Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nước Mỹ cũng không hoàn hảo trong vấn đề LGBTQI+

Dù chính quyền Mỹ nỗ lực thúc đẩy các chính sách tích cực cho cộng đồng LGBTQI+, những vụ tấn công hoặc các động thái kỳ thị nhắm vào nhóm này vẫn đang xảy ra.

Là một trong những quốc gia tích cực vận động các phong trào bảo vệ người đồng tính và chuyển giới, song Mỹ vẫn chứng kiến không ít vụ bạo lực gây thiệt mạng với cộng đồng LGBTQI+.

Nhận thức được điều đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm duy trì quyền lợi của cộng đồng người đồng tính và chuyển giới thông qua luật pháp. Tháng 6, ông Biden ký sắc lệnh hành pháp nhằm bảo vệ người có bản dạng giới khác biệt khỏi hàng loạt quy định bảo thủ nhắm vào quyền của cộng đồng LGBTQI+ trong việc tiếp cận y tế.

“Lệnh của tôi sẽ sử dụng toàn bộ lực lượng của chính phủ liên bang để ngăn chặn các hành vi trị liệu chuyển đổi vô nhân đạo”, tổng thống Mỹ chia sẻ trước sự hoan nghênh của những người ủng hộ sắc lệnh.

Tuy nhiên, sắc lệnh của ông dường như vẫn chưa mang lại giải pháp cho việc ngăn chặn các cuộc tấn công bạo lực đối với cộng đồng LGBTQI+.

Tính đến tháng 11, ít nhất 32 trường hợp người chuyển giới và người có bản dạng giới khác biệt bị sát hại tại Mỹ trong năm nay. Gần đây nhất là vụ xả súng tại hộp đêm đồng tính ở Colorado Springs vào ngày 20/11 khiến 5 người thiệt mạng và 18 người bị thương.

Sau vụ xả súng, chính quyền Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự thương tiếc và kêu gọi bảo vệ, hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng LGBTQI+. “Chúng ta cần phải làm nhiều điều hơn nữa”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Theo bà Jessica Stern - Đặc phái viên tại Bộ Ngoại giao Mỹ về thúc đẩy quyền cho cộng đồng LGBTQI+, động thái từ chính quyền đã cho thấy nỗ lực trong việc bảo vệ và đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBTQI+. Tuy nhiên, bà thừa nhận Mỹ chưa có giải pháp tối ưu cho tất cả vấn đề liên quan và rằng không quốc gia nào, bao gồm Mỹ, "hoàn hảo" khi nói tới vấn đề này.

LGBT Viet Nam anh 1

Bà Jessica Stern, Đặc phái viên của Mỹ về thúc đẩy quyền người đồng tính, song tính, chuyển giới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thay đổi tích cực từ chính phủ và giới trẻ Việt Nam

- Mục tiêu chuyến thăm Việt Nam lần này của bà là gì?

- Tôi đến đây để tham dự một hội nghị khu vực về LGBTQI+ trên toàn châu Á. Tôi rất hân hạnh khi được góp mặt ở đây và chứng kiến nhận thức về LGBTQI+ của khu vực đã và đang thay đổi. Tại hội nghị, nhiều nhóm đang tiến hành chỉnh sửa luật và chính sách, phần nào phản ánh cuộc sống của họ. Tôi rất mong muốn được học hỏi trực tiếp từ họ, đó là ưu tiên hàng đầu.

Ưu tiên thứ hai trong chuyến đi là cuộc gặp gỡ với chính phủ Việt Nam. Đây là chuyến thăm thứ hai của tôi đến Việt Nam trong năm nay, và tôi đã có cuộc gặp mang tính xây dựng trong lần trước. Vì vậy, tôi muốn tiếp tục các cuộc trò chuyện và thảo luận.

Với tư cách đại diện chính phủ Mỹ, chúng tôi không có tất cả câu trả lời về các vấn đề LGBTQI+. Vì vậy, tôi ở đây để học hỏi từ chính phủ Việt Nam và cống hiến cho hệ thống nhiều nhất trong khả năng của chính phủ Mỹ.

