Bão Mocha đã gây ra hậu quả lớn tại Myanmar, đặc biệt tại bang Rakhine. Ảnh: Reuters. |
Trong làn nước mắt, ông Abdul Hussein, cư dân bang Rakhine miền Tây Myanmar, kể lại về ngày ông mất vợ và ba con gái do nước lũ.
Khi nước lên, gia đình ông bỏ chạy đến nơi cao hơn nhưng bị chia tách. Hầu hết đến được nơi an toàn. Tuy nhiên, vợ ông Hussein và ba con gái - lần lượt 20, 18 và 11 tuổi - không thoát khỏi dòng nước dữ, theo CNN.
“Nước đã cuốn họ đi mất”, ông Hussein than thở. Khi nước rút, ông đã tìm thấy và chôn cất thi thể người thân.
Bang Rakhine ven vịnh Bengal là nơi hứng chịu tác động nặng nề nhất của bão Mocha. Tốc độ gió có lúc lên tới hơn 200 km/h, khiến Mocha trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Myanmar trong lịch sử.
Các đoạn video được ghi nhận từ hiện trường và lời kể của nhân chứng cho thấy khu vực đã bị tàn phá trên diện rộng. Các đống đổ nát kéo dài nhiều cây số. Ước tính hơn 400 người có thể đã thiệt mạng do lũ lụt, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn do giao thông và thông tin liên lạc đang gặp nhiều khó khăn.
Cơn bão hủy diệt
Một chiến dịch khắc phục hậu quả đã được khởi động để trợ giúp hàng triệu người bị ảnh hưởng do bão. Tuy nhiên, nguồn dự trữ nước sạch và nhiên liệu đang dần cạn kiệt. Nhu cầu nơi ăn chốn ở và thuốc men cũng đang rất cấp bách, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA).
Các cơ quan cứu trợ cho biết họ đã có thể tiếp cận những cộng đồng bị ảnh hưởng, một tuần sau khi bão đổ bộ, nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
“Trong những ngày qua, những nguồn hỗ trợ nhân đạo ban đầu đã được vận chuyển tới bằng xe tải. Các cơ quan nhân đạo đang tìm các cách đưa hàng hóa hỗ trợ tới vùng ảnh hưởng, từ cả trong lẫn bên ngoài đất nước, nhưng vẫn đang chờ phê duyệt”, OCHA cho biết.
Mocha được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Myanmar trong lịch sử. Ảnh: Reuters. |
“Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhiên liệu - cụ thể là nhiên liệu phục vụ các dịch vụ công thiết yếu như y tế và xử lý nước - vẫn đang xảy ra. Một số nhu cầu cấp bách khác là chỗ trú ẩn, lương thực, thuốc men và dịch vụ y tế”, cơ quan của Liên Hợp Quốc bổ sung.
Trong khi bang miền Tây Rakhine bị bão đổ bộ trực tiếp, Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 150.000 người ở vùng Tây Bắc đất nước - như bang Chin và vùng Sagaing - cũng bị ảnh hưởng nặng nề một cách gián tiếp. Nhiều ngôi nhà, trường học đã bị phá hủy.
Tình hình còn tồi tệ hơn trong bối cảnh Myanmar vẫn đang phải đối mặt với cuộc xung đột vũ trang giữa các phe phái kể từ sau cuộc chính biến đầu năm 2021, đưa chính phủ quân sự lên cầm quyền thay thế chính phủ dân sự.
Một cư dân thành phố Magway - nơi có khoảng 11.000 gia đình bị ảnh hưởng bởi bão - cho biết chồng bà đã thiệt mạng do lũ lụt gây ra bởi bão Mocha.
Bà cho biết gia đình bà trước đó đã phải chuyển đồ đạc vào trong rừng để tránh chiến sự. Khi nước dâng, họ chuyển lại đồ đạc về nhà - khi tiếng súng vẫn còn chưa ngớt. Khi cố gắng cứu chú chó của gia đình, chồng bà đã tử vong. Với sự trợ giúp của hàng xóm láng giềng, thi thể của ông đã được tìm thấy.
“Khi tiếng súng ở khắp mọi nơi, với hai người già và một đứa trẻ, tôi không biết phải làm gì nữa”, bà kêu than.
Nhu cầu nhân đạo
Rakhine là một bang nghèo và có vị trí địa lý tương đối cô lập tại Myanmar. Trong những năm qua, đây cũng là nơi ghi nhận tình trạng bạo lực lan rộng, khiến hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa. Do đó, cơn bão gây ra quan ngại cho số phận của những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương.
“Người Rohingya và các cộng đồng người Rakhine đều bị ảnh hưởng nặng nề từ xung đột và các cuộc khủng hoảng nhân đạo nối tiếp. Họ dựa hầu như hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ nhân đạo để tồn tại”, ông Paul Brockmann, giám đốc điều hành tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) tại Myanmar, nói.
Một ngôi nhà tại Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, bị hư hại do bão. Ảnh: Reuters. |
Ông Brockman tuyên bố cơn bão đã tạo ra nhu cầu “khổng lồ” về y tế. Trong khi đó, nhiều phòng khám di động của MSF đã bị phá hủy, khiến người dân không thể tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết.
Ông cho biết người dân tại thị trấn Pauktaw - phía nam thủ phủ Sittwe - đã không được hỗ trợ trong 4 ngày. Khu vực thị trấn Pauktaw “chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền” và là nhà của khoảng 26.500 người tị nạn trong nước. Họ đã sống trong các khu trại 12 năm.
“Thiệt hại tại các thị trấn Sittwe, Rathedaung, Buthidaung và Maungdaw rất lớn. Tại Rathedaung, chúng tôi ước tính 90% căn nhà ở mỗi ngôi làng đã bị phá hủy. Người dân rất cần sửa chữa nhà mình khi mùa mưa đang đến rất nhanh”, ông Brockman nói thêm.
Giờ đây, những người sống sót trong gia đình ông Hussein vừa không có chỗ ở, vừa không có thức ăn. Trong những đêm qua, họ phải ở tạm trong một căn lều được dựng tạm từ những gì còn lại của ngôi nhà. Toàn bộ khu vực xung quanh đã bị san bằng. Trẻ con kêu khóc suốt đêm vì nhớ mẹ, nhớ chị.
“Tôi chỉ nghĩ về họ. Tôi thậm chí không thể ăn, không thể làm điều gì khác”, ông Hussein chia sẻ, cho biết bản thân đã phải ăn xin để có đồ ăn cho con cháu.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.