Cách đây nhiều tuần, Mỹ và các đồng minh ở Qatar đã nỗ lực hậu thuẫn cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban, nhằm né tránh viễn cảnh đau thương như hiện tại.
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ ngừng bắn trong hai tuần, với điều kiện Tổng thống Ashraf Ghani phải từ chức và bắt đầu đàm phán để chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới, Bloomberg dẫn hai nguồn thạo tin.
Thỏa thuận sẽ mở đường cho cựu Tổng thống Hamid Karzai - người cũng tham gia đàm phán - và một số quan chức, cựu quan chức trong chính phủ đàm phán việc chia sẻ quyền lực với lực lượng Taliban. Ông Karzai vẫn ở thủ đô Kabul sau khi Taliban giành quyền kiểm soát.
Các nhóm tay súng Taliban ở Afghanistan. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, thỏa thuận đã sụp đổ khi ông Ghani rời khỏi Afghanistan ra nước ngoài. Người dân Afghanistan cho rằng quyết định của ông Ghani đã gây bất ngờ cho nhóm đàm phán tại Qatar, khiến các phụ tá thân cận và giới ngoại giao Mỹ rơi vào thế bị động.
Giờ đây, Taliban đang kiểm soát hầu hết đô thị lớn trong khi chính phủ Afghanistan dần sụp đổ. Trong bối cảnh này, thật khó để Taliban nhượng bộ và chịu chia sẻ quyền lực.
Ông Anish Goel, cựu giám đốc cấp cao của Nhà Trắng về khu vực Nam Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Bất chấp mọi ý định và mục tiêu, các cuộc đàm phán hòa bình ở Doha đã kết thúc”.
"Taliban chưa bao giờ đàm phán một cách thiện chí và không có lý do gì để họ làm như vậy vào lúc này. Họ đã có tất cả quyền lực ở Afghanistan và rõ ràng là không muốn chia sẻ nó”, ông Goel cho biết.
Hôm 16/8, phó thủ lĩnh của Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar, nói: “Chúng ta không nên kiêu ngạo. Bây giờ là thời gian thử thách với chúng ta, trong việc phục vụ và đảm bảo sự an toàn cho người dân, cũng như đảm bảo một cuộc sống và tương lai tốt đẹp trong khả năng”.