Cuối cùng, ưu tiên thứ ba đó là gặp gỡ cộng đồng và các tổ chức LGBTQI+ tại Việt Nam. Họ thực sự là những chuyên gia hiểu rõ bản thân muốn gì, và hiểu rõ những gì chúng tôi có thể giúp đỡ và hỗ trợ họ trong công tác xây dựng và phát triển cộng đồng LGBTQI+.

- Bà có những kế hoạch gì sau chuyến thăm Hà Nội vào tháng 5 vừa qua?

- Khi tôi đến thăm Hà Nội vào tháng 5, tôi đã đề cập một số vấn đề khác nhau. Tôi đã đề xuất về luật khẳng định giới tính; lắng nghe những thay đổi bộ luật gia đình vào năm 2024; xem xét hôn nhân bình đẳng ở Việt Nam; và thảo luận về những sai lầm trong nhận thức của một số người cho rằng LGBTQI+ là một căn bệnh về tâm thần.

Tôi rất vui vì chúng tôi đã có một cuộc thảo luận, trò chuyện rất cụ thể và cởi mở, dựa trên nhiều năm đối thoại giữa hai chính phủ.

Một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất sau chuyến đi đó là khi tôi nhận được thư của cơ quan chức năng Việt Nam vào tháng 8 vừa rồi. Trong thư, Việt Nam khẳng định rằng đồng tính luyến ái và chuyển giới không phải là bệnh, hay bất kỳ chứng rối loạn sức khỏe tâm thần nào.

Hơn thế nữa, chính phủ cũng cho hay không cơ sở y tế nào được phép thực hiện các dịch vụ hoặc can thiệp nhằm thay đổi xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới.

LGBT Viet Nam anh 2

Một sự kiện dành cho cộng đồng LGBTQI+ tại TP.HCM hồi tháng 7. Ảnh: Duy Hiệu.

- Theo bà, đâu là những thách thức chung mà cộng đồng LGBTQI+ ở Việt Nam và các nước châu Á đang phải đối mặt?

- Cộng đồng LGBTQI+ toàn thế giới đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bạo lực, điều này không chỉ xảy ra duy nhất tại bất kỳ quốc gia nào.

Trên khắp châu Á, tôi thấy có những người LGBTQI+ không được chấp nhận ở thị trường lao động tầm trung, họ bị bắt nạt trong trường học, trở nên vô hình trong gia đình.

Trên các phương tiện truyền thông, những người LGBTQI+ cũng chia sẻ việc trải qua cảm giác xấu hổ về con người, giới tính của họ. Thậm chí tệ hơn, họ phải chịu bạo lực gia đình và bị bạo hành khi còn nhỏ.

Ở mặt khác, LGBTQI+ đang trở thành cộng đồng có tổ chức hơn, biết yêu cầu quyền lợi cho mình, và kết quả mà họ nhận được là sự thay đổi trong thái độ nhìn nhận của xã hội. Sự công nhận LGBTQI+ đang tăng lên trong khu vực và ở nhiều quốc gia, chúng tôi hy vọng các chính phủ sẽ cùng bắt kịp với sự thay đổi thái độ của người dân.

- Chính quyền Mỹ đã có những chính sách ủng hộ cộng đồng LGBTQI+, song những vụ tấn công nhắm vào cộng đồng LGBTQI+ vẫn diễn ra. Quan điểm của bà về vấn đề trên là gì?

- Gần đây đã xảy ra một cuộc tàn sát ở Colorado Springs. Sự việc này rõ ràng chỉ ra rằng Mỹ không có tất cả câu trả lời cho các vấn đề LGBTQI+. Sự thù ghét và phân biệt đối xử với người LGBTQI+ ở Mỹ vẫn tồn tại.

Tôi nghĩ điều này cũng là một phần động lực thúc đẩy chuyến đi của tôi đến đây và công việc của tôi trên toàn cầu, vì không có quốc gia nào hoàn hảo khi giải quyết các vấn đề liên quan đến LGBTQI+.

Vì vậy, tôi không nhận thấy sự mất kết nối. Tôi nghĩ rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đã thực sự rõ ràng về những ưu tiên của mình.

