AP miêu tả vào những ngày này, các thẩm phán đang nghe nhiều lời ăn năn đầy xúc động và cả các lý do biện minh từ những người tham gia vụ bạo loạn tại Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ), bất chấp vụ tấn công vào trái tim của nền dân chủ Mỹ hôm 6/1/2021 đang bị nhiều người hạ thấp mức độ nghiêm trọng.
Sự hối hận muộn màng
Trong số các bị cáo, có người là giám đốc điều hành một công ty, là kiến trúc sư, là một trung tá không quân đã nghỉ hưu, một chủ sở hữu phòng tập thể hình, một cựu cảnh sát Houston hay một sinh viên đại học. Nhiều người nói rằng họ đã mất công việc và bị bạn bè xa lánh sau khi tham gia cuộc bạo loạn.
Là chủ một doanh nghiệp ở Florida, Robert Palmer đã cổ vũ cho bạo lực tại Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ) hôm 6/1/2021 trước khi tham gia vào vụ bạo loạn. La hét những lời tục tĩu, anh ta ném ván gỗ và bình chữa cháy vào các sĩ quan cảnh sát đang cố gắng ngăn cản đám đông.
Gần một năm sau, khi phải ra hầu tòa án liên bang và bị kết án hơn 5 năm tù, Palmer đã không kìm nén được cảm xúc. Anh nói rằng bản thân rất "sốc, hoàn toàn suy sụp" trước những gì đã làm.
“Tôi rất xấu hổ vì đã tham gia việc đó,” Palmer nói với thẩm phán Tanya Chutkan vào ngày 17/12/2021, trước khi bị tuyên án. Bản án mà anh nhận là án tù dài nhất cho một người từng tham gia vụ bạo loạn tính đến thời điểm này.
Tờ rơi của FBI truy tìm những người từng tham gia vụ bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP. |
Những lý do biện minh
Những lý do biện hộ của các bị cáo thường giống nhau: Họ bị cuốn theo khoảnh khắc lúc đó và chỉ làm theo đám đông xông vào Điện Capitol. Họ không thấy có bạo lực hoặc sự phá hoại nào. Họ nghĩ rằng cảnh sát đang cho họ vào tòa nhà. Họ khẳng định họ đến để biểu tình một cách ôn hòa.
Những lời biện hộ thường được đưa ra khi các bị cáo đối diện với quá nhiều chứng cứ buộc tội từ các đoạn phim dài hàng nghìn giờ được thu bởi các máy quay an ninh, điện thoại thông minh, hay camera gắn trên người cảnh sát. Nhiều người còn khoe khoang "chiến tích" của họ trên mạng xã hội sau vụ bạo loạn.
Anna Morgan-Lloyd, người đầu tiên bị kết án, đã nói với thẩm phán Royce Lamberth vào tháng 6 rằng cô cảm thấy xấu hổ về “sự bạo lực dã man” tại Điện Capitol. Tuy nhiên, một ngày sau, người phụ nữ này nói trên Fox News rằng mọi người “rất lịch sự” trong cuộc bạo động và cô không cho rằng vụ tấn công ngày 6/1/2021 là một cuộc nổi dậy.
Sự bất nhất của cô ấy không thể qua mặt thẩm phám Lamberth. Thẩm phán cho biết “hy vọng của ông đã tan thành mây khói” khi cuộc phỏng vấn của Morgan-Lloyd trên đài Fox News "mâu thuẫn trực tiếp với những lời lẽ ân hận" mà cô ấy từng nói trước tòa.
Bức ảnh được chụp qua camera gắn trên người cảnh sát hôm vụ bạo loạn xảy ra ngày 6/1/2021. Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ. |
Cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc
Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về vụ bạo loạn hiện đã bước vào giai đoạn truy tố. Cho đến nay, 71 người đã bị kết án vì các tội danh liên quan đến vụ bạo loạn.
56 trong số 71 người này đã bị kết tội ở mức độ nhẹ về hành vi diễu hành, biểu tình hoặc cản trở hoạt động trong Tòa nhà Quốc hội. Hầu hết trong số họ bị kết án quản thúc tại gia hoặc các án tù được tính bằng tuần hoặc tháng, theo thống kê của AP. Tuy nhiên, những người có hành vi tấn công cảnh sát phải chịu mức án nặng hơn, lên đến hàng năm trời.
Dù đã truy tố hàng trăm người, Bộ Tư pháp vẫn hứng chịu chỉ trích vì chưa đủ mạnh tay đối với những người từng tham gia vụ bạo loạn, và vì họ đã không cáo buộc bất kỳ cá nhân nào tội danh phản quốc hoặc kích động bạo loạn. Tuy nhiên, việc truy tố những tội nghiêm trọng có thể diễn ra sau khi đã truy tố các tội danh nhẹ và ít nghiêm trọng hơn.
Ít nhất 165 người đã nhận tội cho đến nay, hầu hết là những tội danh có thể bị mức án tối đa là 6 tháng tù. Có hàng chục vụ liên quan đến các tội nghiêm trọng hơn vẫn đang được xử lý. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hơn 220 người đã bị buộc tội tấn công hoặc cản trở các nhân viên thực thi pháp luật tại Điện Capitol. Tính từ tháng 11/2021, ba người trong số họ đã bị kết án tù, mức án từ hơn 3 năm đến chỉ hơn 5 năm.
Một số thẩm phán đã bác bỏ đề nghị án tù của các công tố viên. Thẩm phán Trevor McFadden, người được Tổng thống Donald Trump đề cử, cho biết việc những người phạm tội lần đầu nhận án tù vì các tội danh bất bạo động là điều “gần như chưa từng có”.
Nhiều vụ nổi cộm khác vẫn chưa được giải quyết. Hàng chục người có liên hệ với các nhóm cực đoan đã bị buộc tội âm mưu thực hiện các cuộc tấn công phối hợp vào Điện Capitol. Trong đó hơn 20 bị cáo có liên quan đến nhóm chống chính phủ Oath Keepers (Những người giữ lời thề) và ít nhất 16 bị cáo có liên quan đến nhóm cực hữu Proud Boys (Tạm dịch: Những chàng trai tự hào).
Ít nhất năm người liên quan đến nhóm Oath Keepers đã nhận tội. Ít nhất một thành viên của Proud Boys đã nhận tội và đồng ý hợp tác với các công tố viên. Hiện chưa có ai dính líu đến những nhóm trên bị kết án phạt.
Dữ liệu về số phận pháp lý của những người có liên quan đến vụ bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ tính đến 28/12/2021. Đồ họa: AP. |
Khoảng 20 phiên xét xử đã được lên lịch cho năm nay. Anthony Mariotto, một người Florida bị kết án ba năm quản chế và phải nộp phạt 5.000 USD, cho biết anh ta “bị cuốn theo khoảnh khắc lúc đó” nhưng vẫn ý thức rằng anh đã phạm luật khi xông vào Điện Capitol.