DaiABank có xuất xứ là ngân hàng (NH) nông thôn. Cho dù đã được chuyển đổi lên NH thành thị, nhưng cái bóng “nông thôn” vẫn không dễ vượt qua.
Tại sao HDBank lại chọn DaiABank và ngược lại?
Thực tế, trụ sở DaiABank vẫn nằm ở Biên Hòa, khách hàng và mạng lưới phát triển đều tập trung tại đây. Nếu tìm được một chỗ dựa “môn đăng hộ đối” và có “mác” thành thị, đặc biệt nếu đó là một NH ổn định, có chiến lược kinh doanh bền vững, lâu dài, thì DaiABank kể như đã có thể “một bước đổi đời”, có “hộ khẩu” chính danh ở đô thành, và đó sẽ là một sức bật lớn cho đồng vốn của các cổ đông đã bỏ vào NH này.
Ngoài ra, cũng phải nói rằng, với cơ cấu cổ đông sáng lập và các cổ đông lớn có “tiểu sử” kinh doanh mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, thời gian khó khăn của thị trường bất động sản vừa qua cũng đã ghi dấu ấn không tích cực lên biểu đồ kinh doanh của DaiABank, và trong trung hạn, nhóm cổ đông này cũng khó có tiềm lực để xoay chuyển tình thế. Vì vậy, chấp nhận thoái lui, nhường chỗ cho một ý trung nhân phù hợp có khả năng cứu nguy DaiABank khỏi đổ bể nợ xấu là một lựa chọn hợp lý nhất đã được đưa ra vào năm 2012- năm mà nợ xấu của NH này đã tăng gấp 574% so với thực hiện năm 2011, lên tới 5,28%, chưa kể nợ phát sinh có thể còn cao hơn và chưa được thống kê đầy đủ.
Nhìn lại những thương vụ M&A từ phía HDBank và cả hoạt động mở rộng trong dịch vụ hàng không qua VietJet Air, có thể thấy dường như HDBank đã được chuẩn bị và đặt trước một đường bay cho lĩnh vực mới |
Ở phía HDBank, vốn không gặp khó khăn quá nhiều trong thanh khoản hay nợ xấu - những vấn đề thường trực chung của hệ thống NH trong hai năm vừa qua, HDBank dư nguồn lực để tính toán theo một chiến lược và tầm nhìn dài hạn mà không quá mức vội vàng. Tất nhiên, với năng lực dư đó, dù lên chiến lược và đích nhắm ra sao, tính toán của HDBank trước nhất cũng không thể loại trừ 2 tiêu chí: Mua, hoặc nhận được một tài sản giá rẻ, phải đồng nghĩa với tài sản tốt.
Có lẽ vì vậy mà HDBank đã “đánh tiếng” ở khá nhiều NH, nhưng hầu hết đều không là NH nằm trong nhóm “bắt buộc tái cấu trúc”, từ AnBinhBank cho đến KienLongBank.
Dừng lại ở DaiABank, tính toán của HDBank tỏ rõ sự “cao tay”: DaiABank tuy có nhu cầu phải sáp nhập để tồn tại nhưng lại không phải là “của ôi”, mặc dù tỷ lệ hoán đổi 1:1, mà trong đó các cổ đông mới sẽ thay thế chỗ cho cổ đông cũ là một thỏa thuận hời cho DaiABank, thì đổi lại, HDBank sẽ được một NH có cả “hồn lẫn xác”: 64 điểm giao dịch trên toàn quốc, vốn điều lệ cộng thêm 3.100 tỷ đồng; tổng tài sản 19.227 tỷ đồng, và đặc biệt vẫn hoạt động kinh doanh có lãi, chưa âm vốn chủ sở hữu (như nhiều NH). DaiABank cũng đã đạt được thành công trong lĩnh vực tài trợ vốn cho các hộ dân doanh (sản xuất, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp), DNNVV, đặc biệt cho vay tiêu dùng, xây dựng nhà ở và sửa chữa nhà ở, tức DaiABank có một mạng lưới khách hàng tiềm năng cho các nghiệp vụ huy động, cho vay và các sản phẩm dịch vụ NH khác.
