Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Nước Mỹ đã trở lại, ngoại giao đã trở lại' cùng cuộc không kích Syria

Động thái mở đầu nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran của chính quyền Tổng thống Biden không phải đề nghị đàm phán với Tehran mà là đòn không kích vào miền Đông Syria.

my khong kich syria anh 1

Trong phát biểu về ưu tiên đối ngoại vào đầu tháng 2, Tổng thống Joe Biden hùng hồn khẳng định ngoại giao là gốc rễ trong xử lý các vấn đề quốc tế.

Trớ trêu thay, động thái đầu tiên của ông để hiện thực hóa cam kết hồi sinh thỏa thuận hạt nhân JCPOA với Iran lại không phải là đàm phán chính thức mà là một cuộc không kích. Bảy quả bom dội vào các căn cứ tại miền Đông Syria là gợi nhắc rõ nét về “ngoại giao” của kẻ mạnh.

Nghịch lý nước Mỹ

Chính quyền Mỹ giải thích cuộc không kích là lời đáp trả trực tiếp cho nhiều cuộc tấn công gần đây nhằm vào quân nhân Mỹ và liên quân tại Iraq, và đứng sau sự khiêu khích đó là các nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn.

Với lý do bảo vệ binh sĩ và đồng minh, Tổng thống Biden ra lệnh cho máy bay tiêm kích thả 7 quả bom dọc biên giới Syria - Iraq tối 25/2.

Chưa bàn đến tính chính danh và pháp lý của cuộc không kích, động thái quân sự đầu tiên này đặt ra nhiều nghịch lý về ngoại giao của chính quyền Biden.

Tổng thống Biden từng chỉ trích các cuộc không kích Syria của người tiền nhiệm Donald Trump năm 2017 và 2018 là “thất thường, bốc đồng” và gây thêm nguy hiểm cho công dân Mỹ. Quan chức trong chính quyền ông Biden cũng ra sức lên án hành vi sử dụng vũ lực của ông Trump.

Không những thế, nếu ông Trump mất 4 tháng để ra lệnh chiến dịch ném bom đầu tiên, ông Biden đưa ra quyết định này sau hơn 1 tháng nắm quyền tổng tư lệnh. Bom rơi trên đất Syria, nhưng cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Iran.

my khong kich syria anh 2

Thỏa thuận hạt nhân Iran ra đời dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AFP.

Con số thương vong trên đất Syria, hay chủ quyền của Syria không quan trọng bằng khả năng hồi sinh của thỏa thuận hạt nhân JCPOA - vốn "chết lâm sàng" từ tháng 5/2018 khi cựu Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi.

(Thông tin chính thức về thương vong chưa được công bố, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng 22 tay súng Hashed al-Shaabi đã thiệt mạng bên cạnh 3 xe chở vũ khí bị phá hủy).

Tổng thống Biden nói nhiều về hòa bình, hợp tác và các giá trị Mỹ, nhưng thực tế khi ông nắm quyền lại là một câu chuyện khác. Ông đã phát biểu khéo léo và ngoại giao hơn người tiền nhiệm, nhưng sẽ thật ngây ngô nếu nghĩ rằng ông sẽ điều hành đất nước và chính trị quốc tế bằng những lý tưởng trong bài phát biểu đó.

Nhìn vào lịch sử, từ Ronald Regan đến Joe Biden, đâu có tổng thống Mỹ nào bỏ qua “truyền thống” thả bom các quốc gia Trung Đông? Bom đạn ở đó, khi cần vẫn phải ném.

Giết gà hay dọa khỉ?

Những người theo dõi cuộc không kích mới đây hẳn thấy khó hiểu khi hàng loạt cái tên được đề cập trong các bài tường thuật sự kiện, gồm Syria, Iraq, và Iran.

Tựu trung, nước nhỏ vẫn là quân thí tốt trong bàn cờ chiến lược của các nước lớn. Không kích Syria tiềm ẩn ít nguy cơ hơn việc đánh bom trên lãnh thổ Iraq và làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Washington và Baghdad.

Chính quyền Biden dường như đã nhớ bài học từ thời Trump khi việc Mỹ không kích các cơ sở ủy nhiệm của Iran tại Iraq bị Baghdad xem là hành vi xâm phạm chủ quyền.

Syria do đó trở thành địa bàn lý tưởng. Đã 10 năm kể từ phong trào Mùa xuân Arab và Syria vẫn chìm trong bạo động và bất ổn. Các giải pháp ngoại giao liên tiếp thất bại, và các nước lớn trong và ngoài khu vực, từ Mỹ, Nga đến Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, thay nhau cày xới lãnh thổ Syria bằng bom đạn để theo đuổi lợi ích nước mình.

my khong kich syria anh 3

Syria đổ nát sau 10 năm nội chiến. Ảnh: Reuters.

Khi Syria dần trở thành chiến trường quen thuộc, chủ quyền trở nên bớt quan trọng, bom rơi cũng bớt phần bất ngờ.

Bảy quả bom vào các mục tiêu thứ yếu không thể chấm dứt hành vi khiêu khích của các nhóm phiến quân hay tiêu diệt thế lực thân Tehran tại Syria, nhưng có thể nhắc nhở chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad tiết chế hoạt động liên minh với Iran, đồng thời thể hiện sự cứng rắn của Mỹ trước khi bất kỳ đàm phán thỏa thuận JCPOA nào với Iran được nối lại.

