là chúng tôi đã đặt hàng 200.000 khẩu trang. Chúng tôi đã trả tiền và nó đang trên đường đến Berlin”, ông Geisel, người giám sát lực lượng cảnh sát Berlin, cho biết hôm 6/4.
Ông Geisel nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ông không có lời nào muốn sửa lại. Ngay cả bà Merkel cũng không tin Washington.
“Đối với tôi, tìm ra sự thật rất quan trọng”, bà nói trong một cuộc họp báo hôm 6/4. “Chúng tôi có những tuyên bố mâu thuẫn ngoài kia, nhưng tôi nghĩ có thể làm rõ chúng”.
Cho đến nay, điều này khá khó khăn.
Chúng ta chỉ biết là cảnh sát Berlin đã đặt hàng ít nhất 200.000 khẩu trang FFP-2, loại khẩu trang bảo vệ tốt hơn so với khẩu trang phẫu thuật thông thường, từ một nhà cung cấp y tế Đức. Nhà cung cấp các quan chức Berlin chưa nêu tên này đã đặt hàng khẩu trang ở châu Á.
Khi những chiếc khẩu trang đã được trả tiền trước sắp được gửi từ Bangkok đến Đức, đơn đặt hàng đã được chuyển hướng đến Mỹ, theo Martin Pallgen, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Berlin.
Tuy nhiên, ông Pallgen và các quan chức Berlin đang dựa vào thông tin được cung cấp bởi nhà cung cấp giấu tên. Nhà cung cấp này nói với sở cảnh sát thành phố Berlin rằng những chiếc khẩu trang đã được chuyển hướng do “chỉ thị của Mỹ”.
Lời giải thích này có vẻ đúng sau khi ông Trump tuần trước dùng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng chống với công ty 3M, nhà sản xuất khẩu trang hàng đầu của Mỹ. Đạo luật này buộc công ty cung cấp thêm khẩu trang cho thị trường Mỹ. Công ty 3M sản xuất nhiều khẩu trang của mình ở châu Á.
Vấn đề là 3M nói rằng họ không có bất kỳ đơn đặt hàng nào từ Berlin. Và Mỹ đã nhấn mạnh vào hôm 6/4 rằng họ không thực hiện bất kỳ hành động nào “để chuyển hướng khẩu trang 3M sản xuất cho Đức”.
Một loại khẩu trang của công ty 3M. Ảnh: Reuters. |
Nói cách khác, vì đơn hàng của thành phố Berlin không đến từ 3M, nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi chỉ thị của ông Trump.
Berlin nói rằng họ chưa bao giờ tuyên bố 3M có liên quan (Berlin cho rằng “truyền thông” đã làm vậy) và không biết ai là nhà sản xuất của lô hàng khẩu trang trên.
Nói cách khác, người Berlin đang hành xử như Tổng thống Trump và không nói sự thật.
“Cho dù chúng bị tịch thu hoặc đơn hàng bị hủy bỏ hoặc ai đó mang theo một chiếc vali chứa đầy tiền mặt và chuyển lô hàng đến Mỹ, khẩu trang của chúng tôi đã đến Mỹ”, ông Geisel nói và không cung cấp thêm thông tin chi tiết hoặc bằng chứng.
Tuy nhiên, không phải tất cả tin tức đều xấu với Berlin. Hôm 6/4, thành phố cho biết sẽ giám sát một lô hàng mới cho cảnh sát của mình từ Trung Quốc.