Phân tích của People's Vaccine Alliance (Liên minh Vaccine Nhân dân) - liên minh của các nhóm bao gồm Oxfam, ActionAid và Amnesty International - cho thấy cứ 7 liều vaccine ngừa Covid-19 do các nước giàu cam kết quyên tặng, thì mới chỉ có một liều cập bến những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Guardian đưa tin ngày 21/10.
Gần một năm sau khi những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên ra đời, chỉ có 1,3% những người sống ở các khu vực nghèo nhất thế giới được tiêm chủng đủ liều.
Mỹ là nước đã phân phối số vaccine quyên tặng lớn nhất, với gần 177 triệu liều. Tuy nhiên, con số này chiếm chưa đầy một phần năm trong số 1,1 tỷ liều do nước này cam kết.
Canada đã chuyển giao 3,2 triệu trong số 40 triệu liều được nước này cam kết.
Anh cam kết gửi cho các nước nghèo hơn 100 triệu liều vaccine nhưng tới nay mới chỉ chuyển giao 9,6 triệu liều, tức chưa đầy 10%.
Trong khi đó, trong số 994 triệu liều vaccine được cam kết tặng cho Covax - hệ thống phân phối vaccine toàn cầu - từ các hãng sản xuất vaccine Johnson & Johnson, Moderna, Oxford/AstraZeneca và Pfizer/BioNTech, cho đến nay mới chỉ có 120 triêu liều được giao, tức chiếm 12%.
Gần một năm sau khi những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên có mặt, chỉ có 1,3% những người sống ở các khu vực nghèo nhất thế giới được tiêm chủng đủ liều. Ảnh: AP. |
Robbie Silverman, một quản lý cấp cao của Oxfam, cho biết những số liệu này cho thấy “sự thất bại trong hoạt động quyên tặng vaccine từ các nước giàu và sự thất bại của Covax”.
“Cách duy nhất để chấm dứt đại dịch là chia sẻ công nghệ và bí quyết với các nhà sản xuất đủ điều kiện khác để tất cả người dân, ở mọi nơi đều có thể tiếp cận với những loại vaccine này”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công khai cảnh báo rằng việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển trước cuối năm nay cần phải là ưu tiên toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo của People's Vaccine Alliance cho thấy các quốc gia giàu có thay vào đó chỉ dự kiến giao thêm nhiều liều vaccine hơn vào một thời điểm nào đó năm 2022. Sự chậm trễ này có nguy cơ dẫn đến những ca tử vong lẽ ra đã ngăn chặn được.
Maaza Seyoum, thuộc Liên minh châu Phi và Liên minh Vaccine cho Người dân châu Phi cho biết: “Trên khắp thế giới, các nhân viên y tế đang vật lộn mòn mỏi, trẻ em mất cha mẹ và ông bà. Với 99% người dân ở các nước thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm chủng, sự chậm trễ như vậy của chúng ta đã quá đủ”.
Tuần này, các nhà vận động đã biểu tình ở đường Whitehall, London để phản đối Vương quốc Anh ngăn chặn việc từ bỏ bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19.
Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đình chỉ việc thực thi các bằng sáng chế đối với vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 để các nước nghèo có cơ hội tiếp cận tiêm chủng tốt hơn.
Đề xuất này đã được hơn 100 quốc gia, các nhóm nhân quyền bao gồm Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Oxfam ủng hộ, cùng những nhân vật tiếng tăm như cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown. Tất cả cùng chia sẻ quan điểm rằng không ai an toàn với Covid-19 cho đến khi mọi người đều an toàn.