Tuyên bố về ưu tiên đối ngoại của Tổng thống Biden trong sự kiện này là đúng, nhưng chỉ một nửa. Ông Biden chỉ trích kế hoạch rút quân khỏi Syria của ông Trump, xem đó là hành vi bỏ rơi đồng minh người Kurd tại khu vực.

Nước Mỹ đúng là đã quay trở lại và sát cánh cùng đồng minh, giữa lúc Israel tăng cường không kích các căn cứ của Iran và Hezbollah tại Syria. Nhưng các biện pháp ngoại giao đã nhường chỗ cho sức mạnh cơ bắp.

Từng chất vấn tính pháp lý của hai cuộc không kích Syria dưới thời Trump, chính quyền Biden cũng bị cáo buộc xâm phạm chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Lãnh thổ nước nhỏ một lần nữa trở thành chiến trường để phát tín hiệu của nước lớn.

Trớ trêu là suốt 10 năm qua, Syria vẫn chưa thể thoát khỏi tình thế trâu bò mới gầm ghè nhau mà ruồi muỗi đã chết. Bảy quả bom của Mỹ ném xuống đúng 3 tuần trước ngày được coi là kỷ niệm 10 năm cuộc nội chiến ở Syria bùng phát (15/3/2011-15/3/2021).

Tên lửa đi trước, hiệp ước theo sau

Cuộc không kích xảy ra trong bối cảnh Mỹ và Iran đều thể hiện mong muốn tái đàm phán thỏa thuận JCPOA.

Nội tại, ông Biden phải cân bằng giữa việc hồi sinh thỏa thuận mà nhiều thành phần trong đội ngũ của mình đã đầu tư nhiều vốn liếng chính trị dưới thời Obama và sự phản đối của quốc hội.

Đồng thời, Mỹ cùng Iran tham gia một cuộc chơi đổ lỗi qua lại khiến đàm phán khó thoát khỏi tình thế bế tắc. Iran chỉ trích Mỹ vi phạm đầu tiên khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận và yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận trước.

Trong khi đó, Mỹ kiên quyết đòi Iran phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trước khi có bước tiến trong đàm phán. Mỹ không được phép thể hiện một bộ mặt mềm yếu.

my khong kich syria anh 4

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP.

Nhiều người cho rằng cuộc không kích sẽ có thể làm đổ vỡ khả năng hai nước quay trở lại bàn đàm phán và thỏa thuận JCPOA sẽ chết vĩnh viễn. Nhưng trên thực tế, chính quyền hai bên đều mong muốn cứu sống thỏa thuận này.

Tehran bắt đầu thấm đòn “áp lực tối đa” từ thời Trump và có một số cam kết nhượng bộ với IAEA. Mỹ dưới thời ông Biden khao khát tạo dấu ấn khác biệt với chính quyền Trump trong chính sách Trung Đông. Việc dồn sức vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đòi hỏi Mỹ phải dàn xếp ổn thỏa với Iran để rảnh tay đối đầu với Trung Quốc.

Do đó, cuộc không kích có thể coi là một bước đi chiến thuật. Nếu coi các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Mỹ và liên quân là hành vi dò xét ý chí và quyết tâm của chính quyền mới tại Trung Đông, 7 quả bom như một lời cảnh báo rằng Mỹ sẽ không dễ dàng nhân nhượng Iran để đạt một thỏa thuận hình thức và không có lợi cho mình.

Vũ lực trong giới hạn giúp Mỹ thể hiện độ lỳ và quyết tâm không nhượng bộ để thuyết phục Iran đàm phán. Việc vạch ra lằn ranh đỏ từ sớm giúp Mỹ thể hiện hình ảnh và lập trường cứng rắn. Nói cách khác, đây là một nước cờ trong màn đấu trí giữa hai bên để tạo thế thuận lợi trong đàm phán.

Điều đáng nói là bước đệm cho đàm phán không phải là các nỗ lực ngoại giao, mà là việc sử dụng vũ lực. Điều này dường như trái với tuyên bố của Tổng thống Biden về việc lấy ngoại giao làm gốc trong xử lý các vấn đề quốc tế.

Dù gì đi nữa, Mỹ vẫn là một cường quốc có ưu thế về sức mạnh quân sự. Bất kể chủ nhân Nhà Trắng là ai đi chăng nữa, khi cần thiết, dường như vũ lực vẫn là thứ công cụ yêu thích để đi đầu mở đường cho tiến trình ngoại giao về sau của Mỹ.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

10 năm ở Syria

10 năm nội chiến ở Syria làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng, buộc một nửa trong 23 triệu dân nước này phải rời bỏ nhà cửa, để lại những ký ức kinh hoàng.

Anh đánh dấu 10 năm cuộc xung đột Syria bằng đòn trừng phạt mạnh

Lệnh trừng phạt mới được chính phủ Anh đưa ra đúng vào dịp 10 năm nổ ra cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nỗ lực tái khởi động quan hệ Mỹ - Trung sẽ đổ vỡ?

Căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu cải thiện dưới thời Tổng thống Biden. Nỗ lực tái khởi động mối quan hệ này có nguy cơ đổ vỡ, với nguyên nhân từ cả hai phía.

Mậu Thăng*

Bạn có thể quan tâm