Ông Biden đã ban hành một bản ghi nhớ của tổng thống trong tháng đầu tiên nhậm chức, nói rõ rằng chính quyền Mỹ cam kết nỗ lực vì sự an toàn và an ninh của cộng đồng LGBTQI+ ở Mỹ và toàn thế giới. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi nghĩ mình hoàn hảo, chúng tôi cam kết trở thành một phần của giải pháp.

Giải pháp xây dựng môi trường bình đẳng hơn cho cộng đồng LGBTQI+

- Vẫn còn sự kỳ thị diễn ra bởi vài cá nhân chưa chấp nhận, và điều này khiến nhiều người trong cộng động LGBTQI+ chưa có cơ hội công khai xu hướng tính dục. Bà có lời khuyên nào dành cho hai phía?

LGBT Viet Nam anh 3

Bà Stern cho rằng không nên chần chừ trong việc trong việc đề cao nhân quyền, bình đẳng cho mọi người. Ảnh: Quỳnh Danh.

- Đối với những người chưa có nhận thức đúng về LGBTQI+, tôi sẽ chỉ ra rằng đây không phải là một khái niệm mới, Việt Nam và thế giới đã luôn có những người thuộc cộng đồng LGBTQI+. Mọi người đều sẽ quen biết những người đồng tính nữ/đồng tính nam/song tính/chuyển giới/liên giới tính hoặc có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt.

Chúng ta đã gặp người LGBTQI+ trong gia đình, tại nơi làm việc, trong khu phố của ta. Vì vậy, nếu bất kỳ ai vẫn còn những thắc mắc, họ nên nhìn xung quanh cộng đồng của mình. Tôi tin chúng ta sẽ nhận ra người thuộc cộng đồng LGBTQI+ là những người ta quen biết, yêu thương và tôn trọng, và họ xứng đáng được bình đẳng.

Về những người LGBTQI+ chưa công khai, tôi tin rằng họ sẽ có cơ hội công khai vào thời điểm của riêng mình, theo đúng “nhịp độ” của riêng họ. Không ai nên bị ép buộc công khai khi họ chưa sẵn sàng.

Thông điệp chính mà tôi dành cho họ là họ xinh đẹp theo đúng bản chất của mình, là LGBTQI+ chính là một món quà, và tôi hy vọng họ cảm thấy tuyệt vời khi tìm thấy sự thật này trong chính mình.

- Phía Mỹ đã có trao đổi gì trong những cuộc thảo luận với Việt Nam về luật chuyển giới và hôn nhân đồng giới?

- Về luật khẳng định giới tính, tôi cho rằng chúng ta cần xem xét những thông lệ tốt nhất trên thế giới. Chúng tôi tin rằng cộng đồng LGBTQI+, đặc biệt là những người chuyển giới sẽ an toàn hơn và có thể đóng góp cho xã hội khi bản dạng giới của họ được hợp pháp hóa. Bởi vì họ sẽ không có lợi nếu như không có sự nhất quán giữa văn bản pháp luật và bản dạng giới thực tế của họ.

Tôi đã xem xét các ví dụ từ khắp nơi trên thế giới như Argentina, Nepal, nơi bạn có thể chọn đánh dấu giới tính X hoặc giới tính thứ ba. Ở Argentina và Nepal đã có những ví dụ điển hình nhất về luật quyền của người chuyển giới.

Từ đó, tôi tập trung vào những bài học kinh nghiệm, những gì hiệu quả, bởi vì Việt Nam cam kết giải quyết vấn đề này. Khuyến nghị của tôi là sử dụng tiêu chuẩn cao nhất và thực tiễn tốt nhất mà chúng ta đã học được từ các chính phủ khác về hôn nhân bình đẳng. Tôi nhấn mạnh rằng tất cả gia đình nên được đối xử bình đẳng.

Bên cạnh đó, tôi đã nói chuyện với nhiều cặp đôi và gia đình LGBTQI+ tại Việt Nam, những người thực sự muốn được công nhận, có quyền và lợi ích mà chỉ hôn nhân mới có thể mang lại.