Đánh giá về thương vụ này, một cách thận trọng, chuyên gia NH cao cấp Lê Trọng Nhi cho rằng, cùng với việc hợp nhất DaiABank và vụ mua lại công ty Tài chính SGVF, tổng tài sản của HDBank có thể tăng lên 87 - 88 nghìn tỷ vào cuối năm 2013 (HDBank 52,7 nghìn tỉ đồng (năm 2012) và DaiAbank 18 nghìn tỉ đồng (năm 2012). “Tuy nhiên, đúng là HDBank sẽ có thể đến với mục tiêu Top 10 về tổng tài sản, nhưng với tình hình kinh tế hiện nay và tình hình riêng của lĩnh vực ngân hàng thì vấn đề quan trọng hơn, nếu không nói là quan trọng nhất, là chất lượng thật của tổng tài sản đó”, ông Nhi nói.
HDBank dự tính gì?
Nhìn lại những thương vụ M&A từ phía HDBank và cả hoạt động mở rộng trong dịch vụ hàng không qua của VietJet Air, có thể thấy dường như HDBank đã được chuẩn bị và đặt trước một đường bay cho lĩnh vực mới: Phát triển sản phẩm DN đồng bộ với sản phẩm cho khách hàng cá nhân và chú trọng sản phẩm bán lẻ của ngân hàng. Nói như vậy, là bởi, tiếp nhận DaiABank, HDBank sẽ có thêm một thị trường quan trọng Đồng Nai (và nhiều thị trường lân cận khác) - nơi đang dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước, hứa hẹn làn sóng đổ bộ của các chuyên gia ngoại tới đây (tiềm năng cho phát triển bất động sản cao cấp - khách hàng DN hỗ trợ và phụ trợ trong nước và dịch vụ tài chính, bán lẻ NH, kết hợp dịch vụ bay của VietJetAir).
Ông Hạ Bá Trực, Giám đốc đầu tư HDBank từng nhấn mạnh, một trong những yếu tố thuộc “danh sách” kiểm tra trong quá trình hậu M&A, ở góc độ bán hàng và khách hàng là "Xem xét cơ hội bán chéo sản phẩm". Với chính trường hợp HDBank, cho dù chuyên gia Lê Trọng Nhi bày tỏ nỗi tiếc rẻ khi HDBank đã sớm từ bỏ thế mạnh Housing (nhà ở) của mình trước đây, để chỉ còn là NH Phát triển, song thực tế nếu nhìn tổng quan như vậy, sẽ thấy rõ ràng HDBank đã vạch được một con đường hậu M&A - con đường của một Tập đoàn lớn đa ngành, với cốt lõi chính là Dịch vụ - Ngân hàng.Cho dù chuyên gia Lê Trọng Nhi bày tỏ nỗi tiếc rẻ khi HDBank đã sớm từ bỏ thế mạnh Housing (nhà ở) của mình trước đây, để chỉ còn là NH Phát triển, song thực tế nếu nhìn tổng quan như vậy, sẽ thấy rõ ràng HDBank đã vạch được một con đường hậu M&A - con đường của một Tập đoàn lớn đa ngành, với cốt lõi chính là dịch vụ - ngân hàng.
“Công ty Tài chính của Ngân hàng Societe Generale phải ra đi nhường sân lại cho HDbank. DaiABank có vấn đề với chính bản thân họ và mạng lưới các ngân hàng có liên quan đến vụ việc lớn khác đã suy yếu về mặt quản lý - điều hành và thị phần sẽ khó tìm lại cái ngách riêng để phát triển. So với các vụ hợp nhất trong lĩnh vực ngân hàng vừa qua thì đây là thương vụ khá nhuần nhuyễn có tiềm năng và vượt lên. Như vậy, trong ngắn hạn sẽ còn những vấn đề chính sách và phương cách điều hành phải giải quyết. Nhưng về dài hạn và nếu HĐQT có tầm nhìn đúng và ban điều hành thật sự chuyên nghiệp, thì thương vụ này chắc sẽ tạo ra những hiệu quả tích cực cho các cổ đông”, ông Nhi nói.