Sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan đã khơi lại sự chia rẽ về chính sách nhập cư ở châu Âu, khi các chính phủ phải gồng mình trước sự gia tăng không thể tránh khỏi của dòng người tị nạn, Guardian cho biết.
Hàng nghìn người Afghanistan đã vội vã đến sân bay Kabul trong nỗ lực chạy trốn khỏi Afghanistan, khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong vụ hỗn loạn ở sân bay.
Hôm 15/8, lãnh đạo các nước Albania và Kosovo cho biết đã chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc tạm thời tiếp nhận những người tị nạn chính trị đang tìm cách nhập cảnh vào Mỹ, trong lúc có nhiều lo ngại rằng các thành viên NATO phản ứng không đủ nhanh để sơ tán các công dân Afghanistan có nguy cơ bị Taliban trả thù.
“Tôi rất đau lòng khi thấy những người tị nạn bị bỏ lại phía sau và muốn cho họ ít nhất cơ hội để thở lại”, Thủ tướng Albania Edi Rama nói.
Dòng người bám càng máy bay vận tải quân sự C-17 của Mỹ trong nỗ lực chạy trốn khỏi Afghanistan. Ảnh: Tolo News. |
Khoảng 30.000 công dân Afghanistan rời khỏi đất nước mỗi ngày trong 10 ngày qua, phần lớn đến Iran hoặc Pakistan bằng đường bộ.
Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết Italy cam kết bảo vệ công dân Afghanistan đã cộng tác với sứ mệnh của họ, và đang làm việc với các đối tác châu Âu để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này sẽ sơ tán công dân của họ trước, sau đó là các công dân Afghanistan làm việc cho họ từ Kabul đến căn cứ ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Các tờ báo và đài truyền hình ở Đức đã thúc giục Thủ tướng Angela Merkel áp dụng chính sách thị thực khẩn cấp để tiếp nhận các nhà báo Afghanistan làm việc cho họ trong 20 năm qua.
“Tính mạng của những nhân viên tự do này đang bị đe dọa nghiêm trọng”, hãng tin DPA của Đức cho biết trong một tuyên bố.
Hôm 15/8, chính phủ Áo cho biết sẽ duy trì chính sách trục xuất người tị nạn Afghanistan không đủ điều kiện nhập cảnh vào nước này. Áo nằm trong 6 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tuần trước khẳng định rằng quyền trục xuất những người Afghanistan xin tị nạn bất thành nên được duy trì.
Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer mô tả lệnh cấm trục xuất người tị nạn là một yếu tố thúc đẩy di cư bất hợp pháp. Ông cho rằng điều này chỉ thúc đẩy hoạt động của những kẻ buôn lậu người.
Các nước EU lo sợ lặp lại kịch bản năm 2015-2016, khi hơn một triệu người di cư, chủ yếu từ Syria, Afghanistan và Iraq đến châu Âu, gây ra bất ổn chính trị trong các quốc gia thành viên EU.