Một trong những điều thú vị là tôi đã nhận được nhiều câu hỏi quan tâm từ các quan chức chính phủ Việt Nam về việc nước Mỹ đã thay đổi như thế nào sau khi hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng. Việc hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng đã thực sự làm cho định chế hôn nhân trở nên mạnh mẽ hơn đối với mọi người và tạo ra sự hòa hợp xã hội hơn ở Mỹ.

LGBT Viet Nam anh 4

Người dân đặt hoa và đồ vật tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng vào hộp đêm đồng tính ở Colorado Springs, Mỹ, vào ngày 20/11. Ảnh: Reuters.

- Khi nhắc đến sự hòa hợp của xã hội, cộng đồng LGBT Việt Nam đang đứng giữa các vấn đề pháp lý và sự chấp nhận xã hội. Theo bà, đâu mới là ưu tiên hàng đầu?

- Tôi nghĩ rằng các chính phủ không nên chần chừ trong việc đề cao quyền, đề cao sự bình đẳng, vì bình đẳng dành cho mọi người. Trên thực tế, đa số đôi khi áp bức thiểu số, nhưng áp bức không bao giờ là điều đúng đắn.

Giới học thuật đã cho chúng ta thấy rằng khi chính phủ khẳng định quyền của các nhóm yếu thế, xã hội sẽ thay đổi thái độ, và điều đó cũng đúng ở Việt Nam.

Khi chính phủ Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm hôn nhân đồng giới, đã có một sự thay đổi thái độ tích cực ở Việt Nam. Các phương tiện truyền thông bắt đầu đưa nhiều hình ảnh đại diện hơn cho các nhân vật LGBTQI+ và các câu chuyện về LGBTQI+ ở Việt Nam.

Thái độ sẽ còn thay đổi, nhưng chúng ta không nhất thiết phải chờ đợi để tăng cường sự an toàn và an ninh cho mọi người. Chính phủ nên hành động ngay từ cơ hội đầu tiên.

- Còn có khoảng cách trong nhận thức về bình đẳng giới giữa thế hệ trẻ và thế hệ lớn hơn, bà có lời khuyên gì để giải quyết khoảng cách hiểu biết giữa hai thế hệ?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng có những người LGBTQI+ lớn tuổi, họ đã luôn ở đó, họ chỉ không xác định rõ ràng bằng ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng ngày nay. Họ không cảm thấy an toàn khi dắt tay nhau dạo trên phố, không được tiếp cận với hôn nhân bình đẳng. Vì vậy, không dễ để nhận biết rõ ràng việc họ là một cặp chứ không chỉ là bạn bè hay bạn cùng phòng.

Trong khi đó, giới trẻ Việt Nam đang rất quan tâm đến bình đẳng giới và quyền của LGBTQI+. Và đó là con đường phía trước của Việt Nam. Trong tương lai, sẽ chỉ có nhiều quyền hơn, nhiều sự thể hiện hơn và nhiều lễ kỷ niệm hơn về LGBTQI+.

Với tư cách là một người đang ở độ tuổi trung niên, tôi hy vọng các đồng nghiệp và những người lớn tuổi quanh tôi cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Bởi nếu chúng ta không theo kịp, chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau.

Lời khẳng định đáng khích lệ với cộng đồng LGBT Các chuyên gia đánh giá công văn vừa qua của Bộ Y tế, với lời khẳng định LGBT không phải một căn bệnh, là tiếng nói chính thức mà cộng đồng này hằng mong đợi.

Khát vọng sống thật của cộng đồng LGBT

Zing giới thiệu 10 cuốn sách ấn tượng, tôn vinh sự đa dạng và tự hào của cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.

Chủ nhà Qatar lên tiếng về băng OneLove tại World Cup

Trưởng ban tổ chức World Cup Qatar cho biết ông coi chiếc băng tay cầu vồng là sự phản đối các giá trị Hồi giáo.

Chiếc băng đội trưởng thổi bùng tranh cãi tại World Cup 2022

Việc FIFA dọa phạt các đội trưởng đeo băng OneLove ở World Cup đã thổi bùng tranh cãi giữa cơ quan này và 7 đội bóng liên quan, trở thành vấn đề chú ý kéo dài bên lề các trận đấu.

Thanh Lâm - Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm