“Tôi rất vui mừng, đó là điều mà tôi đã chờ đợi từ lâu”, ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện iSEE, chia sẻ trong buổi talkshow do Zing tổ chức, trước công văn mới nhất được Bộ Y tế ban hành vào ngày 8/8, nhằm chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh, không coi đồng tính là một bệnh và yêu cầu không can thiệp, ép buộc điều trị.
Văn bản này sau đó đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều cá nhân, tổ chức khác trong xã hội.
“Khi bắt đầu hiểu về bản thân, tôi nhận ra dường như những tài liệu mà tôi đọc được không phù hợp hay phản ánh đúng con người mình. Đến khi đi làm và có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, tôi hiểu rằng có những kiến thức thế giới đã thừa nhận từ lâu nhưng ở Việt Nam (vẫn chưa phổ biến)", ông Huy nói.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang (trái), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper (thứ hai từ trái sang) và ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện iSEE (thứ ba từ trái sang). Ảnh: Việt Linh. |
Giờ đây, công văn của Bộ Y tế là lời khẳng định rõ ràng và dứt khoát rằng đồng tính không phải bệnh. “Chúng ta không thể và không nên ép buộc thay đổi xu hướng tính dục hay bản dạng giới của một người”, ông Huy nhấn mạnh.
Trong buổi trao đổi, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cũng đánh giá cao công văn của Bộ Y tế.
“Chúng tôi rất hoan nghênh bước tiến này và sẽ cùng hợp tác với cộng đồng LGBTQ+ cũng như chính phủ Việt Nam về vấn đề này. Tôi tin rằng đồng tính không phải một căn bệnh. Chúng ta đều chào đón cộng đồng LGBT. Và chính phủ hai nước đã cố gắng thúc đẩy quyền lợi của cộng đồng này”, vị đại sứ chia sẻ.
Pháp luật và nhận thức
Theo chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Y tế), công văn hôm 8/8 của Bộ Y tế “là sự khẳng định quan điểm nhất quán của nhà nước, chính phủ và Bộ Y tế với cộng đồng LGBTQ+”.
“Chúng ta đã có Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập đến cộng đồng LGBTQ+. Đặc biệt quyền chuyển đổi giới tính đã được công nhận trong Bộ luật Dân sự 2015. (Những điều luật này) là bước tiến rất lớn của chính phủ Việt Nam trong việc đánh giá cộng đồng LGBTQ+ trên góc độ quyền con người”, ông Quang nói.
“Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi nhóm bệnh về tâm thần và rối loạn hành vi (trong Danh mục các bệnh Quốc tế ICD). Do đó, tất cả hành vi của cơ sở khám chữa cho đối tượng này đều vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Và công văn mới nhất của Bộ Y tế đã tái khẳng định điều này”, ông cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Y tế), tại buổi talkshow. Ảnh: Việt Linh. |
Có thể thấy, các chuyên gia đều nhất trí rằng công văn mới của Bộ Y tế là đáng khích lệ, thể hiện tính chất ngày càng bao trùm của chính sách y tế Việt Nam.
Ông Lương Thế Huy nhấn mạnh sự thay đổi về chính sách đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng chuẩn mực và suy nghĩ, cũng như hành vi ứng xử của người dân.
“Những điều pháp luật hay chính sách đã thừa nhận sẽ được xem là chuẩn mực trong xã hội. Do đó, dù cả hai khía cạnh có vai trò quan trọng như nhau, tôi vẫn có xu hướng ưu tiên thay đổi chính sách”, ông chia sẻ.
Tiến sĩ Quang cho rằng việc thay đổi chính sách, chẳng hạn xây dựng luật về chuyển đổi giới, là cả một quá trình định hướng và vận động mất rất nhiều thời gian.
Theo ông Quang, “để có sự thay đổi trong đời sống hàng ngày của người dân và giúp cộng đồng LGBTQ+ hòa mình với xã hội, chúng ta phải có những cuộc vận động mang tính giáo dục, thuyết phục, truyền thông để thay đổi nhận thức”.
“Và ý kiến của những người có chuyên môn, các nhà hoạch định chính sách và quan chức sẽ nhanh chóng tạo ra tác động sâu rộng”, ông nói.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper (trái) và ông Lương Thế Huy (phải) chia sẻ về những khó khăn của cộng đồng LGBTQ+. Ảnh: Việt Linh. |
“Không đơn độc”
Theo chia sẻ của ông Quang, khi chưa có quy định pháp luật, nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ+ phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử, khiến họ không thể có cuộc sống bình thường, chẳng hạn gặp khó khăn khi tìm việc làm, học tập hay hòa nhập cộng đồng.
Đồng tình, ông Huy cũng chia sẻ những hiểu lầm của một số người trong xã hội về cộng đồng LGBTQ+. "Khi nghe thấy ‘cộng đồng LGBTQ+ đang đấu tranh’, có người sẽ đặt câu hỏi họ ‘đấu hoặc tranh với ai’. Một số người còn nói rằng nếu cộng đồng LGBTQ+ muốn bình thường, hãy cứ sống bình lặng thay vì tổ chức lễ hội, diễu hành...”, ông nói.
Tuy nhiên, cộng đồng LGBTQ+ là những người thuộc nhóm thiểu số và khi các quyền cơ bản nhất, chẳng hạn kết hôn với người mình mong muốn, chưa được quy định trong pháp luật, họ sẽ luôn nghĩ về nó mỗi ngày, vị chuyên gia giải thích.
Đại sứ Knapper chia sẻ thêm rằng nước Mỹ cũng đã mất một khoảng thời gian dài để thay đổi chính sách và nhận thức xã hội” đối với người thuộc nhóm này.
“Tôi có bạn bè và người thân là những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ và (khoảng thời gian đó) thực sự khó khăn đối với họ. Không quốc gia nào hoàn hảo, nước Mỹ chắc chắn cũng không, nhưng chúng tôi đã cố gắng”, ông nói.
Người dân tham gia ngày hội xóa bỏ những định kiến về cộng đồng LGBTQ+ tại TP.HCM năm 2017. Ảnh: Thanh Tùng. |
Đại sứ cũng nhấn mạnh “điều quan trọng là chính sách, pháp luật của Mỹ phản ánh những thay đổi trong xã hội, cũng giống như xã hội tuân theo những thay đổi trong pháp luật”.
“Dù không hoàn hảo, chúng tôi đã và đang cố gắng đảm bảo rằng các thành viên của cộng đồng LGBTQ+ không bị phân biệt đối xử, được công nhận và trao cơ hội đầy đủ giống như bất kỳ ai khác tại Mỹ”, ông cho biết.
Song Đại sứ Knapper lưu ý rằng mọi thứ phải được tiến hành từng bước. “Không có gì thay đổi trong một sớm một chiều. Chúng ta cần kiên trì và sống đúng với giá trị của mình, giá trị của sự bình đẳng, hòa nhập và tôn trọng sự đa dạng”, ông chia sẻ.
Vị đại sứ cũng chia sẻ những kế hoạch hỗ trợ cộng đồng LGBTQ+ với quy mô lớn hơn trong thời gian tới.
“Các Đại sứ quán Mỹ rất chú ý đến quyền của cộng đồng LGBTQ+. Chúng tôi tin rằng việc được công nhận và bảo vệ là những quyền cơ bản của họ. Vì vậy, Đại sứ quán Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để tôn vinh, thúc đẩy sự thấu hiểu và giáo dục thông qua các lễ hội cho cộng đồng LGBTQ+ (pride event)”, ông nói.